Người đàn ông táo bạo đưa rối nước Bắc Bộ 'Nam tiến'

(PLO) -Sinh ra trong gia đình không có truyền thống hoạt động nghệ thuật rối nước, không được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng bằng sự đam mê, tình yêu dành cho những con rối “biết nói”, hơn 20 năm nay ông Oánh vẫn kiên trì theo đuổi nghệ thuật này.
Ông Oánh với những con rối nước hiếm hoi ở TP HCM.
Ông Oánh với những con rối nước hiếm hoi ở TP HCM.

Căn phòng trọ của ông Phùng Quang Oánh (46 tuổi, ngụ phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM) nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát.  Ít ai biết rằng góc phòng tuềnh toàng che chắn bằng mái tôn vừa là nơi ở của cả gia đình vừa là gian làm việc, nơi ông Oánh ngày đêm làm nên những nhân vật rối nước đa dạng, độc đáo.

Đam mê thuở nhỏ

Giữa trưa, người đàn ông trung tuổi vẫn say mê ngồi đục đẽo dưới mái hiên bằng tôn đã xập xệ, xung quanh là vài kệ gỗ chất đầy những con rối nước bằng gỗ, đầy đủ sắc màu hình dáng. Mặc cho TP HCM nóng nực oi bức, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt nhưng tiếng đẽo sắc gọn từ đôi bàn tay khéo léo vẫn đều đều vang lên.

Ông Ánh mỉm cười cho hay: “Có một vị khách người Nhật Bản vì “mê” rối nước của Việt Nam nên đặt tôi làm 5 con rối, nhưng yêu cầu sáng tạo phong cách theo văn hóa đất nước mặt trời mọc. Người ta sắp về nước rồi nên tôi phải tranh thủ cả ngày lẫn đêm để làm cho kịp”. 

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống làm rối nước ở Hà Tây, từ nhỏ ông Oánh chỉ chăm lo việc học, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với những con rối hay loại hình múa rối nước dân gian.

Ông kể: “Lúc đó ở quê tôi có phường rối nước Bình Phú, nổi tiếng nhất vùng nhưng khá xa nhà nên lũ trẻ chúng tôi nhiều khi muốn đến cũng không đến được. Chỉ những dịp lễ hội chùa Thầy, chùa Tây Phương... những phường rối nước biểu diễn, chúng tôi mới được theo cha mẹ đi xem.

Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh
Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh

Ai nấy cũng đều thích thú, reo hò. Hồi đó, mỗi lần xem tôi đều nghĩ “không biết người ta làm sao mà điều khiển được con rối múa hay quá, càng nghĩ lại càng thích chí, mê mẩn mãi không thôi”. 

Mê rối nước cũng như những đứa trẻ khác trong làng, nhưng chưa một lần ông nghĩ lớn lên sẽ theo nghề để mưu sinh. Năm 1991, ông Oánh thi đỗ vào ngành điêu khắc của một trường cao đẳng tại Hà Nội. Điều này giúp ông đến với nghệ thuật tạo hình rối nước như một sợi dây duyên nợ cho đến bây giờ.

Ông nở nụ cười hiền hậu nhớ lại: “Khi vừa học năm nhất, tôi xin làm thêm trong một xưởng điêu khắc. Lúc đó xưởng nhận được nhiều đơn đặt hàng của những phường rối nước trên địa bàn Hà Nội, nên công việc của tôi là sáng chiều đục đẽo, làm các nhân vật trong những trò diễn.

Ban đầu có rất nhiều lạ lẫm nhưng về sau thuận lợi hơn rất nhiều. Khi đã quen hết những công đoạn tôi càng yêu thích, say mê công việc. Nhiều hôm thức suốt đêm để làm, dù mệt mỏi nhưng khi con rối hoàn thành tôi rất vui sướng và hài lòng với thành quả của mình”.  

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, ông mạnh dạn đứng ra thành lập một xưởng điêu khắc, tạo hình rối nước với gần 10 nhân công. Suốt nhiều năm liền những sản phẩm ông mày mò thực hiện được nhiều phường rối, trung tâm, nhà hát kịch ưa chuộng sử dụng. 

Công phu làm rối nước

Ông trải lòng: “Tôi nghĩ múa rối nước là loại hình nghệ thuật truyền thống không chỉ ở Bắc bộ mà của cả dân tộc Việt Nam. Vậy nhưng hầu như trong tất cả các trò diễn đều nói lên văn hóa vùng miền Bắc bộ. Tại sao không thể là chị nông dân mặc bộ đồ bà ba, khăn rằn, không thể là người đàn ông Nam Bộ?”. 

