Nghệ sĩ Bạch Long ngán ngẩm vì tiền tác quyền cải lương hét giá trên trời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Kính đa chiều, đạo diễn Lê Hoàng và nghệ sĩ Bạch Long thẳng thắn bàn luận về vấn đề tác quyền trong nghệ thuật cải lương.

Tác quyền đang trở thành một trong những vấn đề “nhức nhối” của nghệ thuật cải lương hiện nay. Thời xưa, các đoàn hát cải lương thường tập hợp đầy đủ các thành phần trong một đoàn. Người viết các vở tuồng cải lương cũng nằm trong số đó, có thể là bất kỳ ai trong đoàn. “Mỗi đoàn hát gần như họ đều có tác giả riêng, phong cách riêng và nghệ sĩ riêng. Đặc biệt, giữa các đoàn hát không có chuyện lấy tuồng tích của nhau” - Lê Hoàng nhận định.

Sau này, với sự phát triển thì các tác giả chuyên nghiệp xuất hiện, họ không nằm trong đoàn hát. Họ viết tác phẩm, đoàn nào sử dụng thì trả tiền. Khi đó, vấn đề tác quyền trong cải lương mới được đặt ra. “Trước đây không có việc tranh chấp vì các tuồng đều bằng văn bản miệng thì tranh chấp kiểu gì?” - nghệ sĩ Bạch Long nói.

Bên cạnh đó, các đoàn hát ngày xưa đều cố giữ cho mình một phong cách riêng với những tác phẩm tuồng độc bản. Tuy nhiên, một trong những lý do thiết yếu khiến cải lương không phát triển mạnh được là do vấn đề tác quyền quá phức tạp. “Có những người nắm tác quyền quá khó tính, thậm chí là ích kỷ, làm cho việc diễn cải lương đã khó nay càng khó hơn. Thà họ để vứt đi chứ xin hay mua thì lấy giá rất đắt hoặc đòi hỏi điều kiện ngặt nghèo” - đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm.

Lê Hoàng cho rằng, lý do khiến cải lương không phát triển mạnh được là do vấn đề tác quyền quá phức tạp.

Lê Hoàng cho rằng, lý do khiến cải lương không phát triển mạnh được là do vấn đề tác quyền quá phức tạp.

Theo đạo diễn Lê Hoàng, đa số các tác giả cải lương nổi tiếng đều đã mất. Việc con cháu của những soạn giả ấy thừa kế và đối xử với di sản cha ông để lại khiến cho những tác phẩm cải lương gặp “nguy hiểm”. Nghe vậy, nghệ sĩ Bạch Long chung cảm xúc: “Chính xác, tôi mệt mỏi những người thừa kế lắm.

Thay vì tính hào sảng ngày xưa thì ngày nay những người nắm giữ bản quyền lại quá để ý tới vật chất mà quên rằng tác giả luôn thích tác phẩm của mình được nhiều người hát. Thực chất, những kịch bản đó cũng có phải của cha ông mình đâu, đều là vay mượn từ nước ngoài, chuyển thể lại thành của mình, để trong tủ mọt nó ăn mục nát hết rồi vì có ai hát đâu. Vì mấy đứa nhỏ nó muốn hát lại khó khăn. Tôi mới thầm nghĩ làm vậy để chi?”.

Nam nghệ sĩ kể, học trò của anh từng bị đòi tới 15 triệu tiền tác quyền để được diễn một tác phẩm dự thi ở trường với độ dài chỉ 10 phút. Điều này khiến phong trào phục hưng lại văn hóa truyền thống ở giới trẻ trở nên khó khăn hơn. “Những bạn trẻ vực dậy cải lương phải đi vay mượn những cái cũ vì đâu ai viết vở mới nữa. Vậy mà hoạnh họe mấy đứa nhỏ, tiền thì cao, câu văn thì không được sửa đổi cho hợp thời”.

Trong khi nghệ sĩ Bạch Long mệt mỏi vì tiền tác quyền cải lương bị hét giá. Ảnh: NSX

Trong khi nghệ sĩ Bạch Long mệt mỏi vì tiền tác quyền cải lương bị hét giá. Ảnh: NSX