Nghề “đổi giấy lấy tiền” trong dịp Tết ông Công ông Táo

(PLVN) - Thôn Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) được biết đến như thủ phủ sản xuất vàng mã lớn nhất miền Bắc. Ở đây có khoảng hơn 150 hộ dân làm nghề sản xuất vàng mã quanh năm. 
Giá cả hàng Tết ông Công ông Táo cũng tùy thuộc từng năm nhưng không biến động nhiều
Giá cả hàng Tết ông Công ông Táo cũng tùy thuộc từng năm nhưng không biến động nhiều

Tuy nhiên thu nhập của nghề làm vàng mã chủ yếu đến từ hai vụ lớn là rằm tháng 7 và dịp cận Tết Nguyên đán. Đến với Phúc Am thời điểm này sẽ thấy tràn ngập không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho vụ hàng lớn nhất cả năm.

Thu nhập “khủng” dịp Tết ông Công ông Táo

Vào khoảng trước Tết ông Công ông Táo 2 tuần, từ đầu làng đến khắp các ngõ nhỏ của Phúc Am, đâu đâu cũng thấy xe tải lớn, xe tải bé từ nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình nối đuôi nhau đến đây lấy hàng. Hầu như người dân nơi đây đều chuẩn bị cho đợt hàng cuối năm từ mấy tháng trước và đa dạng hóa thêm nhiều sản phẩm.

Ông Vũ Quốc Văn, một chủ cơ sở sản xuất cho biết : “Nhà tôi bắt đầu sản xuất hàng cho Tết ông Công ông Táo từ đầu tháng 11. Năm nào vào vụ này cũng phải gọi thêm khoảng 10 đến 15 công nhân, nhờ cả họ hàng đến giúp. Dịp này thì làm quần áo ông Công ông Táo là nhiều nhất, ngoài ra còn làm thêm cả quần áo để cúng Thổ quan. Mấy ngày nay gia đình tôi phải thức đến 1, 2h sáng để kịp làm xong giao cho khách”.

Cũng theo ông Văn, giá cả hàng Tết ông Công ông Táo cũng tùy thuộc từng năm nhưng không biến động nhiều. Trung bình bộ rẻ nhất thì khoảng 35 nghìn đồng, bộ đắt có thể lên đến 250 nghìn đồng hoặc hơn.

Mỗi vụ nhà ông sản xuất được khoảng 1.500 đến 2.000 bộ. Không giống như Rằm tháng 7, Tết ông Công ông Táo không có khách đặt đơn hàng đặc biệt, nhưng bù lại đợt này lại có nhiều khách hơn và đơn hàng trải đều từ tháng 11, làm hàng có phần đỡ vất vả hơn.

Theo chị Minh, chủ một đại lí vàng mã tại Phúc Am cho biết:  “Nhà nào cũng phải cúng ông Công ông Táo nên nhu cầu dịp này nhiều gấp 3, 4 lần bình thường, tháng nhiều bù tháng ít nên gọi là đủ ăn đủ tiêu. Ngày thường thì nhà tôi chỉ bán đến 5h chiều, nhưng mấy hôm này, 10 giờ đêm vẫn còn khách hỏi mua”.

Kinh tế phát triển, người ta không chỉ có nhu cầu cúng khấn, đốt vàng mã nhiều lên mà đồng thời yêu cầu thẩm mĩ cũng tăng cao. Chính vì thế các sản phầm làm ra cũng phải bắt mắt hơn. Ví như mặt hàng mũ ông Công ông Táo ngày càng được làm đẹp hơn do có thêm nhiều loại giấy ánh kim, phun thêm kim tuyến bắt sáng…  nhưng giá bán lại không cao hơn trước là mấy. Đồng thời các cơ sở sản xuất muốn bán chạy hàng thì luôn phải cập nhật, thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Chạy đua” sản xuất hàng cúng khai xuân, giải hạn sau Tết

Tay ngừng làm thì miệng cũng ngừng nhai, hơn nữa, cái đặc biệt của nghề làm vàng mã là không phải phải tháng nào cũng đều việc như tháng nào, càng bận thì lại càng vui. Theo những người dân Phúc Am, dịp gần Tết là một trong hai vụ lớn nhất của năm. Ở vụ này, không chỉ có làm hàng cúng ông Công, ông Táo mà còn phải chuẩn bị hàng cho dịp cúng khai xuân, dâng lễ giải hạn.