Gần một năm trăn trở, cuối năm 2006, ông Oánh cùng gia đình quyết tâm khăn gói vào Nam mang theo ý tưởng táo bạo sẽ đưa loại hình múa rối nước giới thiệu rộng rãi đến với công chúng nơi đây. Ông kể những ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào TP HCM, cả gia đình gặp khá nhiều khó khăn cả về cuộc sống lẫn kinh tế. 

“Tôi nhận ra rằng mọi người ở TP HCM hầu hết đều lạ lẫm với nghệ thuật múa rối nước, không biết hoặc chưa từng được xem lần nào. Nhiều người thấy tôi làm việc không khỏi tò mò, ngạc nhiên nên đến xem tận nơi. Ban đầu chỉ có vài người, dần dần nhiều người biết đến hơn”, ông nhớ lại.

Để góp phần đưa múa rối nước đến gần hơn với người dân Nam Bộ, ông Oánh thành lập một đội biểu diễn lưu động. Trong đó, ông vừa đóng vai trò là người tạo hình đồng thời cũng là nghệ nhân trực tiếp biểu diễn. 

“Tôi và một vài người bạn khác làm thành một đội, xây dựng một bể chứa nước mini và những vật dụng cần thiết khác. Bất cứ gia đình nào có nhu cầu biểu diễn tại gia trong những dịp liên hoan, tiệc tùng chúng tôi đều nhận lời”, ông cho hay.

Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh
Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh

Cũng theo ông, tùy quy mô và thời gian, tiền công mỗi suất diễn có thể từ 3,5 đến 7 triệu đồng. Để đảm bảo số lượng nhân vật trong từng trò khi diễn viên chỉ có hạn, sau nhiều đêm trằn trọc, ông sáng chế được chiếc máy có thể đảm nhiệm được một lúc 3 đến 4 nhân vật. 

Nhưng mô hình lưu động trên chỉ duy trì được một thời gian thì gặp nhiều khó khăn, ông phải chuyển giao cho người khác quản lý. Thời điểm đó, để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình, ông Oánh phải nhận thêm những hạng mục điêu khắc, trùng tu chùa chiền, hay làm việc trong những công trình xây dựng. 

Cho đến nay tuy ông không còn trực tiếp biểu diễn múa rối, nhưng đam mê với nghề vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Ngoài những lúc làm việc ở công trình, thời gian rảnh rỗi, ông đều dành hết cho việc tạo hình rối nước, cung cấp những sản phẩm độc đáo đa dạng đến các trung tâm biểu diễn rối nước ở TP HCM. 

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoàn thành một nhân vật rối, ông cho hay: đầu tiên là việc lựa chọn chất liệu gỗ, khâu này quyết định rất nhiều. Theo ông, muốn làm nên một con rối nước tốt, bắt buộc gỗ phải là gỗ sung lâu năm.

Bởi đặc tính gỗ sung vừa chắc vừa nhẹ, giúp nổi dễ dàng trên nước. Rối làm từ gỗ sung trong quá trình diễn bị ngâm nước, sau khi được đưa phơi khô không bị nứt như những loại gỗ khác. Do đó, một con rối có thể được sử dụng tối thiểu đến 200 suất diễn (khoảng 5 - 6 tháng, nếu biểu diễn thường xuyên). 

Quá trình làm một con rối từ công đoạn xẻ gỗ, tạo hình đầu, thân, tay, trang trí hoàn chỉnh đều được làm thủ công và thường kéo dài khoảng 3 ngày. hoặc nhiều hơn nếu có nhiều chi tiết phức tạp. Theo ông Oánh, tất cả mọi công đoạn đều phải cẩn trọng, không được mất tập trung ở bất cứ khâu nào, nếu không có thể phải bỏ và làm lại từ đầu. 

Ông cho biết yêu cầu đặc biệt trong tạo hình rối nước là con rối phải nổi và cử động linh hoạt theo ý người điều khiển. Để làm được như vậy, các phần cơ thể của con rối phải được tạo hình độc lập, sau đó gắp kết lại với nhau thật khéo léo. 

Cuối cùng là khâu trang trí rối. Để con rối có trang phục phù hợp với bối cảnh, ông phải tìm hiểu rõ về đặc trưng văn hóa trang phục mỗi vùng miền, dân tộc. 

