Đặt thẻ ngành hết hạn để vay tiền
Theo cáo trạng, khoảng 9h ngày 21/10/2014, ông Nguyễn Văn Hợp (SN 1962, ở Hai Bà Trưng) đến quán cà phê để gặp anh Phùng Minh Đạt theo lịch hẹn. Đến nơi, ông Hợp thấy xuất hiện thêm anh Nguyễn Xuân Hảo (SN 1979, ở Cầu Giấy) và anh Đỗ Thành Trung (SN 1987, ở Đống Đa) thì biết anh Đạt hẹn gặp mình để nói chuyện nợ nần, vay tiền.
Trước đấy, anh Hảo đã cho ông Hợp vay 70 triệu đồng (không lãi suất) dưới sự bảo lãnh của Hồ Thanh Sơn nhưng quá hẹn ông Hợp không trả cũng không nghe điện thoại nên anh Hảo đã nhờ anh Đạt hẹn ông Hợp giúp mình.
Tại đây, khi nghe ông Hợp nói đã đưa Sơn 15 triệu đồng để trả nợ, anh Hảo đã gọi điện cho Sơn đôi co. Bức xúc, 11h Sơn đến quán chửi bới, dọa đánh, cấm ông Hợp ra khỏi quán và đè ông Hợp gập người xuống rồi dọa “đánh chết mày”.
Ông Hợp cố gắng chống đỡ nhưng Sơn tiếp tục dùng tay túm cổ áo ông Hợp và đẩy ông này ngửa về sau ghế, một tay Sơn tiến hành lục soát túi quần ông Hợp. Ông Hợp cố gắng dùng tay đẩy Sơn ra nhưng không được do Sơn khỏe hơn. Trong quá trình lục soát, Sơn đã giằng, giật đứt khuy túi quần sau bên phải của ông Hợp, lấy được 4 triệu đồng.
Trên những cơ sở này, VKSND quận Hai Bà Trưng đã ra cáo trạng, truy tố Hồ Thanh Sơn về tội “Cướp tài sản”.
Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Hồ Thanh Sơn đã phủ nhận tất cả những chi tiết đã được nêu trong cáo trạng. Theo bị cáo, ông Hợp còn nợ bị cáo 5 triệu đồng không có tiền trả nên khi nghe bị vu đã nhận được 15 triệu đồng từ ông Hợp (để trả nợ cho anh Hảo) thì bị cáo tức giận, vừa đến nơi đã lên tiếng chửi ông Hợp.
Bị cáo khẳng định ông Hợp rất béo, bị cáo không thể đè ông Hợp xuống được. Theo bị cáo Sơn, trước đấy ông Hợp đã đặt thẻ ngành của VKS (đã hết hạn) để vay 70 triệu đồng từ vợ Hồ Thanh Sơn.
Nghi án dàn dựng vụ “cướp tài sản”?
Bị cáo khai, sau khi bị bị cáo nhắc nhở về việc “ông Hợp hay giấu tiền”, chính tay ông Hợp đã rút tiền trong ví ra đưa cho bị cáo và còn nhắc: “Tôi còn nợ ông 1 triệu nhé”. Sau đó bị cáo xuống cất tiền, đi lên chuyện trò với mọi người vài phút thì bị cáo đi tìm quán ăn trưa. Thời gian sau đó, ông Hợp liên tục gọi điện cho bị cáo đề nghị bị cáo quay lại quán. Vì bị cáo nghĩ đến để chứng kiến việc ông Hợp trả tiền cho anh Hảo nên bị cáo quay lại, không ngờ chỉ khi vừa quay lại được vài phút thì công an ập vào bắt bị cáo và những người có mặt tại quán.
Tại tòa, nhân chứng Hảo khai: Sơn vừa đến đã chửi ông Hợp là lừa đảo, đã giúp đỡ còn lươn lẹo, Sơn chưa đánh ông Hợp một cái nào, cũng không cấm ông Hợp ra khỏi quán. Quá trưa, bản thân anh Hảo cũng mệt nên đề nghị ông Hợp ra về, hẹn cố gắng thu xếp trả tiền nợ nhanh nhưng vì ông Hợp hẹn bảo ngồi đợi, đang chờ người nhà mang tiền ra nên anh Hảo ngồi lại và chính ông Hợp đã gọi điện đề nghị Sơn quay trở lại quán.
Nhân chứng Trung khai: Sơn có sờ vào vai ông Hợp, có nói với ông Hợp “có tiền thì trả đi”. Sau đó ông Hợp rút tiền từ túi ra, Sơn đưa tay ra lấy tiền thì ông Hợp nói: “Đưa lại cho tao ít tiền để tao mời các cháu uống nước”.
Nhân chứng Đạt cũng khai chưa bao giờ biết bị cáo Sơn cho tới ngày hẹn gặp ông Hợp để anh Hảo đòi nợ. Anh Đạt còn khẳng định Sơn sau khi mang 4 triệu đồng ông Hợp đã đưa ra cất ở cốp xe máy, quay lên một lúc thì đi luôn nhưng sau đó đã quay lại do ông Hợp gọi điện yêu cầu.
Nhân chứng Đạt khẳng định: “Sơn không đánh ông Hợp, không lục soát ví ông Hợp và cũng không cấm ông Hợp đi đâu vì Sơn về trước, ông Hợp gọi điện mấy lần Sơn mới quay lại”. Anh Đạt cho biết, trước đó vì quá mệt mỏi khi bị giữ tại Công an quận Hai Bà Trưng nên anh đã ký tất cả những gì công an đưa. Nhưng khi tới phiên tòa trước (diễn ra ngày 26/7/2015 bị hoãn) mới biết Sơn bị tạm giam mấy tháng trời. Anh Đạt thấy mình có lỗi vì đã hồ đồ, nhắm mắt ký giấy tờ nên đã làm đơn kêu oan cho bị cáo Sơn gửi tới tòa án.
Trước những lời khai mâu thuẫn giữa các nhân chứng, bị cáo và bản cáo trạng, HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung./.