Nghi án tình báo Liên Xô thủ tiêu nhà ngoại giao Thụy Điển

(PLO) - Vụ mất tích của Raoul Wallenberg - nhà ngoại giao Thụy Điển, người đã cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái Hungary khỏi sự truy sát của Đức quốc xã - là một trong những sự kiện bí ẩn nhất trong Thế chiến II. Thế nhưng, cuốn hồi ký vừa xuất bản của Ivan Serov – Giám đốc đầu tiên của Cơ quan An ninh Nga (KGB – nay đổi thành FSB) đã phần nào hé lộ số phận của nhà ngoại giao này. 
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Wallenberg là vào ngày 17/1/1945.
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Wallenberg là vào ngày 17/1/1945.

Ivan Serov là Giám đốc của KGB từ năm 1954 đến năm 1958, sau đó ông rời KGB để trở thành một nhân viên tình báo quân đội. Tuy nhiên, ông không còn được tín nhiệm sau khi một nhân viên cấp dưới bị cáo buộc làm gián điệp cho phương Tây. Serov mất năm 1990 ở tuổi 84.

Cách đây 4 năm, cháu gái duy nhất của Serov là Vera Serova cải tạo lại căn nhà ở tây bắc Thủ đô Moscow mà bà được thừa kế từ ông của mình. Các công nhân đã tìm thấy cuốn nhật ký của Serov giấu trong một chiếc hộp nhỏ giữa một bức tường.

Bà Vera Serova đã chuyển cuốn nhật ký này cho một nhà in, và mới đây đã được xuất bản thành một cuốn sách dày 632 trang. 6 trang trong cuốn sách này đề cập đến vụ việc của Raoul Wallenberg, với những chi tiết có thể hé lộ điều gì đã thực sự xảy ra với ông. 

Vụ mất tích bí ẩn

Raoul Wallenberg sinh năm 1912 trong một gia đình giàu có và có tầm ảnh hưởng ở Thụy Điển. Ông lẽ ra có thể sống yên bình ở quê nhà, bởi Thụy Điển là quốc gia luôn giữ quan điểm trung lập trong Thế chiến II.

Nhưng thay vào đó, với vai trò Thư ký thứ nhất của Tòa Công sứ Thụy Điển tại Budapest, Hungary hồi mùa hè năm 1944, Wallenberg đã có những hành động khiến ông trở thành một biểu tượng của phong trào nhân quyền thế giới. Không màng đến sự an toàn của bản thân, ông làm việc không mệt mỏi để cứu hàng chục nghìn người Do Thái khỏi sự tàn sát của Đức Quốc xã. 

Tính đến mùa hè năm 1944, hơn 400.000 nghìn người Do Thái Hungary đã bị dồn lên tàu hỏa và chở tới các trại tập trung ở Áo – những chuyến tàu được hiểu là “đi đến chỗ chết”.

Wallenberg cùng một đồng nghiệp khác là Per Anger ở Tòa Đại sứ Thụy Điển đã nghĩ ra cách để cứu những người Do Thái còn lại. Họ cấp các “hộ chiếu bảo hộ” cho những người này, giấu họ trong 32 tòa nhà được thuê dưới vỏ bọc trụ sở của các tổ chức ngoại giao cũng như nơi ở của các cán bộ ngoại giao Thụy Điển. 

Tất nhiên, Wallenberg không đơn độc. Nhiều người khác cũng đã mạo hiểm sự nghiệp, mạng sống của mình, bỏ qua các quy tắc ngoại giao và pháp luật chính thức để cứu giúp người Do Thái. Nhiều người đã bị chỉ trích, trừng phạt thậm chí là giết chết vì hành động của mình.

Sáng kiến cũng như sự quyết tâm của Raoul Wallenberg đã giúp khoảng 100.000 người Do Thái Hungary thoát chết. Thế nhưng, đến tháng 1/1945, ông biến mất trên một con phố do Liên Xô chiếm đóng ở Budapest. Và từ đó, người ta không bao giờ còn nhìn thấy ông nữa. 

Bà Vera Serova, cháu gái Ivan Serov, người tìm thấy cuốn nhật ký.
Bà Vera Serova, cháu gái Ivan Serov, người tìm thấy cuốn nhật ký.

“Tiền hậu bất nhất”

Mọi sự nghi ngờ sau vụ mất tích của Wallenberg trên đường phố Budapest lập tức đổ dồn vào Liên Xô.  Đối với Liên Xô, các mối quan hệ của Wallenberg với giới chức cao cấp của Đức quốc xã và Mỹ “có mùi” gián điệp, và câu chuyện giải cứu người Do Thái của chỉ là vỏ bọc.

Sau này, có một số chỉ dấu cho thấy sự nghi ngờ của Liên Xô không phải là không có lý. Ví dụ một số tài liệu được giải mật của CIA ghi chú nhà ngoại giao Thụy Điển có thể đã thu thập thông tin tình báo cho Cục Công tác Chiến thuật (OSS) – tiền thân của CIA.

Hay có một số thông tin hành động cứu giúp người Do Thái của Wallenberg có sự bảo trợ tài chính của Mỹ. Việc Mỹ truy tặng quy chế công dân danh dự cho ông vào năm 1981 cũng là một dấu hỏi.

Mối nghi ngờ nhằm vào Liên Xô sau khi Wallenberg càng tỏ ra có lý khi những tuyên bố của Liên Xô, sau này là Nga trong nhiều thập kỷ sau đó không hề nhất quán. Với thế lực và tiềm lực tài chính của một tập đoàn công nghiệp lớn tại Thụy Điển, gia đình Wallenberg ngay lập tức truy tìm sự thật đằng sau vụ mất tích của ông.