Nghề “độc” ở TP HCM

Ông Oánh cho hay, trước đây trong biểu diễn rối nước Bắc bộ có khoảng 36 trò. Hiện nay, còn diễn được khoảng 16 trò. Những trò múa rối trong dân gian chủ yếu xoay quanh các chủ đề: tái hiện lại nhân vật lịch sử (Lê Lợi du thuyền, Âu Cơ – Lạc Long Quân...); tái hiện sinh động lễ hội dân gian (lễ hội đua thuyền, lễ hội múa Tứ Ninh, Tễu giáo đầu...); tái hiện văn hóa đời thường (trò bắt vịt, ngày nông gặt mùa). 

Ông kể: “Khi còn ở Hà Nội, tôi thấy lạ vì trong hầu hết các trò rối nước đều đậm đà văn hóa miền Bắc. Trong lòng tôi luôn nặng câu hỏi “văn hóa Nam bộ đặc sắc không kém, chẳng lẽ không thể đưa vào rối nước?”.

Sau khi vào Nam tôi mới hiểu, những nghệ nhân ở miền Nam khi đưa nghệ thuật rối nước từ Bắc vào đều giữ nguyên kịch bản, con rối. Người miền Nam khi xem không thấy có mình trong đó nên lạ lẫm là chuyện dễ hiểu”. 

Nghĩ cách để múa rối nước đến gần hơn với thị hiếu người dân Nam bộ, ông Oánh ngày đêm tích cực tìm hiểu về văn hóa, lối sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Ông đã phục chế thành công một số vở như: “Công chúa Nêaky” (tái hiện văn hóa người Chăm).

Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh
Một số hình ảnh rối nước tại nhà ông Oánh

Tương truyền nàng công chúa tên Nêaky và con trai vua Thủy tề gặp gỡ và hẹn thề. Nhưng mối duyên bị vua cha hai bên kịch liệt ngăn cản. Trải qua nhiều sóng gió, Nêaky mới đến được với người mình yêu thương).

Với hơn 50 nhân vật được ông Oánh kỳ công tạo hình theo văn hóa Chăm, vở diễn đã đem lại luồng gió mới trong làng nghệ thuật rối nước, được đông đảo người dân Nam bộ chào đón bởi sự công phu từ kịch bản đến nhân vật. 

Ngồi cạnh chồng, bà Đinh Thị Toàn (46 tuổi, vợ ông Oánh) tâm sự, vợ chồng bà có 3 người con trai. Tuy các con đều được ông dạy làm rối từ bé, nay đều có thể phụ giúp cha làm việc, nhưng không ai nối nghề cha vì kinh tế gia đình khá eo hẹp.

Bà Toàn vì thấu hiểu niềm đam mê của chồng nên luôn tích cực ủng hộ ông. Hàng ngày bà làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận, về đến nhà thấy chồng đang cặm cụi với công việc, bà cũng xắn áo tất bật làm cùng. 

Ông Oánh mỉm cười, kể: “Tôi cũng tìm về tận Tiền Giang để tìm hiểu và tái hiện lại trò “Chợ Nổi”. Những nhân vật đến thuyền bè, bối cảnh đều được phục dựng theo văn hóa, lối sống sinh hoạt của người dân sông nước miền Tây...

Tôi không sợ khó, không sợ khổ, điều mong ước của tôi là làm sao góp phần lưu giữ bản sắc dân tộc, để những nét văn hóa đặc sắc không bị mai một dần. Nếu một ngày nào đó có cơ hội, tôi luôn muốn được mở một cuộc triển lãm tạo hình rối nước ngay ở TP HCM”. 

Ông Oánh chia sẻ: “Khi còn ở Hà Nội, tôi thấy lạ vì trong hầu hết các trò rối nước đều đậm đà văn hóa miền Bắc. Trong lòng tôi luôn nặng câu hỏi “văn hóa Nam bộ đặc sắc không kém, chẳng lẽ không thể đưa vào rối nước?”.
Sau khi vào Nam tôi mới hiểu, những nghệ nhân ở miền Nam khi đưa nghệ thuật rối nước từ Bắc vào đều giữ nguyên kịch bản, con rối. Người miền Nam khi xem không thấy có mình trong đó nên lạ lẫm là chuyện dễ hiểu”. 

Đọc thêm