Khoảng 22h30 ngày 26/5/2016 những dân làng ở buôn Trăng Yũ, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk kinh hãi nghe tiếng la hét đau đớn, thấy chị H Long Tơr (41 tuổi) toàn thân bốc cháy lao ra từ căn nhà gỗ lửa cháy ngùn ngụt.
Gặp nạn vì ngăn con tự thiêu
Y Vương (21 tuổi) là con trai cả của vợ chồng chị Tơr. Sinh ra trong cảnh đói khổ nên Vương không được đi học, vừa biết đi đã theo mẹ đi rẫy, theo trai làng đi rừng.
Theo phong tục của đồng bào Ê Đê, vừa tròn 20 tuổi trai làng phải đi “bắt” vợ để an cư lập nghiệp. Vương đã lập gia đình hơn 1 năm nay và sống ở nhà ngoại (phong tục của đồng bào Ê Đê là con trai sau khi “bắt” vợ phải sống ở nhà cha mẹ vợ). Vợ chồng Vương đã có một con trai.
Khoảng hơn 1 tháng trước, vợ chồng Vương thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì chuyện tiền bạc. Cũng vì vậy Vương trở nên đổi tính, thường la cà nhậu nhẹt, khiến mâu thuẫn vợ chồng càng trở nên gay gắt. Nhiều lần Vương bỏ về nhà cha mẹ ở, nhưng ở được 1 đến 2 ngày lại trở về vì nhớ vợ con.
Ông Y Krai Triếc (50 tuổi, anh rể chị Tơr) nhớ lại, chiều hôm xảy ra sự việc Vương còn đi dự tiệc cưới ở một gia đình trong xã Krông Nô. Đến khuya Vương mới ra về. Về nhà, Vương bị vợ trách móc “anh chỉ ham nhậu, không lo lắng cho gia đình”, lại không cho ngủ chung giường. Quá bực tức Vương xách can xăng 5 lít (do bố vợ mua về dự trữ để đi lại) từ nhà vợ về nhà cha mẹ đẻ cách đó khoảng 2 km.
Khuya hôm đó, cả buôn Trăng Yũ đang chìm trong giấc ngủ thì Vương loạng choạng trở về. Vừa bước lên bậc thang gỗ, Vương lèm bèm trách cứ vợ không thương mình, giờ chỉ muốn chết. Nghe tiếng con, chị Tơr choàng tỉnh.
Dưới ánh đèn dầu le lói, Vương mở nắp can xăng, loạng choạng tưới xăng lên người. Quá hoảng hốt, người mẹ lao đến che lấy con. Xăng bén vào bếp than hồng phụt lên vùi người mẹ trong lửa. Người mẹ vẫn không quên đạp đứa con tránh xa đống lửa.
Nghe tiếng la hét của mẹ, H Dung (17 tuổi, là con thứ hai của chị Tơr) và 6 người em đều giật mình thức giấc thì ngọn lửa đã bén đến mái tranh. Thiếu nữ vừa kêu cứu vừa lôi các em ra xa, rồi lao đến đánh thức người cha bị điếc.
Nghe tiếng tri hô, người dân trong buôn lao đến mỗi người một tay xách nước, dùng chăn ướt trùm lên người nạn nhân. Khi ngọn lửa tắt, cơ thể thiếu phụ đã cháy nhiều chỗ, hơi thở yếu ớt. Ngay trong đêm, chị được đưa đến bệnh viện huyện Lắk cấp cứu, rồi chuyển lên tuyến trên.
Anh rể nạn nhân kể, từ hôm em gái của vợ lâm cảnh thập tử nhất sinh, chồng bị câm điếc, các con của nạn nhân còn nhỏ dại, ông và vợ đành gác mọi công việc gia đình, chạy vạy vay mượn được 10 triệu để đưa em đến bệnh viện.
Chị Tơr được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của khoa Phỏng (bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) đến nay đã hơn nửa tháng. Khoản tiền đó chẳng mấy chốc đã cạn kiệt. Hết cách, ông Triếc phải để em gái ở lại nhờ các bác sĩ chăm sóc, tức tốc bắt xe về quê bán vội 3 con trâu và 5 sào đất mới có tiền cầm cự sự sống cho em.
Bất hạnh từ thuở lọt lòng
Chị Tơr vốn là đứa trẻ được sinh ra ở bìa rừng. Bởi lúc mang thai chị, dù đã cận kề ngày sinh nở, mẹ chị vẫn “cõng” bụng bầu lên rẫy cần mẫn hái ngô. Gùi ngô vừa đầy thì bà trở dạ, người mẹ đành lê lết đến đến lùm cây gần đó để một thân một mình sinh con.
