Những ngày cuối năm Canh Tý, dù rất bận rộn với công việc của Nhà hát Tuổi Trẻ và việc tập luyện cho Táo Quân 2021, NSƯT Chí Trung vẫn dành thời gian chia sẻ với PLVN về một năm đáng nhớ cũng như kế hoạch đón năm mới Tân Sửu.
Trước giờ diễn vẫn “tim đập, chân run”
Sau một năm vắng bóng, lý do gì đã đưa chương trình Táo Quân trở lại với khán giả, thưa anh?
- Tôi nói đơn giản thế này cho các bạn dễ hình dung: Đến bữa ăn sáng mà phù hợp với mong muốn của mình, mình vẫn sẽ trở lại hàng đó để ăn sáng. Táo Quân cũng vậy thôi. Sự trở lại này theo tôi là phù hợp với sự mong đợi của khán giả cũng như các tiêu chí chung.
Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi làm chương trình Gặp nhau cuối năm với câu chuyện Làng Vũ đại nhưng chưa cảm thấy thành công lắm. Vì thế, lần này chúng tôi cũng mong muốn quay trở lại với phiên bản Táo Quân để mang đến cho khán giả sự thích thú, tinh thần lạc quan khi tổng kết lại những điều “hot” trong năm qua và hướng đến tương lai thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Đặc biệt, 2020 được xem là một năm “khốn khổ” của tất cả chúng ta, nên mọi người đều rất muốn những câu chuyện này sẽ được đưa vào Táo Quân năm nay.
Anh từng chia sẻ Táo Quân 2018 sẽ là lần cuối cùng anh tham gia chương trình này. Năm nay khán giả lại thấy NSƯT Chí Trung trở lại?
- Thực ra từ năm 2016, 2017 tôi đã đề nghị với đạo diễn Đỗ Thanh Hải hãy tạm dừng đi, vì tôi nhận thấy cần thêm thời gian để có những ý tưởng mới. Hay đến ngay cả nghệ sĩ chúng tôi cũng vậy, tôi không thấy được sự nhiệt huyết nhất định để làm. Nhất là có một bộ phận khán giả dù là không nhiều, họ luôn chê bai, nói những câu phũ phàng: “Cả đời tôi không bao giờ xem chương trình này”, “Tôi chưa bao giờ bật Táo Quân lên xem”…
Tôi biết, mỗi người có một sở thích khác nhau và bạn không thể ép người khác thích một điều gì đó. Thế nhưng, không thích không có nghĩa là có thể phũ phàng với những cố gắng, nỗ lực của nhiều người đem lại. Nếu chương trình chưa hay, nhân vật chưa tốt, thoại còn dở… bạn có thể góp ý chứ không nên quay lưng lại và nói những câu khó nghe với “món ăn” chung của tất cả mọi người. Nói nghệ sĩ không quan tâm nhưng thực ra chúng tôi vẫn buồn.
Nhưng năm nay, Táo Quân trở lại và tôi trở lại cũng là việc đương nhiên vì năm nay tôi cảm thấy hưng phấn. Tất cả anh em trong ê-kíp từ biên kịch, đạo diễn cho đến các nghệ sĩ đều rất hào hứng trong 1 tháng tập luyện dù cho nhiều hôm chúng tôi phải trở về nhà lúc 2-3 giờ sáng, người ê ẩm nhưng vẫn thích vì sẽ tiếp tục mang lại niềm vui cho mọi người vào đêm 30 Tết.
Cảm xúc của anh như nào khi trở lại diễn Táo Quân sau một năm vắng bóng? Có còn hồi hộp như những mùa Táo Quân trước?
- Các bạn cứ tưởng tượng xem, nếu bạn là vợ chồng hoặc có người yêu đi, tối hôm nay đi chơi với nhau rồi đến hôm sau mới được gặp lại nhau mà còn hồi hộp, huống chi là một năm vắng bóng. Cảm xúc của tôi vẫn hồi hộp vẹn nguyên như ngày đầu. Trước giờ diễn tôi vẫn run lắm, tim đập bắn lên, mặt thì đỏ bừng và gần như câu đầu tiên ra diễn là quên hết cả. Nhưng khi bắt đầu gặp các bạn diễn của mình thì tôi dần lấy lại “khí phách”.
Chí Trung đảm nhận vai Táo Giáo dục (ngoài cùng bên trái) trong chương trình Táo Quân 2021. |
Nói thật, làm nghệ sĩ mà “bật chức năng” lên sân khấu “trơ ra như thớt”, không còn sự hồi hộp nữa thì khó mà có thể trở thành nghệ sĩ lâu dài. Cái cảm xúc khi được bước ra sân khấu - thánh đường thiêng liêng ấy rất thích và thực sự là khó tả.
Với tôi, còn hồi hộp thì còn là nghệ sĩ. Còn những thợ diễn đi ra đi vào không ai để ý mà bản thân họ cũng không quan tâm gì thì không còn là nghệ sĩ đâu.
Anh có thể chia sẻ trước với khán giả về vai diễn Táo Giáo dục do anh đảm nhận năm nay?
- Vai Táo Giáo dục năm nay thì điểm nhấn rất nhẹ, không nhiều bằng Táo Xã hội (Tự Long) hay là Táo Kinh tế (Quang Thắng). Gần như năm nay, Táo Giáo dục và Táo Y tế (Vân Dung) đều có những khó khăn, có những nỗ lực và đã có những thành công nhất định. Những cái đó chúng tôi sẽ đưa vào dựa trên góc nhìn, chứ việc ai cũng biết thì nhắc nhiều sẽ trở thành vô duyên nên tôi sẽ không chia sẻ nhiều hơn và xin mời các bạn có thể xem vào đêm 30 Tết.
