Trong vòng hơn một tháng, Đặc công Rừng Sác làm nổ tung kho bom thành Tuy Hạ 2 lần, phá hủy 80% kho bom ở Tuy Hạ, trong đó có nhiều bom CBU – một loại bom có sức công phá chỉ xếp sau bom nguyên tử.
“Căn cứ Phan Bội Châu”
Sau khi chiếm được miền Nam, năm 1929, thực dân Pháp xây dựng ở xã Phú Thạnh thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) một công trình có tên gọi là Thành Tuy Hạ để bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, làm hậu thuẫn cho việc bình định, vơ vét tài nguyên.
Thành Tuy Hạ được bố trí ở nơi hiểm yếu, tiếp giáp 3 xã: Phú Đông, Đại Phước, Vĩnh Thanh; giáp Sông Sâu, một nhánh của Đồng Nai, Cù Lao Ông Cồn thuộc địa bàn xã Đại Phước và xã Long Tân. Sau hiệp định Geneva, Mỹ thay chân Pháp và từ đây Thành Tuy Hạ được đặt tên mới là “Căn cứ Phan Bội Châu”. Mỹ đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, biến thành một kho chứa các loại vũ khí, đạn dược lớn chỉ sau Tổng kho Long Bình.
Kho vũ khí Thành Tuy Hạ nằm ở phía Đông Nam, cách Sài Gòn khoảng 18km, giữa hai tỉnh lộ 25 và 19 thuộc quận Nhơn Trạch (Biên Hoà) có chiều dài 1,5km, rộng 1km. Bao bọc quanh kho là 14 lớp hàng rào kẽm gai tổng hợp, chia làm 3 tuyến phòng thủ. Mỗi tuyến đều có hệ thống lô cốt, hầm hào và nhiều chướng ngại vật.
Lực lượng bảo vệ gồm 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 trung đội cảnh sát, 10 chó bẹc giê, 1 xe jeep có gắn đại liên. Kho còn được sự yểm trợ của lực lượng giang thuyền gồm 18 chiếc từ Nhà Bè, Cát Lái lên hỗ trợ. Ngoài ra còn có lực lượng của Quân đoàn 3, căn cứ Nước Trong, sân bay Biên Hoà… sẵn sàng chi viện khi kho bị tấn công.
Tiếng “nổ” trên bàn đàm phán
Cuối 1972, giữa lúc hội nghị bốn bên ở Paris bàn về chấm dứt chiến tranh Việt Nam gần đi đến được thỏa thuận thì Tổng thống Nixơn lật lọng, ráo riết chuẩn bị trận tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội. Đoàn 10 được lệnh phải đánh bằng được kho xăng Nhà Bè và kho bom Thành Tuy Hạ để tạo thế trên bàn đàm phán.
Đoàn 10 quyết định phân tán cán bộ chỉ huy về trực tiếp chỉ đạo các mũi tấn công chủ yếu. Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Lê Bá Ước trực tiếp chỉ đạo đánh kho bom Thành Tuy Hạ, nhiệm vụ giao cho Đội 32 của Đoàn 10, do đội trưởng Quyết chỉ huy.
Như đã nói, Kho bom Thành Tuy Hạ có cấu trúc hàng rào kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt bên trong có một bờ đê cao 3m như một bức tường, chân đê có hào sâu ngập nước; bên trong lớp rào còn thả chó và ngỗng, một trăm mét có một bốt canh.
Đại đội 32, Đoàn 10 từ ngày 12/10 đến ngày 21/10/1972 đã nhiều lần tìm cách đột nhập vào Tuy Hạ để xác định kế hoạch, nhưng đều không thành công do đụng địch và các vật cản dày đặc. Không nản, Đội 32 tiếp tục thực hiện 8 lần đột nhập cực kỳ gian khổ và nguy hiểm mới xác định được vị trí để đánh kho bom này.
Đêm 7/11/1972, 2 tổ trinh sát táo bạo đột nhập từ hướng Tây tây bắc, ở vị trí sát nách quân cảng được bảo vệ cẩn mật. Trinh sát chui qua 8 lớp rào, ém lại một ngày giữa rào bùng nhùng và đêm sau lọt được vào khu kho.
Một tổ khác vào từ phía Nam gặp địch, 1 trinh sát vấp phải mìn đứt cả hai chân, cõng ra đến ngoài thì hy sinh. Ban chỉ huy nhận định chính xác tình hình và đưa ra quyết định táo bạo, phải đánh ngay đề phòng địch thay đổi quy luật bố trí, tuần tra.
Đêm ngày 11 rạng 12/11, 4 chiến sĩ cùng 16 khối thuốc nổ lặng lẽ nhích từng bước một khéo léo vượt qua hết hàng rào, bãi mìn và những trạm gác của địch, đến được bờ tường kho. Cả 4 người nhanh chóng thao tác theo kế hoạch đã thực tập ở nhà rồi tuần tự rút lui an toàn.