Năm chị mới lên 4 tuổi, còn người chị gái vừa lên 5 thì đại nạn ập xuống gia đình nghèo. Một buổi chiều, cha mẹ chị cùng nhau lên rẫy xăm đất trỉa lúa, không may người mẹ giẫm phải quả mìn còn kíp nổ. Vụ nổ quá lớn khiến người cha ở gần đó cũng “đi” theo. Chỉ trong tích tắc hai đứa trẻ bỗng trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Thiếu hơi ấm người thân, hai đứa trẻ côi cút chới với không biết bấu víu vào đâu. Ngày ngày chị em Tơr dắt nhau ra bìa rừng hái lá rừng nhai sống, nức nở khóc đòi cha mẹ về. Có một lần chạng vạng tối, bà Y Krai Chăn (65 tuổi) gùi củ mì từ rẫy về nhà, phát hiện hai chị em Tơr cả người tím tái vì ăn phải lá độc. Người phụ nữ dốc hết sức lực ôm lấy hai đứa trẻ hơi thở yếu ớt thoi thóp, “ba chân bốn cẳng” chạy đến kêu cứu thầy lang. May mắn, đợt đó hai chị em được cứu khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Sau lần ấy, dân làng thấy người phụ nữ tóc đã chớm bạc ôm hai đứa trẻ về nhà mình. Hoàn cảnh gia đình bà Chăn chẳng khấm khá gì. Một mái nhà sàn nhỏ lợp bằng lá tranh liêu xiêu nép bên sườn đồi, căn nhà chỉ bé tí nhưng có đến 9 con người lớn bé chui ra chui vào. Đã quá chật chội, nay có thêm chị em Tơr. Thế nhưng bằng tình yêu thương vô hạn, đôi vợ chồng già đã yêu thương săn sóc hai đứa trẻ không khác gì con đẻ của mình.
9 người con của bà Chăn và người chị gái của chị Tơr dần dần được dựng vợ gả chồng. Chỉ còn anh Y Bang Triết nay 48 tuổi, con trai bà Chăn) vẫn chưa thể có một mối tình vắt vai. Nói về anh Triết, từ khi sinh ra đã không may mắc phải dị tật bẩm sinh, vừa câm vừa điếc, một mình sống trong lầm lũi tủi khổ.
Sau nhiều đêm thấy mẹ nuôi khóc thầm vì thương người con trai “số khổ”, năm tròn 20 tuổi, chị Tơr gạt hết mọi điều tiếng, quyết định làm vợ của anh Triết để đền ơn cha mẹ nuôi đã cứu mạng và cưu mang cả hai chị em chị trong gần 20 năm trời.
Kể từ ngày về làm vợ của anh, chị trở thành trụ cột chèo chống cả gia đình. Từ một người con gái trẻ trung xinh đẹp, sau 8 lần vượt cạn, sức vóc chị như cùng kiệt, dáng gầy gò. Người chồng tuy sức khỏe bình thường nhưng không thể trò chuyện, không nghe được, đi đâu làm gì cũng cần có vợ hướng dẫn. Buôn Trăng Yũ nằm sâu trong những ngọn đồi.
Cả gia đình 10 miệng ăn chỉ biết bám vào 5 sào rẫy, mùa mưa trỉa lúa, mùa nắng trồng mì. Hết làm việc nhà, vợ chồng chị lại đi cuốc, phát rẫy thuê, quanh năm “bóp mồm bóp miệng” vẫn đói ăn thiếu mặc, nay lại xảy ra đại nạn này.
Tiền bán trâu bán đất cũng sắp hết, người anh rể đành sống nhờ vào bữa cơm từ thiện các bác sĩ y tá hỗ trợ. Chiều 6, H Dung một mình bắt xe từ huyện Lắk xuống bệnh viện Chợ Rẫy. Dung chưa từng rời buôn làng, không rành đường sá, không biết chữ, không sõi tiếng Kinh. Lo sợ cháu bị lạc đường nên ông Triếc phải dặn đi dặn lại “cứ ngồi yên trên xe, khi xe dừng bến cuối cùng hãy xuống”.
Ông cũng cẩn thận ra cổng bệnh viện đón cháu từ sớm. Xe vừa dừng, thiếu nữ đen đúa nôn tháo nôn thốc vì say xe, rồi nức nở: “Em bán đàn lợn con được 800 nghìn đồng, mọi người ở buôn góp thêm để em đưa xuống cứu mẹ”.
Ngồi bên mẹ được vài tiếng đồng hồ, vừa ăn vội hộp cơm, nước mắt thiếu nữ không ngừng tuôn: “Em muốn ở đây chăm mẹ, nhưng ở nhà còn có cha bệnh tật, có 6 đứa em, đứa út mới 1 tuổi chưa biết đi. Em phải về ngay. Em ở đây thì ai lo cho cha và các em...”.