Thể hiện vai trò của Việt Nam trong ngoại giao đa phương
Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là Nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm đó cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Các nước Canada, Tây Ban Nha, Niger, Senegal, Saint Vincent & Grenedines đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam. 107 nước khác đã tham gia đồng bảo trợ nghị quyết.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các cơ quan trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế lẫn khu vực, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu cũng như cá nhân và những thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hằng năm. Mục đích nhằm tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.
Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
Ngày 27/12/2020, trả lời phỏng vấn truyền thông về việc LHQ lựa chọn một ngày để phòng, chống dịch bệnh theo chủ trì đề xuất của Việt Nam, lãnh đạo Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao đã cho biết, trong vấn đề ngoại giao đa phương, các cán bộ ngoại giao Việt Nam luôn trăn trở suy nghĩ, mong muốn có một sáng kiến được thúc đẩy tại LHQ, qua đó thể hiện được vai trò của Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong xử lý các thách thức chung. Khi trao đổi về công việc trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của các diễn đàn đa phương, các cán bộ của Vụ Các tổ chức quốc tế nảy ra ý tưởng: trong khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 mà Việt Nam ứng phó rất tốt thì nên chăng có một nghị quyết ở LHQ để vừa ghi nhận những nỗ lực đó, vừa đề xuất để cộng đồng quốc tế từ nay quan tâm hơn đến vấn đề phòng, chống dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề y tế, sức khỏe, LHQ đã có Ngày Phòng, chống bệnh lao, sốt rét, HIV/AIDS, hay Tuần lễ tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng chúng tôi thấy chưa có một ngày để nâng cao nhận thức một cách tổng thể về các loại bệnh dịch. COVID-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cả thế giới và chắc chắn nó chưa phải là đại dịch cuối cùng. Do vậy, có lẽ thế giới nên có một ngày để hằng năm gợi nhắc mỗi nước, mỗi thành viên trong xã hội và cả hệ thống LHQ rằng phải đầu tư cho hệ thống y tế, cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, xây dựng hệ thống y tế cấp cơ sở, có những cách tiếp cận mang tính toàn diện và tổng thể cũng như có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những điều này hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm sẵn có của Việt Nam.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Các tổ chức quốc tế, bất kỳ sáng kiến nào mới đều không tránh khỏi tâm lý e ngại. Một số nước không mấy mặn mà với các ngày quốc tế. Bên cạnh đó, trong thời gian đó, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, có rất nhiều ý tưởng khác nhau xoay quanh vấn đề phòng, chống dịch bệnh, khiến các nước có cảm giác bão hòa, không muốn Đại hội đồng LHQ thông qua quá nhiều đề xuất. Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tiếp cận và vận động một nhóm nòng cốt gồm 5 nước đại diện cho tất cả các khu vực: ở châu Mỹ có Canada, ở châu Âu có Tây Ban Nha, châu Phi có Niger và Senegal, châu Mỹ Latin có Saint Vincent & Grenadines để cùng nhau trao đổi về nội dung, xây dựng dự thảo nghị quyết đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các bên. Các nước này sau đó đi vận động và trao đổi để mở rộng sự ủng hộ của các thành viên khác trong khu vực của mình.
Thước đo của bài học “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của dân tộc Việt Nam
Cũng cần phải nói thêm rằng, chính khả năng ứng phó đại dịch của Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định cho thành công của việc Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập “Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh” vào ngày 27/12 do chính Việt Nam chủ trì đề xuất, với 107 nước đồng bảo trợ Nghị quyết.
|
Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vì cả nước đồng lòng, chung sức và đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. |
Điều này một lần nữa đã được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tổ chức tháng 10/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì.
Điểm lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong giai đoạn đầy cam go của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, giai đoạn chiến đấu với dịch bệnh chính là thước đo của bài học “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, thể hiện tinh thần “đoàn kết, tương thân, tương ái” và lòng yêu nước của cả dân tộc. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vì có tư duy, phương pháp luận đúng là “đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của toàn dân”…
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đúc kết, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế tiếp tục phối hợp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch; tập trung khắc phục bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế... trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp. Cùng với đó, ngành Y tế tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và địa phương đổi mới chính sách, phương thức đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.
Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc; khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược trong nước, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, y học cổ truyền trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông quản lý và sử dụng dữ liệu y tế hỗ trợ việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh nói riêng và quản lý nhà nước về y tế nói chung…
Cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tổ chức tháng 10/2023, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta; cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh. Đại diện WHO chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 để đến nay được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Trong đó, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vắc xin thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.