Trước những đồn đoán ngày càng lan rộng, đầu tiên, Liên Xô tuyên bố rằng tình báo nước này chẳng hề dính dáng gì trong vụ việc của Wallenberg. Rồi sau đó, Alenxandra Kollontai, Đại sứ Liên Xô tại Thụy Điển lại nói với mẹ của Wallenberg rằng ông đang bị giam giữ ở Moscow. Nhưng Alenxandra Kollontai lại tuyên bố rút lại lời nói của mình sau khi Điện Kremlin tuyên bố “không biết gì về trường hợp này”. 

Trong những năm 1950, khi Nga bắt đầu trả tự do cho các tù nhân chiến tranh, một số người trong số họ cho biết đã gặp một “nhân vật quan trọng” bị giam giữ cùng. Một số người nói rằng hành tung của nhân vật đó rất bí hiểm, trong khi một số người lại nói biết tên anh ta.

Phía Thụy Điển bắt đầu chất vấn phía Liên Xô để tìm kiếm mối dây liên hệ giữa lời kể của các tù nhân. Đến năm 1957, Kremlin ra một bản tuyên bố cho biết họ tìm thấy một báo cáo y tế, theo đó Wallenberg đã chết trong tù do một cơn đau tim vào tháng 7/1947. Khi đó ông 34 tuổi. 

Đến năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin khi đó đồng ý cùng phối hợp với Thụy Điển tiến hành các nghiên cứu, phỏng vấn các nhân viên an ninh quốc gia đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, bản báo cáo cuối cùng vào năm 2000 đã không đưa ra một kết luận xác đáng nào về số phận của Wallenberg, đồng thời nhận định các tài liệu liên quan đến Wallenberg có thể đã bị tiêu hủy hoặc sửa chữa nhằm xóa bỏ mọi dấu vết về số phận của ông. 

Iran Serov – Giám đốc đầu tiên của KGB.
Iran Serov – Giám đốc đầu tiên của KGB. 

Những dấu vết mới

Giờ đây, cuốn nhật ký của cựu Giám đốc KGB Ivan Serov đã đưa ra một giả thuyết khác về số phận của Wallenberg: ông đã bị hành quyết theo lệnh. “Tôi không nghi ngờ rằng Wallenberg đã bị hành hình vào năm 1947” – Ivan Serov viết.

 Ivan Serov cho biết ông đã nhận lệnh của Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin nhằm tìm hiểu điều gì đã xảy ra với Wallenberg trong một nỗ lực cải thiện quan hệ với Thụy Điển trong những năm 1950.

Điện Kremlin khi đó hy vọng một sự giải thích thỏa đáng sẽ giúp Liên Xô có mối quan hệ tốt hơn với quốc gia này. Tuy nhiên, Serov đã không thể tìm ra bằng chứng xác thực nào. 

Mặc dù nhật ký của Serov không ghi chép được nhiều, nhưng nó có một số chi tiết đáng giá dẫn chiếu đến những tài liệu chưa được biết tới về số phận của Wallenberg.

Trong đó, có một bản báo cáo về việc hỏa táng Wallenberg và một bức thư của Viktor Abakumov – người đã bị xử tử vào năm 1954 trong đợt thanh trừng cuối cùng của Stalin. Viktor Abakumov là người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Nga trước khi KGB chính thức thành lập và Ivan Serov trở thành Giám đốc đầu tiên.

Abakumov đã tiết lộ trong quá trình bị thẩm vấn rằng lệnh “thanh lý” Wallenberg là do Stalin và Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov đưa ra.

Theo ông Nikita Petrov, một nhà sử học Nga, chuyên nghiên cứu về giai đoạn Stalin cầm quyền cho rằng từ “giết” chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ tài liệu chính thức nào của phía Liên Xô. 

Thông tin về lá thư của Viktor Abakumov cũng trùng với ý kiến của những nhà nghiên cứu, nhà sử học từng tìm hiểu về vụ việc của Wallenberg.

Theo đó, tài liệu quan trọng nhất nhưng chưa bao giờ được công bố là lá thư Abakomov gửi Ngoại trưởng Liên Xô vào ngày 17/7/1947, trong đó các nhà nghiên cứu tin rằng có thông tin chi tiết về cái chết của Wallenberg.

Các nhà nghiên cứu từng tìm thấy một dòng chữ nhỏ ở góc phía dưới của một lá thư khác, trong đó nói rằng “Ab” – chính là Abakumov đã viết một bức thư cho Molotov, gồm cả số tham chiếu của lá thư này.

Lá thư số 3044/a cũng được lưu trong danh mục thư tín đã gửi đi của KGB, cho thấy nó được gửi vào ngày 17/7. Mục ghi chú trong danh mục này có đề rằng lá thư đã được gửi đến địa chỉ cần nhận. Thế nhưng không ai có thể tìm thấy bức thư này. Trong báo cáo năm 2000, Nga lý giải về chi tiết này, đó là bức thư là thư cá nhân và “có một số chi tiết tương đối nhạy cảm”.  

Nhật ký của Serov thiếu những tài liệu chính thức có sức nặng, dù vậy nó vẫn có những chi tiết mở ra hướng tìm kiếm mới cho những ai muốn tìm hiểu về vụ mất tích của Wallenberg. Cháu gái Raoul Wallenberg là Marie Dupuy cho biết bà đã gửi thư cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) để hỏi về các tài liệu mà Serov đã đề cập.

Dù bà Dupuy cho rằng rằng hãy còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác nếu chỉ dựa vào cuốn nhật ký, nhưng những thông tin từ cuốn nhật ký của Serov sẽ giúp gia đình bà tiếp tục chiến dịch mà họ đã theo đuổi suốt hơn 70  năm qua để tìm ra: Điều gì đã thực sự xảy ra với Raoul Wallenberg?