Mỗi ngày sống là một ngày “lãi”
Tết Tân Sửu đang đến rất gần, năm nay anh sẽ đón Tết như thế nào?
- Năm nay là năm tuổi của tôi, cũng là một vòng lục thập hoa giáp 60 năm. Tôi vẫn đón Tết như mọi năm thôi. Chỉ có điều là 2, 3 năm nay tôi đón Tết một mình vì vợ chồng tôi đã ly hôn và các con đều đã có gia đình riêng.
Thường chiều 30 Tết, tôi lên thắp hương cho ông bà, dọn dẹp nhà cửa. Đêm 30, tôi làm lễ cúng giao thừa mong chờ may mắn và hạnh phúc đến cho những người thân, dân tộc của mình. Sáng mùng 1, tôi thường ra chùa lễ và cầu mong những gì tốt đẹp trong năm mới. Còn ăn uống với tôi thì đơn giản lắm, 1-2 cái bánh chưng là xong.
Nhiều người thường lo lắng khi nhắc đến năm tuổi của bản thân, cá nhân anh thì như nào?
- Tôi đã sống 60 năm có ích hay không có ích thì phải theo góc nhìn của người đối diện. Với cá nhân, tôi thấy mình đã sống và có nhiều năm được hạnh phúc, đã thành công và nhiều thành công nhờ may mắn, nỗ lực và số mệnh.
Cuối đời tôi cũng có những đau khổ khi gia đình không được vẹn toàn, chúng tôi không nắm tay nhau đi được suốt cuộc đời cho dù ở bên nhau 38 năm (6 năm yêu, 32 năm chung sống) nhưng có lẽ như mọi người nói, mọi chuyện trên đời còn là do duyên số. Ở hiện tại, tôi đã có bạn gái mới, có cuộc sống mới và tôi cũng đã quen với cuộc sống một mình.
Cuộc sống của tôi bây giờ mỗi ngày sống là một ngày “lãi” và chỉ biết sống sao giữ được sức khỏe tốt khi tôi vẫn đang phụ trách Nhà hát trong gần 2 năm nữa mới được nghỉ hưu theo chế độ mới. Nhất là tôi có bạn gái mới là Á hậu rất xinh đẹp và rất yêu tôi. Đó là lý do có nhiều thứ ngày xưa tôi ham vui, ham thích như uống bia, uống rượu, thức khuya thì nay tôi hạn chế lại. Thay vào đó, tôi chăm tập thể thao, ăn uống điều độ để sống được lâu hơn.
Theo anh, người sinh năm Sửu có những tính cách nổi trội nào? Những tính cách này có tương ứng với cá nhân anh?
- Theo tôi, thường những người sinh năm Sửu đều có tính cách chung là thông minh nhưng lì lợm. Những người này thường rất nổi trội, có xu hướng chỉ huy và thường hay độc lập, ít chịu sự chi phối của ai, kể cả lãnh đạo. Điều này, đôi khi có cái lợi mà cũng có sự thiệt thòi nếu người kia không thực sự hiểu. Bởi người hiểu chúng tôi, hiểu được tuổi Sửu thì thấy họ rất tốt nhưng nếu không thích, không hiểu thì sẽ thấy ngạo mạn, lạnh lùng.
Cá nhân tôi thì có thể nói thuộc tuýp người đặc trưng của tuổi Sửu và cảm thấy bằng lòng với những gì mình có, bằng lòng với cả những gì mình mất, bởi vì không ai có thể vượt qua được số phận.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Đợi chờ năm Tân Sửu với nhiều mới mẻ
2020 được xem là một năm đáng nhớ với tất cả mọi người. Cảm giác của anh như thế nào khi khép lại một năm nhiều “sóng gió”?
- Có thể nói 2020 là một năm nhiều khó khăn và biến động với tất cả chúng ta. Thực sự với thế giới thì tôi chưa dám chắc lắm vì dịch Covid-19 vẫn còn đang lan rộng và chưa được dập tắt hoàn toàn, nhưng với Việt Nam, chúng ta đã có những thành công rất đáng khen ngợi khi nhanh chóng khống chế và phong tỏa được những nguồn lây bệnh khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, chắc hẳn không riêng với cá nhân tôi mà hầu như tất cả mọi người đều đang rất đợi chờ một năm Tân Sửu với nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt là mưa thuận, gió hòa để bà con miền Trung, miền Tây Nam Bộ không khổ và miền Bắc thì không rét dữ dội.
Dự định của anh và Nhà hát Tuổi Trẻ trong năm mới là gì?
- Trong năm mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra đời những vở diễn, những chương trình ca múa nhạc dành cho thanh, thiếu niên, thiếu nhi phù hợp, những vở diễn lớn mang tầm thời đại để nhiều người biết đến Nhà hát Tuổi Trẻ và thấy rằng chúng tôi xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo của Bộ Văn hóa và sự mong đợi của tất cả khán giả.
2021 cũng là năm Nhà hát Tuổi Trẻ tròn 43 năm hoạt động với bề dày thành tích được xây dựng bởi hàng trăm con người qua nhiều thế hệ. Là người tiếp nối bề dày này, tôi sẽ phải tìm một người phù hợp, có phẩm chất tốt để truyền lại những kinh nghiệm lãnh đạo, đường hướng, tiêu chí hoạt động của Nhà hát vào năm 2022.