Ngày 4/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có dành 1 chương hướng dẫn về Ngày Pháp luật. Theo đó, hàng năm, Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước;
Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.
Nghị định cũng quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
Năm 2013, Ngày Pháp luật lần đầu tiên được công bố đã trở thành một sự kiện đáng chú ý trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. Năm đầu tiên trong bối cảnh Hiến pháp năm 1992 đang được sửa đổi nên điểm nhấn về nội dung của Ngày Pháp luật năm 2013 là tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 …
Từ thành công của Ngày Pháp luật đầu tiên, đến nay sau 5 năm có thể nhận thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tích cực đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội với nhiều mô hình mới đã ra đời.
Ngày Pháp luật từ chỗ còn mới mẻ, chưa quen đã dần thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
2018 là năm thứ 5 Ngày Pháp luật được tổ chức. Ngay từ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018, sau đó Bộ Tư pháp cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch phát động thi đua…Trên cơ sở các kế hoạch nói trên, theo thống kê từ Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, đến nay, đã có 16 bộ, ngành, đoàn thể và 52 địa phương ban hành công văn hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 và Kế hoạch triển khai thực hiện.
Trên cơ sở kế hoạch và văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể một cách chủ động, linh hoạt và thực chất hơn so với những năm trước, tập trung chủ yếu trong tháng cao điểm và tuần lễ cao điểm. Tính đến ngày 27/9/2018 dự kiến sẽ có ít nhất 45 sự kiện lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc sẽ diễn ra với chủ đề hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Còn tại Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ đều chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật theo nhiệm vụ được giao.