Nghị lực phi thường của một nạn nhân Khmer Đỏ

(PLO) -Từng là nạn nhân Khmer Đỏ, nhưng Nary Ly đã có bằng Tiến sĩ sinh học và dành gần trọn cuộc đời nghề nghiệp của mình để nghiên cứu về các chứng bệnh truyền nhiễm độc hại ở Campuchia. Và mùa hè 2016 này, chị sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Campuchia tham gia cuộc thi điền kinh tại đấu trường Olympic.
Vận động viên Nary Ly tại giải điền kinh New York
Vận động viên Nary Ly tại giải điền kinh New York

Nary Ly tâm sự: “Lúc còn nhỏ, không có ai chỉ bày tôi cách chạy. Thật sự không có đường chạy điền kinh ở Campuchia”. Từng là nạn nhân sống sót trong đại thảm họa diệt chủng người Campuchia dưới chế độ cai trị tàn ác của chính quyền Khmer Đỏ, 9 năm trước, Nary đã đoạt giải chạy điền kinh quốc tế tổ chức ở Angkor Wat nhằm gây quỹ cho trẻ em Campuchia chống lại bệnh HIV/AIDS. Dù không phải là ý định của chị, nhưng Nary đã trở thành người phụ nữ Campuchia đầu tiên thi đấu điền kinh quốc tế. 

Người phụ nữ sinh ra để chạy

Kể từ đó, Nary liên tục lập được các thành tích chạy đường trường cho bản thân và cho quê hương chị. Năm 2006, kể từ khi bước chân vào chạy đường dài, đôi chân của Nary Ly đã vượt qua hàng trăm dặm đường trên khắp ngóc ngách thủ đô Phnom Penh với lòng tràn trề hy vọng về đấu trường Olympic. 

Chị tâm sự: “Tôi phải thức dậy thật sớm để tránh tắc nghẽn giao thông. Thường là lúc 4 giờ 30 phút sáng. Và vì chạy đường trường nên không thể chạy quanh sân vận động được. Phải ra thế giới bên ngoài”.

Mỗi sáng, Nary chạy hàng tiếng đồng hồ băng qua những cánh đồng lúa còn chưa sáng hẳn, vượt qua những quốc lộ 1 và 4. Nary cũng thuê một người xe ôm chở theo một bình nước, chạy theo chị cũng như bảo vệ chị tránh những tình huống giao thông rối rắm. 

Theo Nary Ly, chạy bộ ở Campuchia sẽ gặp không ít khó khăn, càng không dành cho nữ giới. “Bóng đêm, hơi nóng ban ngày, tôi cho rằng nhiều phụ nữ xứ tôi khó mà sẵn lòng để chạy. Ở châu Á, họ quan tâm với làn da trắng, đồng nghĩa với sự giàu có và khao khát”.

Trong suốt mùa khô ở thủ đô Phnom Penh, khi nhiệt độ ngoài trời vọt lên hàng chục độ C, phụ nữ lái xe tay ga thường đeo khẩu trang và găng tay kín mít hệt như Ninja.

“Họ hàng của tôi trông tôi khang khác vì da tôi đen hơn, mặt tôi cũng đầy vết. Họ chê da đen, họ thích có làn da trắng như phụ nữ Nhật, Hàn”- Nary cười kể.

Năm 2009, Nary Ly trở thành người phụ nữ Campuchia đầu tiên chạy điền kinh ở New York City, trong lúc chị đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường y khoa ở Manhattan. Năm 2015, Nary đã phá đổ kỷ lục 3 giờ chạy với thành tích 2:59:12 tại giải điền kinh Valencia ở Tây Ban Nha. 

Đau đáu khát vọng

Nary Ly chào đời ở Phnom Penh năm 1973, là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Chỉ 2 năm sau đó, thủ đô Phnom Penh đã đặt dưới chế độ tiếp quản cai trị của chính quyền Pol Pot và Khmer Đỏ, chế độ cai trị tàn khốc này phải chịu trách nhiệm cho khoảng 2 triệu người chết, tức khoảng ¼ dân số Campuchia hồi đó. 

Ảnh tư liệu về lính Khmer Đỏ trong một chiến dịch càn quét dân thường Campuchia hồi năm 1975
Ảnh tư liệu về lính Khmer Đỏ trong một chiến dịch càn quét dân thường Campuchia hồi năm 1975 

Sau khi Khmer Đỏ sụp đổ vào năm 1979, cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn, đẩy số lượng người chết lên cao hơn. Năm 9 tuổi, Hội Chữ thập đỏ đã di tản Nary Ly qua Pháp. Cuộc sống của Nary thay đổi hoàn toàn ở xứ người. Cô bé sống trong một gia đình Pháp, họ cho cô đi học và kiếm tấm bằng khoa học.

Năm 26 tuổi khi quay về cố hương Campuchia, Nary thậm chí quên cả tiếng Khmer. Chỉ có 4 người chị em của chị còn sống. Trong lúc trò chuyện với với hàng xóm láng giềng, người ta vẫn ngỡ chị là người ngoại quốc, nhưng với Nary, Campuchia vẫn là quê hương của chị.

