Nghị quyết công tác Tư pháp chú trọng phòng chống tham nhũng

(PLO) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về công tác Phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Việt Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. 
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Một trong những quyết nghị quan trọng của Nghị quyết là vấn đề phòng chống tham nhũng. 
Theo Nghị quyết, công tác Phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Việt Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án  cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. 
Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong toả tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%. 
Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra  việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời thông báo cho cơ quan thanh tra, kiểm toán kết quả giải quyết vụ, việc. Cơ quan điều tra tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện, điều tra án tham nhũng, phấn đấu nâng tổng số các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố năm sau cao hơn năm trước. 
Hằng năm, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội việc xử lý, kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan tới tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm toán. 
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thi hành án hình sự, Luật đặc xá, Luật xử lý vi phạm hành chính; ban hành Nghị quyết về kiểm soát thu nhập của người có nhiệm vụ, quyền hạn, Luật đấu giá tài sản, Luật đăng ký tài sản.
Hằng năm, các cơ quan này sẽ, báo cáo Quốc hội về tình hình Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam có vi phạm pháp luật bị xử lý.
Ủy ban tư pháp của Quốc hội phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc phát hiện và xử lý tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục hạn chế, thiếu sót; giám sát các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng và tổ chức triển khai thi hành bộ luật, luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách nêu tại Nghị quyết này.
Trước đó, trong phần đầu Nghị quyết, đã phân tích những ưu điểm và tồn tại của Công tác Tư pháp năm 2016 và những năm qua, Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra, đồng thời  yêu cầu các cơ quan Tư pháp tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Đọc thêm