Người làm phim cần vững kiến thức pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bộ phim hiện nay được thực hiện với sáng tạo bay bổng, đầu tư công phu nhưng đáng tiếc không được phát hành do vướng “lỗ hổng” pháp luật.
Phim “Vị” bị cấm phổ biến vì vi phạm Luật Điện ảnh. (Nguồn: Internet)
Phim “Vị” bị cấm phổ biến vì vi phạm Luật Điện ảnh. (Nguồn: Internet)

Nhiều phim không được phát hành

Mới đây, tại buổi Tọa đàm “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội” trong khuôn khổ Liên hoan phim ngắn TP HCM lần I, nhiều đại biểu đã đặt ra một vấn đề được dư luận quan tâm: ý thức pháp luật của người làm phim ngắn. Theo các chuyên gia, nhiều người trẻ hiện trong quá trình làm phim ngắn đã không trang bị cho mình kiến thức pháp luật đúng đắn và ý thức pháp luật chuẩn mực. Vì thế có nhiều tác phẩm phim ngắn được thực hiện với sáng tạo bay bổng nhưng có phần đi ngược chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu đi tính nhân văn.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam đã chia sẻ, thời điểm bà còn công tác ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội thấy tình trạng các bạn trẻ có ý thức pháp luật chưa cao, chưa tìm hiểu thấu đáo khi làm phim. Những môn liên quan đến pháp luật rất ít người đi học, trong khi sinh viên cần quan tâm khía cạnh này vì có ảnh hưởng đến nội dung kịch bản, đến việc phát hành phim. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp rất đáng tiếc khi phim làm rất kỳ công nhưng không được duyệt, hoặc phim bị vướng bản quyền về nhạc nên không thể phát sóng trên nhà đài.

Thực tế, không chỉ phim ngắn và những người làm phim trẻ mới thiếu kiến thức hay chưa đủ ý thức pháp luật khi làm phim. Điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến không ít trường hợp các bộ phim đình đám nhưng bị vướng do “lỗ hổng” luật pháp của nhà làm phim. Đơn cử là trường hợp phim “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Bộ phim có kinh phí lớn, cảnh quay võ thuật rất công phu, truyền thông mạnh mẽ, nhưng lại không qua được khâu kiểm duyệt, không được phép phát hành vì có quá nhiều yếu tố bạo lực, vi phạm điều cấm tuyên truyền, kích động bạo lực của Luật Điện ảnh.

Tương tự, còn có các phim “Bẫy cấp 3”, “Rừng xác sống”, phim ngắn “Khi tôi hai mươi”... bị cấm chiếu vì có nhiều phân cảnh khỏa thân, bạo lực, những hành vi đi ngược thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và vi phạm quy định pháp luật.

Gần đây là phim “Vị” và “Vợ ba”. Hai bộ phim này đều đạt được những giải thưởng tại các liên hoan phim nước ngoài nhưng bị cấm chiếu tại Việt Nam với nhiều lý do, trong đó có điểm chung là vi phạm quy định pháp luật. Phim “Vị” có cảnh khoe thân kéo dài đến 30 phút trong phim, có nhiều yếu tố chưa hợp với thuần phong mỹ tục, còn “Vợ ba” đã sử dụng một diễn viên 13 tuổi để đóng các cảnh “nóng” trong phim, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

“Lỗ hổng” pháp luật trong phim

Ngoài các vấn đề nghiêm trọng dẫn đến phim bị cấm chiếu hoặc phải thay đổi nội dung, không ít bộ phim mới sản xuất đã gặp khó vì nhà sản xuất “quên” mất một số yếu tố chuẩn mực về pháp lý, như đạo nhái ý tưởng, hoặc không xin phép tác giả cho âm nhạc, hình ảnh trong phim...

Một khía cạnh nhỏ khác cũng thường xảy ra trong phim, đặc biệt phim truyền hình, là “lỗ hổng” về kiến thức pháp luật trong nội dung phim. Trong nhiều bộ phim liên quan đến các nghề nghiệp đặc thù như luật sư, nhà báo hay các phim liên quan đến tội phạm, điều tra, phá án... lại xuất hiện nhiều tình tiết trái với nguyên tắc nghề nghiệp, không phù hợp với pháp luật.

Có thể kể đến một vài chi tiết trong phim như luật sư trong hành trình biện hộ cho thân chủ, vì cảm xúc cá nhân đã quay ngược bắt tay với đối thủ của thân chủ khiến thân chủ thua kiện, sau đó được tung hô như “người hùng chính nghĩa”. Có những bộ phim xây dựng hình tượng người công an như một “siêu anh hùng”, trong quá trình giúp đời, giúp người, thậm chí không màng giới hạn chức trách, hoặc những nhà báo làm phóng sự điều tra bất chấp các nguyên tắc nghề nghiệp mà Luật Báo chí quy định...

Việc người làm phim thiếu ý thức pháp luật, “hổng” kiến thức luật pháp sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như phim không thể phát hành, hoặc khi phát hành đã đem lại một số tác động tiêu cực cho xã hội. Đặc biệt, việc sai lệch kiến thức pháp luật trên phim cũng góp phần tuyên truyền nhận thức lệch lạc về quy định pháp luật trong một bộ phận không nhỏ khán giả.

Chính vì vậy, việc người làm phim phải nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật cần được coi là vấn đề tối cần thiết trong quá trình sản xuất tác phẩm.

Đọc thêm