Nghẹt thở giải cứu con trong máy bay đầy khách

(PLO) - Đêm trước Giáng sinh, một máy bay của Pháp bị không tặc tấn công. Sau khi giết chết 2 hành khách, những kẻ khủng bố yêu cầu đưa máy bay từ Algeria tới Pháp với âm mưu cho máy bay nổ tung trên bầu trời Paris. 
Chiếc máy bay bị cướp

Rất may là chiến dịch đột kích sau đó đã thành công, toàn bộ các con tin được giải thoát an toàn.

Vụ bắt cóc đầy kịch tính nói trên bắt đầu vào trưa 24/12/1994, khi chiếc máy bay mang số hiệu 8969 của Air France chuẩn bị rời Sân bay Houari Boumedienne ở thủ đô Algiers của Algeria để tới Paris, Pháp. Theo lộ trình, máy bay cất cánh lúc 11h15. Vào khoảng 11h, hầu hết toàn bộ 227 hành khách có mặt trên chuyến bay đều đã yên vị. 

Vụ không tặc trước đêm Giáng sinh

Chuyến bay diễn ra ngay trước đêm Giáng sinh, đồng nghĩa với việc nhiều hành khách trên máy bay sắp được hưởng một kỳ nghỉ dài bên người thân nên trên khuôn mặt ai cũng lộ rõ vẻ phấn chấn. Cũng chính vì vậy nên chẳng ai chú ý tới sự xuất hiện của 4 người đàn ông trong trang phục của nhân viên sân bay dù họ mang theo rất nhiều vũ khí.

Giải thích rằng mình là nhân viên an ninh, những người đàn ông yêu cầu các hành khách xuất trình hộ chiếu để kiểm tra. Tuy nhiên, khi hành khách đưa hộ chiếu ra, những người đàn ông đột ngột đóng cửa máy bay và khóa lại.

“Khi nghe thấy họ hét lên Thánh Allah vĩ đại thì tôi đã biết được rằng đây là một vụ bắt cóc con tin” – một thợ máy người Pháp gốc Algeria có mặt trên chuyến bay kể lại. 

Theo lời nhân chứng nói trên, ngay sau đó, 3 trong số những người đàn ông bước vào buồng lái còn tên thứ 4 dùng khẩu súng mà hắn đang mang theo trên mình để khống chế hành khách. Ít phút sau đó, những tên không tặc đã yêu cầu một hành khách – về sau được xác định là một cảnh sát Algeria – bước ra phía trước máy bay.

“Những kẻ khủng bố đã bắn anh ấy vào đầu rồi ném thi thể ra ngoài dù anh ấy đã khẩn thiết xin tha mạng vì anh còn vợ và con nhỏ ở nhà” – một nhân chứng khác cho biết. Nạn nhân thứ 2 của những kẻ tấn công là anh Bùi Giang Tô, khi đó 48 tuổi, là Tùy viên thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Algiers.

“Chúng yêu cầu người đàn ông người Việt ngồi ở đuôi máy bay tiến lên phía trước. Tội nghiệp anh ấy. Chúng tôi thấy anh ấy trở lại để lấy áo khoác rồi nghe thấy tiếng súng” – một nhân chứng khác kể.

Theo thông tin do một số hành khách trên chuyến bay cung cấp, những tên không tặc khoảng mới chỉ ngoài 20 tuổi, râu tóc được cắt tỉa gọn gàng. “Chúng cư xử cũng khá lịch sự nhưng vẫn toát lên vẻ đáng sợ của những kẻ giết người máu lạnh. Chúng nói với chúng tôi rằng chúng sẽ cho nước Pháp và cả thế giới một bài học” – một nữ hành khách thuật lại.