Nary thốt lên: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người Pháp. Thể trạng không nói dối ai. Tôi có mái tóc đen, mắt nhỏ, và giọng nói đặc trưng. Nếu không thế, tôi sẽ không chọn Campuchia làm đề tài nghiên cứu. Tôi sống ở New York, ở Paris, ở Tây Ban Nha nhưng cố hương Campuchia vẫn trong trái tim tôi, là một phần máu thịt của tôi”.

Tháng Giêng vừa qua, Nary vinh dự trở thành vận động viên thi đấu ở Olympic Rio (Thế vận hội mùa hè 2016). 

Kể từ năm 1996, Campuchia đã cử 2 vận động viên bơi lội và 2 vận động viên điền kinh theo chỉ định của Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia (NOCC) cũng như đã nhận được sự đề cử của Liên đoàn điền kinh nghiệp dư Khmer (KAAF). Nary Ly nói rằng, nhiều người dân Campuchia còn không hiểu “điền kinh” thật sự là gì?

Năm 2011, Nary đã vận động hành lang Thế vận hội cho người Campuchia, ngay trước Thế vận hội London. Trong lúc bị chế nhạo là “vận động viên làm kiểng”, thì Nary khảng khái nói: “Đám đàn ông điều hành ngành thể thao Campuchia nói rằng tôi lớn tuổi rồi, không chạy được nữa. Nhưng dù lớn tuổi, tôi vẫn là người chạy tốt nhất ở xứ này. Họ thiếu kiên thức về tinh thần thể thao”. 

Mô tả ảnh
Mô tả ảnh

Đấu tranh vì công bằng trong thể thao

NOCC đã đề cử Chan Seyha, người chỉ mới vừa hoàn thành chặng điền kinh quốc tế vào năm 2011, đứng ở vị trí thứ 37 trong danh sách 38 vận động viên trong cự ly chạy 200m. Tất nhiên việc lựa chọn vận động viên điền kinh của Campuchia cũng gây ra không ít lùm xùm, hoài nghi từ nhiều phía. Nary Ly ngạc nhiên tự hỏi:

“Đừng bao giờ chọn Thế vận hội cho những người không thực tài. Nhưng họ nghĩ rằng việc lựa chọn một phụ nữ trẻ là đại diện tốt nhất cho đất nước.

Năm 2012 là cả một nỗi thất vọng trong tôi. Công lý ở đâu? Quan trọng nhất đối với tôi là sự công bằng. Đó là lý do vì sao tôi yêu thể thao. Đó cũng là lý do vì sao tôi bảo vệ thể thao, bạn không cần phải giàu hay nghèo khó để chơi thể thao. Quan trọng là bạn có thực tài hay không”. 

Nary Ly khẳng định: “Các quan chức thể thao của NOCC tỏ vẻ không thích tôi vì tôi hay thẳng thắn. Họ cố gắng gạt tên tôi ra, song không thể. Tôi luôn tìm kiếm câu trả lời”.

Trong khi tuổi tác là một nhân tố quan trọng đối với khả năng của vận động viên, thì nó không phải là vấn đề to tát tại các kỳ Thế vận hội. Người đàn ông chạy nhanh thứ hai thế giới tại giải thử nghiệm Olympic Mỹ năm 2015 là người Los Angeles tên là Meb Keflezighi, 40 tuổi.

Hay vận động viên người Rumani, Constantina Dită, đã 38 tuổi khi chị đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội năm 2008. Nary Ly quả quyết: “Người dân Campuchia không hề hay biết rằng điền kinh là vua của các sự kiện thể thao tại các kỳ Thế vận hội”.

 Đầu năm 2016 này, Nary Ly đã bay tới Kenya để luyện chạy ở Trung tâm huấn luyện High Altitude danh tiếng. Nary ước tính tổng chi phí cho kỳ Olympic sắp tới mà chị phải chị là gần suýt soát 12.000 USD, phần lớn là tự bỏ tiền túi. Theo Nary chỉ có duy nhất một công ty ở Campuchia sẵn sàng tài trợ cho chị là Chenda Polyclinic, một trung tâm y tế tư nhân - hứa hẹn tài trợ 1.000 USD hồi tháng 2/2016.

Hiện tại, Nary cũng không chắc có nhận được các nguồn tài trợ của chính phủ hay không. Chị tuyên bố: “Nếu Campuchia muốn cạnh tranh trong đấu trường quốc tế thì cần phải mở rộng quy mô đào tạo, cũng có nghĩa là phải rời quê hương. Sau Rio 2016, tôi cũng có thể không có việc làm (do đã từ chức ở viện nghiên cứu để toàn tâm theo đuổi sự nghiệp thể thao).

Thật nan giải, tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi tới cùng. Chấn thương do gãy chân, tay trong lúc tập không phải là chuyện lớn so với những ngày tháng kinh hoàng dưới thời Pol Pot. Qúa khứ đau đớn đã tiếp sức mạnh cho tôi. Làm gì để lành bệnh? Tại sao phải chạy? Có một tiêu chí duy nhất: Chết thì dễ chứ đạt mục tiêu mới khó!”…/.