Nghệ sĩ múa ở Việt Nam bỏ đam mê vì "không có đất diễn"

"Vì nghề không nuôi nổi bản thân họ và những người thân trong gia đình, cuộc sống mưu sinh họ đã hi sinh cả  tuổi thơ gian nan luyện tập để có cái nghề  ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay, nhiều người trong số  họ dù đam mê xong vẫn phải ngậm ngùi bỏ  cuộc, vì họ không có đất diễn và trưng dụng họ", nghệ sĩ Michiyo Phạm Ngà đã lý giải phần nào câu hỏi vì sao nghệ sĩ múa Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài lại ít trở về hoặc có về thì cũng giã từ ánh đèn sân khấu?

[links()] Là một trong số ít nghệ sĩ múa đương đại đã được đào tạo và đánh giá cao ở nước ngoài, nghệ sĩ Michiyo Phạm Ngà đã lý giải phần nào câu hỏi vì sao nghệ sĩ múa Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài lại ít trở về hoặc có về thì cũng giã từ ánh đèn sân khấu?

Nghệ sĩ Michiyo Phạm Ngà trong một tiết mục múa đương đại.
Nghệ sĩ Michiyo Phạm Ngà trong một tiết mục múa đương đại.

Với khán giả Việt Nam, múa đương đại là loại hình nghệ thuật mới, chưa phổ biến và chưa dễ để chấp nhận. Có vẻ như, khán giả đến xem phần nhiều vì tò mò, nhưng cũng có người (dù ít ỏi) quan tâm tới môn nghệ thuật còn lạ lẫm với nhiều người Việt Nam?

- Những tác phẩm đương đại đoạt giải của tôi mang tầm quốc tế, thì khán giả đến xem là để thưởng thức và ghi nhận, chứ không phải là sự tò mò hay lạ lẫm.

Phải nói là từ  bé xíu, tôi đã biết nghề múa là phải chấp nhận ít người hiểu mình, và gần như làm đẹp cho đời mà không cần đời đáp lại. Làm sao trách được khán giả được, có phải ai cũng hiểu thế nào là múa và múa thế  nào là đẹp? Có người nông cạn chỉ cần nhìn bề ngoài của cô diễn viên múa thì khen họ đẹp, nhưng người hiểu về múa họ lại không cảm bề ngoài, mà họ đắm đuối nhìn cái hồn, sự biểu cảm từ nội tâm bên trong của một diễn viên múa toát lên.

Tôi quyết tâm theo nghệ thuật múa đương đại vì nó không bao giờ nhàm chán, nó luôn mới, nó nhiều ý tưởng, nhiều góc cạnh để khai thác, đôi khi khai thác cả  đời không hết môn nghệ thuật này. Không phủ  nhận rằng nếu có khán giả thì đó là  sự động viên lớn nhất cho chúng tôi.

Sau khi học hỏi được rất nhiều từ nước ngoài, trở về Việt Nam, chị thấy múa đương đại ở Việt Nam đang ở đâu?

- Tôi thấy diễn viên múa chuyên nghiệp Việt Nam kĩ năng khá tốt, có tư duy tốt thì lại không có đất để sống và không có cơ hội phát triển cái kĩ năng và tư duy ấy. Còn một số nghệ sĩ nghiệp dư có mọi thứ để làm nên một chương trình lớn nhưng kĩ thuật không có một chút nào và tư duy còn lạc hậu.

Ở nước ngoài, diễn viên phải chuyên nghiệp, tập tành phải kĩ thuật khó, đắt, và có những sân chơi, những đơn vị tổ chức quảng cáo PR riêng cho múa hàng tháng. Sự kết hợp gần như hoàn hảo. Nhìn chung, múa đương đại ở Việt Nam mới chỉ đang ở mức nghe ngóng và nhìn nhận sơ sài. Nó mới chỉ bắt đầu được 5-7 năm trở về đây.

