-Sau 6 năm triển khai, theo Thứ trưởng, hiệu quả lớn nhất của việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại các Bộ, ngành, địa phương là gì?
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), từ năm 2013, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được tổ chức hàng năm và tạo được sự hưởng ứng tích cực, sâu rộng khắp cả nước. Qua 6 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp ủy đảng, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện ngày càng thiết thực và hiệu quả.
Thứ nhất, nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật được lựa chọn phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những lĩnh vực đang được xã hội quan tâm.
Thứ hai, hình thức tổ chức và mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng rất đa dạng và phong phú như: thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; Ngày hội pháp luật dưới hình thức sân khấu; xây dựng chuyên trang về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên facebook; các hoạt động lồng ghép với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngày đại đoàn kết tại khu dân cư”; tổ chức đối thoại trực tuyến giải đáp chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp …
Đặc biệt, quá trình tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã gắn sát hơn với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành, bảo vệ pháp luật; góp phần khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN, đổi mới, hội nhập, năng động, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Có thể nói, trong 6 năm qua, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là điểm nhấn của công tác PBGDPL. Theo tôi, hiệu quả lớn nhất của việc triển khai Ngày Pháp luật chính là sự lan tỏa trong cộng đồng tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức của toàn xã hội đối với vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình của người dân, từ đó hình thành văn hóa pháp luật trong ứng xử của mỗi người dân.
-Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay tập trung vào những nội dung gì, thưa Thứ trưởng?
Năm 2019 là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với phương châm hành động được Chính phủ xác định là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" . Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay sẽ tập trung vào 3 nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, bên cạnh quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội dự kiến thông qua trong năm 2018, 2019 như Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…thì hoạt động phổ biến, tuyên truyền phải chú trọng các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; lao động, đất đai, môi trường. Cùng với đó là các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội như: thông tin về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các biện pháp đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về đầu tư công…
Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong PBGDPL; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội.
Cùng với hướng dẫn nội dung nêu trên, Bộ Tư pháp cũng định hướng cho các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể trong quá trình thực hiện cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, từ đó xác định hình thức hưởng ứng cho phù hợp, gắn với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Riêng đối với Bộ Tư pháp, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay được thực hiện trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2019, nhất là hoạt động tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tới đây, Hội nghị tổng kết Chỉ thị 32-CT/TW sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức PBGDPL trong nhà trường, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật với tên gọi “Pháp luật học đường” cho học sinh các trường THPT, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lễ phát động Cuộc thi sẽ được tổ chức vào tối 8/11/2019 tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Đây được coi là sự kiện điểm nhấn để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019.
-Thời gian tới, xin Thứ trưởng cho biết chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào để việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật ngày càng hiệu quả?
Để nâng cao hiệu quả triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, theo tôi, có nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội để mọi người đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của pháp luật như một công cụ hữu hiệu để quản lý đất nước, cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Từ đó hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu quy định của pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật, tránh phô trương, hình thức, bảo đảm chiều sâu, thiết thực, được người dân đón nhận, hưởng ứng. Nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; gắn việc tổ chức Ngày Pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba, coi trọng tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy các mô hình có hiệu quả trên thực tế; kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác PBGDPL, thi hành pháp luật nói chung, triển khai Ngày Pháp luật nói riêng. Các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật cần hướng tới nhóm đối tượng đặc thù bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, sáng tạo, phong phú để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật gắn với thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021” để đa dạng hóa hình thức tổ chức và thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.
Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia công tác PBGDPL; đẩy mạnh xã hội hóa; phát huy vai trò của các nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, các tổ chức hành nghề luật trong hưởng ứng Ngày Pháp luật, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn công tác PBGDPL nói chung, triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều đổi mới, hòa cùng nhịp đập hối hả trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước; được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực chất hơn để việc học tập, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi người.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !