Tiếng máy xúc, tiếng động cơ xe chở quặng, tiếng đào bới, từng đoàn ô tô tải chở quặng phóng bạt mạng bụi mù trời là cảnh diễn ra tại những cánh rừng, những quả đồi của xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong cách biên giới Việt - Lào chưa đầy 1 km...
|
Máy móc, xe tải ngày đêm đào xới đất vùng biên khiến những ngọn núi cây cối bị cạo trọc, đất đai cũng bị đào bới tan hoang. |
Có mặt tại bản Tà Pàn, xã Tri Lễ chứng kiến một quả đồi đang bị công nhân cùng các phương tiện cơ giới đào bới và xúc lên xe chở đi, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì cách đó không xa, dòng sông Cắm Muộn cũng đang bị “vàng tặc” đào đãi khiến thiên nhiên bị tàn phá, cuộc sống dân bản bị đảo lộn.
Khi được hỏi, một ngươi dân trong bản cho biết: “Không chỉ ở đây mà từ đây đến cuối xã có đến 3 - 4 công ty khai thác. Họ làm cả ngày không nghỉ, bụi bặm và ồn ào lắm…”. Lên xe đi thêm một đoạn nữa, những cánh rừng vốn là màu xanh của lá nay thay vào đó là màu đỏ của đất đá ngổn ngang bị đào xới.
Tại bản Piêng Luôm, nơi có con sông Nậm Quàng chảy qua, dòng nước từ trên thượng nguồn biên giới Việt - Lào chảy về nhưng đến đây biến thành màu đỏ đục. Anh Lương Văn Cường - một người dân trong bản - cho biết: “Sông đổi màu là vì nước chảy qua các đoạn có công ty khai thác quặng sắt. Từ xưa đến nay, nước ở đây trong lắm, xanh lắm. Nhà ta dùng nước ni để tắm rửa, nhưng hơn một năm nay không giám dùng nữa, phải đào giếng để dùng hoặc đi gánh nước nơi khác để dùng đó, dùng nước suối ngứa lắm…”.
Không chỉ một quả đồi, một cánh rừng mà hầu hết các bản làng đều có công nhân, máy móc của các công ty khai thác quặng để khai thác. Theo tìm hiểu, hiện xã Tri Lễ có 4 doanh nghiệp đang khai thác quặng gồm: Cty TNHH Ngọc Sáng; Cty 171; Cty TNHH Xây lắp Miền Trung và Cty Lâm Lệ Phong.
Các Cty này có mặt và khai thác quặng sắt tại đây từ đầu năm 2011 đến nay. Sông Nậm Quàng bắt nguồn từ Lào qua bản Huổi Mới còn xanh trong là thế, nhưng khi qua bản Lằm là đổi màu, bản Piêng Luôm, bản Na Niếng, bản Na Lịt, Na Pàn… Cứ qua mỗi bản nước lại đổi màu đục đậm hơn.
|
Theo phản ánh của gia đình ông Lương Tiến Hành (57 tuổi), bản Lằm, xã Tri Lễ, đại diện cho các hộ ông Duẫn, ông Hiển, ông Ninh, ông Sòng và ông Lợi. Tại khu vực bản Lắm, có Cty TNHH Ngọc Sáng và Cty 171 khai thác mỏ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích lúa nước các hộ gieo trồng. Cụ thể là từ năm 2009 đến nay, số lúa nước sau khi gieo cấy thì bị nước từ trên khu vực khai thác quặng chảy xuống làm vùi lấp và không phát triển được.
Ông Hành cho biết: “Gia đình tui trồng lúa từ 2009 đến nay không hề được thu hoạch vụ mô, lúa vừa phát triển thì nước trên các bãi khai thác chảy xuống, kéo theo là đất, là đá làm mặt nước đóng váng đặc quánh, lúa chết và không thể ra bông được. Tui đã gửi đơn lên xã và huyện để nhờ can thiệp giúp dân chứ dân không có lúa gạo ăn thì làm sao sống được…”. Ruộng nhà ông Hành và các hộ dân trước đây là đất 2 vụ lúa chưa bao giờ khô nước, năm nào cũng đủ ăn cho cả hai mùa.
Ông Hành cho biết thêm, ngoài diện tích đất trồng lúa nước bị ảnh hưởng, nguồn nước suối cũng bị đất đá làm đổi màu thành màu đỏ ố, nước uống nước sinh hoạt cũng cạn dần. Anh Ngân Văn Quý - Công an viên bản Lằm - cho biết: “Xe của các công ty vào khai thác làm bụi ô nhiễm lắm, xe đi qua là người đi đường không thấy chi hết. Đường dân sinh cũng bị những chiếc xe này làm hư hỏng nặng mà lại không hỗ trợ dân tu sửa đường. Đất rừng vốn là đất của dân bản nhưng công ty nơi khác đến khai thác dân không hề được hưởng lợi chi mà còn hứng chịu nhiều hậu quả như ri nữa”.
Leo lên ngọn núi nằm phía sau lưng bản Lằm, một cảnh tượng hoang tàn hiện ra trước mắt, nơi chỉ cách đất bạn Lào chưa đầy 1 cây số những cánh rừng ngày đêm liên tục bị đào, bị xới để chở đi. Từ trên cao nhìn xuống bản, đám bụi của chiếc xe tải chở đất đi qua còn chưa bay hết, bản làng nằm cheo leo dưới ngọn núi hứng lấy bụi bặm lâu nay.
Các Cty đến khai thác tại địa phương đều được cấp phép khai thác, nhưng khi khai thác lại làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh mà không có biện pháp khắc phục. Cứ thế người dân nơi đây hàng ngày đau lòng nhìn những cánh rừng, những quả đồi lần lượt bị cạo trọc, rồi bị đào bới tan hoang mà không biết là mình được hưởng lợi gì trên chính mảnh đất vốn là nơi họ sinh sống làm ăn.
Lợi đâu thì chưa thấy, nhưng hậu quả là môi trường ô nhiễm, nguồn nước bị ảnh hưởng, cuộc sống bà con không được đảm bảo khi sống dưới chân núi mà phía trên là máy móc đào đất đá ngổn ngang. Nếu mùa mua bão đến những hộ dân sống dưới chân núi có an toàn không khi rừng bị cạo trọc và đất đá thì bị xúc mang đi…
Ông Lô Xuân Thu – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Trên đia bàn xã có 4 đơn vị khai thác quặng với tổng diện thích trên 110ha/ 800 ha rừng của xã do UBND tỉnh cấp giấy phép. Trong đó, Cty Ngọc Sáng khai thác 10ha, công ty 171 khai thác 52 ha, công ty Lâm Lệ Phong 18 ha, công ty TNHH xây lắp Miền Trung 30 ha.
Năm 2011 mỗi công ty đóng góp cho địa phương 2 triệu/năm vào quỹ của xã, năm 2012 này chưa thấy các công ty đóng góp gì. Vẫn biết dân phản ánh ảnh hưởng môi trường, bụi, nguồn nước nhưng các đơn vị đều có giấy phép khai thác và địa phương chúng tôi cũng không biết các đơn vị này có đóng phí môi trường ở cấp tỉnh hay huyện không thì không không rõ…”.
Ngô Toàn