Những người theo môn nghệ thuật này cũng tương đối ít và cũng ít người biết đến nó. Đấy cũng là một trong những khó khăn chung của những nghệ sỹ múa đương đại. Ít khán giả, chưa được công nhận... Thêm vào đó, vấn đề kinh phí cho những buổi biểu diễn, những dự án cũng hiếm hoi!

Chị nghĩ sao khi nhiều nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo bài bản tại nước ngoài về múa đương đại ít khi trở về cống hiến hoặc có trở về lại rất ít khi làm nghề?

Vì nghề không nuôi nổi bản thân họ và những người thân trong gia đình, cuộc sống mưu sinh họ đã hi sinh cả  tuổi thơ gian nan luyện tập để có cái nghề  ngày hôm nay, nhưng ngày hôm nay nhiều người trong số  họ dù đam mê xong vẫn phải ngậm ngùi bỏ  cuộc, vì họ không có đất diễn và trưng dụng họ.

Sàn tập của họ đâu? Nhà hát cho họ đâu? Người lập chương trình quanh năm cho họ đâu? Những nhà đồng sản xuất, tự bỏ tiền ra, cho họ đầu tư xây dựng vở đâu? Mà nếu có nơi tập luyện, họ phải trả giá cao thế nào? Nghệ sĩ đương đại cứ như là đánh nhau với cối xay gió vậy. Những tòa nhà mọc lên, nhưng chẳng có chỗ nào cho họ - những niềm vui và hạnh phúc của họ.

Michiyo Phạm Ngà muốn trở về quê hương để cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà
Michiyo Phạm Ngà muốn trở về quê hương để cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà

Vậy Michiyo Phạm Ngà có ý định trở về nước sống bằng nghề này chứ?

- Làm nghề  thì chắc chắn phải lưu diễn thường xuyên rồi, nhưng Việt Nam là nơi tôi được sinh ra, là quê hương nên tôi sẽ ở lại đây. Tôi nhớ mẹ (nghệ  sĩ chèo Lê Dung) và gia đình, lúc nào cũng thực sự muốn trở về quê hương để cống hiến sức lao động của mình cho đất nước.

May mắn hơn các nghệ sĩ khác là tôi không phải lo nghĩ nhiều đến tiền bạc, về Việt Nam lại được tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình mình.

Hà Nội - thành phố buồn và lãng mạn, những mặt hồ cây rủ lá tạo cho tôi nhiều cảm xúc lắm! Có thể tôi sẽ qua lại TP.Hồ Chí Minh thường xuyên để tiện cho việc biểu diễn gần hơn với cộng đồng khán giả Việt Nam.

Khi trở về, dù được ưu ái hay không với tôi không quan trọng. Một người nghệ sĩ chỉ sống với gì đúng nghĩa là mình, không thích bon chen, chỉ làm những gì mình cần làm và đam mê  thôi, giống như một cuộc chơi mang lại nhiều niềm vui và thú vị cho khán giả của mình.

Khi nguồn cảm hứng bắt đầu thì tôi sẽ múa và sáng tác, những cái “điên” trong tôi sẽ xuất thần, và bất cứ nơi đâu cũng có thể là sân khấu của tôi.

Xin cảm ơn Michiyo Phạm Ngà về cuộc trò chuyện này!

Michiyo Phạm Ngà là một trong những nghệ sĩ múa đương đại đầu tiên của Việt Nam thành công và được đánh giá cao tại nước ngoài với nhiều giải thưởng như: Giải xuất sắc đương đại châu Á - Thái Bình Dương năm 2003, giải triển vọng đương đại tại Pháp 2004, giải tài năng trẻ Hội diễn châu Á ở Singapore 2006, giải nhì biên đạo múa xuất sắc Cinevox epic freestyle 2007, giải biên đạo múa đương đại tài năng Cloud gate dance theatre tại Trung Quốc năm 2009...

Thu Hồng (thực hiện)