Chương trình được truyền hình trực tiếp ở hai đầu cầu là Hà Nội và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị).
Đến dự chương trình có đại diện nhiều Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương của hai nước Việt - Lào, và đặc biệt là rất đông nhân chứng lịch sử là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã làm nên Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào ngày ấy.
|
Một tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình |
Cách đây 45 năm đã diễn ra cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội chế độ Sài Gòn cũ dưới sự yểm trợ hoả lực tối đa của quân Mỹ, nhằm cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam từ hậu phương lớn miền Bắc. Và đối lại, quân dân ta đã mở chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào toàn thắng tạo ra bước ngoặt quan trọng trên cục diện chiến trường. Đó là một mốc son ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một kiệt tác của nghệ thuật quân sự Việt Nam, là tiền đề để quân dân ta thừa thắng xốc tới làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
|
Lãnh đạo hai tỉnh Việt - Lào tặng hoa cho các Cựu chiến binh và Cựu Thanh niên xung phong tham gia chiến dịch |
Chiến thắng của hơn 40 ngày đêm chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cũng là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu Việt Lào, trong đó có niềm tự hào của quân và dân tỉnh Quảng Trị.
Tại chương trình khán giả đã được xem các thước phim lịch sử, phóng sự tư liệu chân thật về cuộc chiến ác liệt trên Đường 9 –Nam Lào. Đặc biệt, được gặp gỡ, giao lưu với các chiến sỹ quả cảm đã từng sống, chiến đấu trong thời kỳ oanh liệt ấy; được nghe các nhân chứng lịch sử sẻ chia những mẫu chuyện xúc động; và rồi lại bùi ngùi trước sự hội ngộ của đồng đội cũ sau mấy mưới năm xa cách.
Đó là những nữ công binh trên đèo Phu La Nhích – trung đội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho tên gọi “Trung đội nữ công binh thép”; vị tướng của bộ đội 559; hay nữ y tá người dân tộc Pa Kô với cây kim châm cứu đã cứu sống rất nhiều các chiến sỹ bị thương tích nặng; và đội ngũ dân quân tham gia tiếp lương, tải đạn, mở đường trong chiến dịch...
Khán giả cũng được thưởng thức nhiều ca khúc đi cùng năm tháng nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, về tình hữu nghị sắt son Việt – Lào như: Bài ca Đường 9 chiến thắng, Tiếng đàn Ta lư, Người con gái PaKo, Cô gái Sầm Nưa...
|
Bà Lê Thị Thủy, một chiến sỹ trong "Trung đội nữ công binh thép" xúc động thăm lại chiến trường xưa |
Bà Hồ Thị Chòng (SN 1948, trú tại Khóm 6, Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) xúc động chia sẻ: “Hôm nay, có mặt tại chương trình được ôn lại những kỷ niệm thời son trẻ, rồi lại được gặp đồng đội cũ tôi rất vui. Gần nửa thế kỷ không được gặp nhau, bây giờ lại có dịp hội ngộ trong một chương trình đặc biệt như vậy ai nấy đều nghẹn ngào, cứ như đang được sống lại những năm tháng hào hùng đó”.