Nghề “phụ tá công lý”

(PLO) - Để góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, cần phải “xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án” và “Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên) trước mắt, tổ chức thí điểm tại một số địa phương, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các Văn phòng Thừa phát lại tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2016.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các Văn phòng Thừa phát lại tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2016.

Hoạt động Thừa phát lại, nguồn gốc tiếng Pháp là “Huissier”, được cho là xuất hiện tại Việt Nam cùng với Hiệp ước ngày 05/6/1862 Vua Tự Đức nhượng lại cho Pháp 06 tỉnh Nam Kỳ để Pháp trực tiếp áp đặt chế độ cai trị thực dân. Sau này, hoạt động Thừa phát lại được ghi nhận rộng rãi tại Nam Kỳ (Bộ Dân sự tố tụng Việt Nam năm 1910), ở Trung Kỳ (Bộ dân luật Trung năm 1936-1939, ở Bắc Kỳ (Bộ Dân luật Bắc 1931).

Chức năng chính của thừa phát lại trong giai đoạn này là “phụ tá công lý”, hỗ trợ các cơ quan Tòa án, cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng như tống đạt, sưu tập và bổ sung chứng cứ, hỗ trợ hoạt động thi hành án, hỗ trợ luật sư biện hộ trước Tòa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam Bộ nếu “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hòa”.

Trên cơ sở đó, Nghị định số 37 ngày 30/11/1945 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, văn bản đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp quy định Ban công lại thuộc Phòng Giám đốc hộ vụ có nhiệm vụ quản lý hoạt động thừa phát lại.

Đến ngày 24/1/1946, Sắc lệnh số 13, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới quy định “Ban Tư pháp có quyền thi hành những mệnh lệnh của Thẩm phán cấp trên, bao gồm cả bản án, quyết định của Tòa án”.

Như vậy, trong những năm đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, tổ chức hoạt động thi hành án dân sự đã được hình thành và tồn tại song song hai lực lượng thi hành án là Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã. Hoạt động thừa phát lại tiếp tục được duy trì cho đến cuộc cải cách tư pháp năm 1950.

Sau thời gian dài vắng bóng, hoạt động thừa phát lại được ghi nhận trở lại tại Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng.

Theo đó, để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, cần phải “xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án” và “Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên) trước mắt, tổ chức thí điểm tại một số địa phương, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Triển khai chủ trương nêu trên, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Thừa phát lại được quan niệm là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại.

Phạm vi hoạt động thừa phát lại bao gồm thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự, lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự hay trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. 

Đến nay, tại 13 địa phương triển khai thí điểm chế định thừa phát lại, có 53 Văn phòng Thừa phát lại với 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên. Về kết quả, tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Có thể nói, qua thí điểm, chế định Thừa phát lại đã chứng tỏ được tính đúng đắn và được xã hội đón nhận, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện chính thức chế định này trong giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy, ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016./. 

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Khoa học pháp lý (1996), Chuyên đề Thừa phát lại.

2. Bộ Tư pháp (2015), Báo cáo Kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015, định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2016.

Đọc thêm