Những tên không tặc khiến tất cả hành khách ở đó hoảng sợ khi liên tục khua súng trường Kalashnikov, súng Uzi, lựu đạn tự chế và thuốc nổ ra đe dọa. Sau đó, chúng đặt 1 khối thuốc nổ trong buồng lái và một kíp nổ khác ở giữa máy bay rồi với dây nổ. Để tránh khả năng bị bắn tỉa từ bên ngoài, những kẻ tấn công cũng yêu cầu các thành viên trong phi hành đoàn đổi đồng phục của họ cho chúng.

Cảnh sát Algeria đã nhận được tin báo về vụ việc khi giới chức sân bay phát hiện máy bay 8969 vẫn chưa di chuyển dù đã quá giờ cất cánh. Ngay sau đó, lực lượng đặc nhiệm Algeria cũng đã được cử đến bao vây chiếc máy bay.

Ở thời điểm xảy ra vụ không tặc, Algeria đang trong những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc nội chiến. Những chiếc máy bay bay tới Algiers đều phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa. Do vậy nên Air France đã đề nghị giới chức Pháp xem xét về sự cần thiết của việc tiếp tục thực hiện đường bay tới Algeria.

Nhưng ở thời điểm xảy ra vụ việc, hãng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong lúc chờ đợi chỉ đạo, Air France tiếp tục khai thác đường bay tới Algeria nhưng các thành viên trong phi hành đoàn đều được lựa chọn trên cơ sở tự nguyện.

Cuộc giằng co gay cấn

Khoảng 12h ngày 24/12/1994, Bộ trưởng Nội vụ Algeria Abderahmane Meziane-Cherif  đã có mặt tại trạm kiểm soát không lưu ở sân bay và bắt đầu đàm phán với những tên không tặc qua radio. Thông qua cơ trưởng Bernard Delhemme, những kẻ khủng bố yêu cầu thả 2 lãnh đạo đang chịu án quản thúc của Mặt trận cứu rỗi Hồi giáo (F.I.S.) là Abassi Madani và Ali Belhadj. F.I.S. là một đảng chính trị đã bị chính phủ Algeria cấm hoạt động từ năm 1992.

Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết trước khi chấp thuận đàm phán của ông Cherif là thả tất cả phụ nữ, người già và trẻ em trên máy bay. Sau 4 tiếng thương thảo, những kẻ tấn công đồng ý. 63 hành khách được thả ra. 

Trong lúc các cuộc thương thuyết tiếp diễn, cảnh sát Algeria với sự giúp sức của các thiết bị nhìn xuyên bóng đêm đã nhận dạng được kẻ cầm đầu nhóm không tặc là tên Abdul Abdullah Yahia, 25 tuổi.

Tên này được xác định là một người bán rau ở khu phố Bab El Oued của Algiers. Tuy nhiên, hắn cũng từng có tiền án về tội trộm cắp và là thành viên của một băng nhóm đã tiến hành một số vụ tấn công bạo lực. Khi đã biết được đối tượng phải đối phó, cảnh sát Algeria đã tìm cách sử dụng gia đình để gây áp lực với hắn, với việc nhờ mẹ hắn đến sân bay khuyên nhủ nhưng không đưa đến kết quả như mong đợi.

Cùng lúc, tại Pháp, những quan chức hàng đầu của nước này, bao gồm Ngoại trưởng Alain Juppe và Bộ trưởng Nội vụ Charles Pasqua, đã phải hủy bỏ kỳ nghỉ Giáng sinh để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Mục tiêu hàng đầu của Pháp là thuyết phục được giới chức Algeria cho phép Nhóm hiến binh can thiệp quốc gia (G.I.G.N.) tới hỗ trợ kỹ thuật cho việc tiến hành đột kích máy bay. Khoảng 20h00 ngày 24/12, khoảng 9 tiếng đồng hồ sau khi chiếc Airbus bị khống chế, 40 binh sỹ G.I.G.N. đã rời một căn cứ quân sự gần Paris để tới Tây Ban Nha do Algeria vẫn chưa cho phép họ vào nước này.