Những đồ cúng khai xuân như: tiền vàng, đô địa; đồ cúng gia Tiên như: quần áo, nón mũ thường được người dân mua nhiều vào dịp trước Tết. Vì thế người làm vàng mã  sau ngày 23 tiễn ông Công ông Táo về trời thì lại quay cuồng làm hàng dịp Tết.

Trong những ngày Tết, cúng Tất niên, cúng thông thiên, hóa vàng nhu cầu về tiền vàng đô đại cũng cao gấp 2, 3 lần bình thường. Ra Tết là đi du xuân, lễ chùa, nhu cầu tiêu thụ vàng mã lại càng tăng cao.

Không chỉ có tiền vàng, đầu xuân. nhu cầu vàng mã cúng sao giải hạn, cúng tứ phủ cũng rất lớn. Chị Hoài, chủ cơ sở sản xuất tại Phúc Am chia sẻ: “Hàng cúng tứ phủ, giải hạn phải làm cầu kì và lâu hơn đồ cúng ông Công, ông Táo rất nhiều. Với khách quen thường là cô đồng, thầy bói thì họ có thể sẽ đặt trước vài tháng, để kịp hàng mình phải làm trước cả hàng ông Công, ông Táo. Còn ra Giêng có khách đặt gấp cũng phải làm ngày làm đêm để kịp giao cho khách”.

Khách đặt vàng mã ở Phúc Am dịp này cũng rất đa dạng, ngoài những tỉnh lân cận Hà Nội thì còn có những người từ tận Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Phòng…  Những mặt hàng phục vụ dịp sau Tết lại càng đa dạng hơn nữa như: ngựa, voi, hình người, tướng lĩnh, xích lô rước các công chúa, vị vua Hùng...

Giá thành những mặt hàng này lại không hề rẻ. Một mô hình nộm tướng lĩnh bán buôn với gia dao động từ khoảng 400 đến 600 ngàn đồng, một mô hình ngựa, voi cao 2 mét được bán với giá trên 200 ngàn đồng/sản phẩm. Nếu loại đẹp thì có thể lên đến 500 ngàn đồng/sản phẩm. Một đàn ngựa cúng tứ phủ có khi lên đến cả chục triệu đồng.

Những năm gần đây, kỹ thuật làm vàng mã ở Phúc Am ngày càng trở nên hiện đại, người ta không còn phải cắt từng chi tiết từ những tờ giấy xanh đỏ mà ngày nay chỉ cần lấy mấu có sẵn, mang đi in nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên có những chi tiết vẫn phải làm thủ công để ghép lại với nhau. Đặc biệt là công đoạn làm khung thì vẫn phải làm thủ công hoàn toàn. Chính vì thế, sau khi làm hàng ông Công ông Táo, người dân Phúc Am lại chạy đua để kịp những đơn hàng sau Tết.

Việc đốt vàng mã vào dịp Tết nói riêng và tục đốt vàng mã của người Việt nói chung là một tục lễ có từ lâu đời ở nước ta. Chúng ta tiếp nhận văn hóa ấy ở thời điểm bị Trung Quốc đô hộ. Tuy nhiên ngày nay, tục đốt vàng mã ngày càng trở nên thái quá. Tháng 2/2018 đã có những đề nghị về việc bỏ tục đốt vàng mã, hoặc đề xuất đánh thuế cao mặt hàng vàng mã.

Trao đổi với phóng viên về tục đốt vàng mã của người Việt Nam ngày nay, GS Hoàng Chương cho rằng: “Người Việt đang không hiểu được quy luật của văn hóa phương Đông, đáng lí nên đốt tượng trưng với số lượng ít, nhiều người lại đốt như một lò than. Hành động đó là phản văn hóa, xuất phát từ tư tưởng sống vì tiền. Nhiều người cho rằng họ đốt nhiều, dâng nhiều thì thần thánh cho lại nhiều”.

Từ đó có thể thấy, việc làng nghề giàu lên nhờ vàng mã là một điều đáng mừng. Tuy nhiên cũng cần phải cân đối sự phát triển đi đôi với tính bền vững của nghề.

Đọc thêm