Đúng giờ hẹn, hàng loạt tiếng nổ vang dội Sài Gòn. Chất nổ và bom napan tạo nên những đám cháy khổng lồ choán cả một vùng trời đen nghịt khói lửa suốt 2 ngày đêm. 23 kho bom đạn và 9 kho chứa bom napan (khoảng 200.000 quả) bị thiêu hủy. Trong số 4 chiến sĩ tham gia trận đánh, đồng chí Trình đã anh dũng hi sinh, được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Vét “túi bom” lần 2
Không bằng lòng với kết quả trận ngày 12/11/1972, nửa tháng sau, Đoàn 10 lại chỉ đạo Đại đội 32 tiếp tục điều nghiên quân cảng Tuy Hạ để vét nốt kho bom Mỹ, ngụy lần hai.
7 đêm liền, tại các hướng Đông, Tây nam, và Nam, các chiến sĩ đều không lọt được vào bên trong mục tiêu bởi sau trận đánh trước, địch thiết lập một hàng rào thiếc cao 2,5m, chôn sâu 30cm, không thể cắt được; ở phía Đông và Nam, tăng cường lính phục kích giữa hai hàng rào, đặt đèn dầu dọc đường bảo vệ, khiến đặc công khó qua.
Sau nhiều đêm điều nghiên nữa, các chiến sĩ đã tìm ra các khu kho quan trọng của địch. Phương án đánh kho bom Thành Tuy Hạ lần thứ hai được thông qua trên sa bàn với một khí thế mới.
Tham mưu trưởng Đoàn 10 Lê Bảy nhận định: “Ta vừa đánh, địch chưa kịp hoàn hồn, còn sơ hở, chúng cũng không nghĩ rằng đặc công lại dám đánh trận thứ hai trong vòng 1 tháng, cần chớp thời cơ đánh vào kho bom”. Đại đội 32 quyết định, đêm 11/12 sẽ đánh tiếp. Các chiến đấu viên được cử đi làm nhiệm vụ gồm: Sáng, Chữ, Thắng.
Các chiến sĩ Đặc công rừng Sác cưa bom địch lấy thuốc nổ để đánh tàu, xuồng và các kho tàng của địch. |
Vào 1 giờ sáng ngày 13/12/1972, tổ đặc công lọt vào trong thành Tuy Hạ. Các chiến sĩ hội ý với nhau kiên quyết đánh bằng được kho bom và quy ước: Nếu bị lộ là đánh ngay; tiếng nổ đầu là mệnh lệnh, quyết không để một ai bị địch bắt.
Trời sáng rõ, các chiến sĩ đặc công mang theo trang bị ém lại hàng rào. Lúc này, căn cứ Thành Tuy Hạ rầm rầm tiếng máy nổ của hàng chục xe xúc thu dọn hậu quả của trận đánh trước. Xế chiều, một chiếc máy xúc tiến lại định xúc đống sắt vụn bên cạnh tổ đặc công nằm. Tổ phó Hòa giắt quả thủ pháo vào lưng, khom người tiến lên đón đầu chiếc xe. Tên lính định bỏ chạy, nhưng Hòa một tay chỉ vào miệng, một tay chỉ vào quả thủ pháo.
Tên lính hiểu ra ám hiệu: “Câm mồm, nếu không thì chết”. Tên công binh lái xe xúc tiếp tục cặm cụi xúc dưới sự giám sát của người chiến sĩ đặc công. 20 giờ, tên lính chưa dám rời khỏi xe trong khi 4 chiến sĩ đặc công của ta đã tỏa đi các mục tiêu. Hoà trèo lên xe cảnh cáo tên lính: “Muốn sống về với vợ con, anh cứ làm việc bình thường, sau 21 giờ sẽ ra về theo tốp lính thợ, thấy gì để yên đó, không được nói với một ai”.
Rồi Hoà cũng lao tiếp theo anh em đặt mìn. Các chiến sĩ đếm được mỗi kho 8 dãy bom, đáy mỗi dãy có 66 trái, cao 6 trái. Đúng 1 giờ sáng, đặt mìn hẹn giờ xong, các chiến sĩ thoát ra khỏi Thành Tuy Hạ. Tính ra, mỗi người đặt hết 25 kíp theo quy định.
Gần 3 giờ ngày 14/12/1972, tổ đặc công ra đến Bàu Sen thì kho bom phát nổ. Tiếng nổ dây chuyền như sấm sét liên hồi của hàng ngàn quả bom làm rung chuyển mặt đất. Cả khu kho rộng lớn chìm trong biển lửa khổng lồ, nổ và cháy suốt cả 3 ngày 3 đêm liền, tung toé cả một vùng mấy cây số vuông, làm cho phần nhiều cửa kính cao tầng nội đô Sài Gòn rạn nứt, tất cả chướng ngại vật, mìn trái bị quét sạch gần hết, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn quân cụ, cùng với 1 đại đội quân khuyển hơn 100 chó béc-giê tan xác.
Bộ chỉ huy Miền đã tặng thưởng 01 Huân chương Quân công hạng 3 cho tổ chiến đấu và 5 Huân chương Chiến công cho 5 chiến sĩ đặc công…