Đặc vụ Pháp tiến hành đột kích máy bay.

Cuộc giải cứu thành công

Thời gian chậm chạp trôi qua trong nỗi sợ hãi của những con tin trên chuyến bay 8969 và nỗi lo sợ của các bên liên quan. Đến sáng 25/12, Thủ tướng Pháp khi đó là ông Edouard Balladur tiếp quản trách nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng.

Đến lúc đó, những tên không tặc đã thay đổi ý định, từ bỏ yêu cầu thả các lãnh đạo F.I.S. mà đòi bay tới Paris. Điều này đã dấy lên tranh cãi giữa Algeria và Pháp khi Algeria muốn máy bay ở lại Algiers còn người Pháp muốn đưa máy bay tới lãnh thổ của họ để họ có thể trực tiếp đối phó với tình hình. Căng thẳng đã được đẩy lên cao vào tối 25/12, khi những kẻ khủng bố ra tối hậu thư: nếu máy bay không được phép cất cánh trước 21h30, mỗi nửa giờ chúng sẽ giết một con tin. 

Sau các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Pháp Balladur và giới lãnh đạo Algeria, máy bay sau đó đã được phép cất cánh và đến Marseilles, Pháp vào 3h33 ngày 26/12 để tiếp nhiên liệu. Chỉ ít phút trước, các binh lính G.I.G.N. cũng đã đến đây. Và, trong khi cảnh sát trưởng Marseilles Alain Gehin đàm phán với kẻ tấn công thì các binh sỹ này tiếp tục tận dụng từng phút để tập dượt chiến dịch giải cứu con tin trên chiếc Airbus. 

6h ngày 26/12, những tên không tặc yêu cầu được cấp 27 tấn nhiên liệu và được phép bay tới Paris dù chặng đường tới đó thường chỉ cần 10 tấn. Ít giờ sau đó, Đại sứ quán Pháp ở Algeria nhận được tin báo nặc danh về việc một vụ nổ máy bay trên bầu trời Pháp sắp sửa xảy ra, khiến dư luận vô cùng hoang mang. 

Để kéo dài thêm thời gian cũng như sự chuẩn bị, nhóm đàm phán đã đề nghị cấp thực phẩm và nước uống cùng một số đồ dùng cho máy bay và được chấp thuận. Trong quá trình tiếp cận máy bay, những thành viên của G.I.G.N. trong trang phục nhân viên sân bay đã thăm dò các cửa máy bay không bị khóa, đồng thời gắn các thiết bị theo dõi vào bên trong.

16h45, máy bay di chuyển chầm chậm dọc đường băng nhưng lại dừng lại ngay sau đó. Tên Yahia khi đó ra tối hậu thư cuối cùng: nếu máy bay không cất cánh trước 17h00, hắn sẽ hành động. 17h08, một trong những kẻ khủng bố bắn vào trạm kiểm soát không lưu, khiến cửa sổ ở đó vỡ tung. Lính Pháp ngay lập tức nhận được tín hiệu hành động.

17h17 phút, các binh sỹ G.I.G.N. theo 3 hướng cửa trước và 2 cửa sau đồng loạt xông lên máy bay, nã đạn về phía những tên không tặc. Cùng lúc, họ cũng nhanh chóng triển khai máng thoát để các hành khách thoát ra ngoài theo cửa thoát hiểm. 

Sau 1 hồi tranh đấu, đến 17h35, cuộc đột kích chiếc máy bay kết thúc với việc toàn bộ những tên không tặc đều đã bị tiêu diệt. Thế nhưng, kỳ tích đã xảy ra khi tất cả những hành khách, phi hành đoàn trên máy bay và những binh sỹ tham gia chiến dịch giải cứu đều sống sót, dù 1 số người bị thương, đưa đây trở thành một trong những chiến dịch chống khủng bố thành công nhất trong lịch sử ngành hàng không…

Đọc thêm