Nghệ sĩ múa người Pháp sáng tác nghệ thuật từ “Ninja Lead”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ nhiều năm nay, Emmanuel Vincent và Trương Minh Thy là những cái tên đã trở nên quen thuộc với công chúng Việt Nam yêu nghệ thuật hiện đại với nhiều triển lãm sắp đặt nghệ thuật diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nghệ sĩ Emmanuel Vincent giới thiệu tác phẩm "Mutante" (Biến thể) lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khi chạy xe máy trên đường, họ mặc kín từ đầu tới chân như những “Ninja”. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ sĩ Emmanuel Vincent giới thiệu tác phẩm "Mutante" (Biến thể) lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khi chạy xe máy trên đường, họ mặc kín từ đầu tới chân như những “Ninja”. (Ảnh: TTXVN)

Những sáng tác của họ gắn với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam, được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao.

Nghệ sĩ múa người Pháp Emmanuel Vincent, biên đạo và nghệ sĩ múa của đoàn nghệ thuật Transitscape ở thủ đô Brussels của Bỉ, là người có nhiều năm gắn bó với văn hóa Việt Nam. Emmanuel bắt đầu biểu diễn các điệu múa truyền thống của Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cô và chồng, họa sĩ người Bỉ gốc Việt, Trương Minh Thy Nguyên, vẫn đi về thường xuyên giữa Brussels và TP Hồ Chí Minh để thực hiện các dự án nghệ thuật với Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Trước khi lấy chồng, cô Emmanuel Vincent mới chỉ biết về Việt Nam qua sách báo hay những lời kể của bạn bè. Khi trở thành con dâu của một gia đình Việt Nam ở Bỉ và lần đầu tiên được về quê chồng ở TP Hồ Chí Minh năm 2011, cô gái Pháp vô cùng thích thú. Lúc đầu, cô hơi có chút bất ngờ với đường phố và giao thông ở đây, khi lúc nào cũng tấp nập và còi xe inh ỏi. Tuy nhiên, cô đã nhanh chóng hòa nhập, nhờ sự nồng hậu và hiếu khách của bà con họ hàng và người dân thành phố. Nữ nghệ sĩ đã “phải lòng” với thành phố này, cảm thấy gắn bó như nơi mình sinh ra và lớn lên.

Quan sát những người phụ nữ khi chạy xe máy trên đường, họ mặc kín từ đầu tới chân như những “Ninja”, cô Emmanuel thấy ngạc nhiên và thú vị. Điều này mang đến cho cô cảm hứng sáng tác tiết mục múa đơn mang tên "Mutante" (tạm dịch là "Biến thể"), ra mắt năm 2017 và đã được lưu diễn trên khắp thế giới. Ban ngày, người phụ nữ mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mặt khiến không ai có thể nhận ra. Khi mặt trời lặn, họ trút bỏ bộ quần áo “Ninja” và biến thành những người hoàn toàn khác khi khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy, đẹp mắt.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, cô Emmanuel vô cùng thích thú khi kể về tác phẩm này. Cô nói: “Từ những con người vô danh trên đường, họ trở lại thành một con người cụ thể. Tôi thấy sự biến đổi này thật tuyệt vời".

Cô Emmanuel Vincent là thành viên nhóm nghệ thuật "Máy xay sinh tố" gồm các nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên và Pierre Larauza. Với sự hỗ trợ của Cơ quan ngoại giao Wallonia-Brussels (WBI), nhóm "Máy xay sinh tố" thực hiện nhiều dự án hợp tác với Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tổ chức các triển lãm ở Thành phố Hồ Chí Minh và L’Espace Hà Nội. Trong những chuyến trở về TP Hồ Chí Minh, cô và chồng thường tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn dành cho sinh viên Đại học Mỹ thuật hoặc hỗ trợ họ trong các chuyến thực tập tại Bỉ. Nhóm "Máy xay sinh tố" mong muốn giới thiệu tới công chúng chương trình nghệ thuật đa văn hóa và chuyên môn hóa giữa các nghệ sĩ Bỉ và Việt Nam. Năm 2019, triển lãm "Cú nhảy bất ngờ" của nhóm gây tiếng vang ở TP Hồ Chí Minh khi tạo sự bất ngờ cho công chúng bởi cách suy nghĩ về sự dịch chuyển đô thị và nền văn hóa pha trộn ở thành phố này.

Có bố mẹ chồng đều là Việt kiều ở Bỉ, nên vào mỗi dịp Tết, cô Emmanuel Vincent lại tham gia dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho nhóm văn hóa, nghệ thuật Trường Sơn của Hội người Việt Nam tại Bỉ. Đối với cô, ẩm thực Việt Nam là tuyệt vời nhất. Emmanuel kể cô yêu thích tất cả các món ăn Việt Nam. Ẩm thực Việt đa dạng, phong phú, tinh tế. Cô cho biết thích phở, nem rán và về Sài Gòn thì đặc biệt thích nem nướng. Cô còn thích cả các món ăn của Huế, mỗi thứ nhỏ nhỏ, ít một nhưng rất ngon.

Hiện tại, cô Emmanuel Vincent vẫn tiếp tục các hoạt động nghệ thuật của mình ở nhóm Transitscape ở Brussels. Cô đang mong chờ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và châu Âu được nối lại để có thể sang Việt Nam thực hiện các dự án nghệ thuật mới.