Với mục tiêu phát huy những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (Sau đây gọi tắt là “Nghị quyết 27”). Những nội dung tại Nghị quyết 27 là tiền đề kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong giai đoạn mới, cụ thể, Nghị quyết 27 tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo;
- Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật;
- Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp;
- Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.
Luật sư Đường Ngọc Hân, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á |
Nghị quyết 27 được ban hành, cùng với sự tích cực của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy đã đạt dược một số kết quả tích cực. Kinh tế quý I năm 2023 của nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp nhờ hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái. Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%. Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ. Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách, tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư.
Tiêu biểu, trong thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều về tình trạng chồng chéo giữa các luật về đầu tư, trong đó nhiều quy định liên quan đến đất đai, đấu thầu, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai đã rà soát 88 luật có nội dung quy định đề cập đến vấn đề đất đai, trong đó xác định có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai. Cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã thực hiện rà soát 84 văn bản và phát hiện 12 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo và 24 nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn (Báo cáo số 123/BC-BXD của Bộ Xây dựng ngày 06/10/2022 về kết quả rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị).
Tuy nhiên, hiện các dự thảo Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tổng kết thi hành đầy đủ, đánh giá tác động các chính sách mới khá toàn diện. Sự chuẩn bị công phu, tích cực của các cơ quan làm luật đưa đến hi vọng các chính sách tới sẽ tháo gỡ các “nút thắt” của thể chế, khai thông các “điểm nghẽn” của hoạt động đầu tư thời gian qua.
Thứ hai, còn tồn tại nhiều cơ chế quản lý hạn chế quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điển hình như một số đạo luật quan trọng về tài nguyên thiên nhiên được thảo luận trong năm 2022 như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Viễn Thông, Luật Tần số vô tuyến điện. Các đạo luật này đều có quy định về việc cấp, giao, cho thuê những loại tài sản này để doanh nghiệp sử dụng cho các mục đích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quyền của các tổ chức khi được cấp, giao, cho thuê những loại tài sản này chưa thực sự được bảo đảm vững chắc, có nhiều quy định hạn chế các quyền này. Chủ sử dụng tài nguyên không có toàn bộ các quyền tài sản đã được giao, cho thuê, cấp phép một cách hợp pháp.
Việc hạn chế quyền tài sản của chủ sử dụng đối với các loại tài nguyên này làm giảm giá trị của các loại tài nguyên, giảm động lực đầu tư khai thác sử dụng lâu dài để mang lại hiệu quả tối đa. Ví dụ, việc hạn chế quyền chuyển nhượng giấy phép có thể khiến nguồn lực tài nguyên không được dịch chuyển đến với người có thể sử dụng nó để mang lại lợi nhuận cao nhất. Không cho phép thế chấp cũng làm giảm khả năng huy động các nguồn tài chính để đầu tư tốt nhất vào nguồn lợi tài nguyên đó.
Thứ ba, liên quan đến cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, Nhà nước luôn tích cực, tiếp tục hiện thực hóa các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết 27. Tuy nhiên, đi kèm với những hoạt động này, câu hỏi về tính thực chất luôn luôn được đặt ra. Ví dụ như tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ bao gồm đề xuất giảm thời gian giải quyết thủ tục ở một số thủ tục hành chính (thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư công trình: giảm thời gian trả kết quả thủ tục hành chính từ 10 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc). Đề xuất này sẽ góp phần tinh giản thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng, đa số những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh” hoặc cải cách có tính đột phá. Nếu xem xét trong hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp và những quy định này gần như thiếu vắng trong các Phương án đề xuất của các Bộ. Bên cạnh đó, trong các Phương án được phê duyệt vẫn tồn tại một số đề xuất mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Kết luận lại, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mang tính thiết thực, phù hợp nhu cầu của nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để Nghị quyết 27 có thể đi vào đời sống, vấn đề cải cách môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh đặc biệt phải được chú trọng./.