Nghị định khiến Ngân hàng “mở cờ trong bụng”

Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán... Nếu được thông qua, Nghị định này có lẽ được giới ngân hàng mong chờ hơn ai hết

Nếu được thông qua như dự thảo, Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt có lẽ được giới ngân hàng mong chờ hơn ai hết…

Bao nhiêu tiền được “trao tay”?

Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán.

Các tổ chức không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này thì khi tổ chức thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác số tiền vượt hạn mức thì không được dùng tiền mặt.

Việc dùng tiền mặt chỉ áp dụng trong trường hợp chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, thưởng cho người lao động; chi trả tiền thu mua nông, lâm, thổ, hải sản và các loại vật tư khác hoặc các khoản thanh toán khác dưới hạn mức thanh toán bằng tiền mặt được Nhà nước quy định.

Thực tế, thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có giá trị lớn đang gây khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả.

Thế nhưng, sau 6 năm thực hiện hạn mức  được phép thanh toán bằng tiền mặt dưới 30 triệu đồng theo Nghị định 161/2006/NĐ-CP, giờ nhiều ngân hàng kêu phải giảm hạn mức xuống, và hạn mức 20 triệu đồng phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng đã được đưa ra cho các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phiếu, dự án, vay và cho vay của doanh nghiệp với các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác.

Lợi cho ngân hàng là chính?

Một thói quen trong giao dịch của người Việt Nam là mua bán trao tay theo kiểu “tiền trao cháo múc”, nhưng hiện nay, đa phần giao dịch qua ngân hàng mất thời gian chờ đợi khi tiền được đổ vào tài khoản bên nhận. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng không cải tiến quy trình sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều giao dịch trên thị trường, nhất là khi hạn mức được đưa xuống quanh mốc 20 triệu đồng.

Một điểm gây chú ý không nhỏ trong dự thảo lần này là quy định, các ngân hàng sẽ được ấn định lại mức phí dịch vụ tiền mặt. Mức phí hiện hành theo Thông tư 01/2007 là 0%-0,05% trên số tiền mặt được giao dịch. Nếu các ngân hàng “giữ khách” ở mức phí 0% thì sẽ “không vấn đề gì”, nhưng nếu thu phí thì chính bản thân người bán và người mua cảm thấy thiệt thòi vì tự dưng lại mất tiền cho khâu trung gian, tức là, ngoài chuyện nộp thuế theo quy định, tới đây, các giao dịch trong diện điều chỉnh còn bị mất thêm khoản phí.

Trên thực tế, bên cạnh giao dịch tiền mặt, phương thức thanh toán qua ngân hàng đã trở thành một lựa chọn trong nhiều giao dịch, tuy nhiên, với dự kiến tại dự thảo, tới đây Nhà nước sẽ “áp” nhiều giao dịch vào lựa chọn duy nhất này, bằng các ràng buộc như phải có chứng từ của ngân hàng mới được đăng ký tài sản…

Để các quy định về giao dịch bằng tiền mặt “vừa mặt vừa lòng”, được người dân và doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, tạo thành thói quen tiêu dùng mới, đồng thời tiện lợi cho cơ quan hữu trách trong quản lý nhà nước, thiết nghĩ một lộ trình cụ thể cần được đưa ra để nhà nước và nhân dân cùng có lợi trong chủ trương đúng đắn này.

Bách Nguyễn 

Đọc thêm