Nghệ nhân con rối ở làng Đào Thục

(PLO) - Làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội được biết đến là cái nôi của nghệ thuật múa rối đất Kinh kì. Nhắc đến địa danh này, người ta thường nghĩ đến những màn múa rối nước vui tươi và hóm hỉnh. Song ít ai biết được, đây cũng là nơi tạo hình ra những con rối. Hiện nay, chỉ còn một nghệ nhân duy nhất trong làng làm nghề tạo tác con rối. Đó là ông Nguyễn Văn Phi.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đang tạo hình cho nhân vật ông quan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đang tạo hình cho nhân vật ông quan.

Chữ “duyên” với con rối ở tuổi tứ tuần

Rối nước làng Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Trải qua 300 năm cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, người dân làng Đào Thục vẫn lưu giữ nghề múa rối nước như một báu vật của làng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi kể rằng, cha ông cũng là là một người làm rối mấy chục năm. 

Bản thân ông Phi đã trải qua rất nhiều nghề. Tuy nhiên, dù kinh doanh hay làm thợ mộc, ông luôn đau đáu về chuyện làng nghề. Một vài năm trở về đây, khi điều kiện gia đình đã tương đối ổn định và cũng vì đam mê, với nghề truyền thống của quê hương, ông bỏ công việc kinh doanh và làm ở xa, quyết tâm theo nghề làm con rối.

Ông Phi chia sẻ: “Con rối của làng Đào Thục là nhân vật mô phỏng 100% trong các truyện cổ. Ngay cả phục trang của họ cũng phải là cổ xưa. Ví dụ như người nông dân thì đóng khố, nhân vật lính thì đội nón dấu, mặc bộ quần áo dài...”. Theo ông Phi: “Điểm độc đáo của con rối ở làng Đào Thục là nằm ở nhân vật ông Ba Khí. Ba Khí là vừa đại diện cho hình ảnh chú Tễu của miền Bắc vừa là bác Ba Phi của miền Nam, cũng là hình ảnh người dẫn chương trình, tổ chức các sự kiện, có sự vui tươi và hóm hỉnh”.

Khó khăn trong việc giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi rất chú tâm trong việc đào tạo lớp trẻ kế nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có ai chuyên tâm theo nghề tạo hình con rối. Phần lớn những người đến đều là thanh niên trong làng, song cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Không ai đủ kiên nhẫn và say mê học cho đến lúc thành thục. Kể đến đây, ông Phi hóm hỉnh: “Nếu chỉ làm rối nước thì không thể đủ sống, càng không đủ tiền để nuôi con học đại học. Không thể bán ra ngoài nhiều nên không ai làm”.

Nhìn những con rối sinh động ít ai biết rằng để tạo nên một con rối hoàn chỉnh, ngươi nghệ nhân cũng phải bỏ lắm công phu. Thời gian thành phẩm là 10 ngày. Trong đó, sơn là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Nếu không phơi đủ nắng lớp sơn sẽ bị sùi và công sức của người thợ coi như đổ sông đổ bể. Nếu con mốc bị rối, nghệ nhân sẽ phải đục lại và mài mịn. Nhiều người chỉ nhìn vào công đoạn đục đã thấy khó nên nản chí. 

Ông Phi chia sẻ, nguồn gỗ sung bây giờ khá khan hiếm. Ông chủ yếu tìm mua ở các làng lân cận, hoặc các xã gần đây. Gỗ sung ở các tỉnh khác cũng có, nhưng nếu mua về thì tính chi phí cũng như công quá nhiều, giá thành một con rối bán ra thì chỉ khoảng 600-700 nghìn đồng. Như vậy, chưa trừ chi phí, một ngày công làm rối được khoảng 70 nghìn đồng, chưa bằng lương phu hồ. Thế nên, ngoài việc làm rối, ông Phi còn làm thêm đủ nghề khác như làm mộc, cơ khí và làm nông. 

Nghề múa rối nước ở Đào Thục đã được đầu tư và quan tâm, song việc tạo hình con rối cũng như những người làm ra nó dường như đang bị lãng quên. Ông Phi là nghệ nhân duy nhất và cũng có thể là người cuối cùng ở làng Đào Thục biết cách làm con rối. Và sau cùng, mong ước giản dị nhưng đầy trăn trở của nghệ nhân Nguyễn Văn Phi là: “Tôi chỉ hi vọng phía nhà nước cũng như nhân dân xa gần quan tâm và cổ vũ cho nghề rối truyền thống tại quê hương”.