Gỡ những “ điểm nghẽn” cho nhà khoa học
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia đã xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng. KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số không thể phát triển đột phá nếu thiếu đội ngũ nhà khoa học.
Nghị quyết 57 cho phép trường hợp nghiên cứu không thành công, nhà khoa học có thể dừng lại mà không phải bồi thường kinh phí. Và họ cần công bố kết quả không thành công để cộng đồng khoa học tránh lặp lại sai lầm, coi đó như bài học kinh nghiệm. Với cơ chế này sẽ giải quyết vấn đề trong nghiên cứu hiện nay là nhà khoa học phải làm đủ mọi cách để đề tài được nghiệm thu theo đúng sản phẩm đăng ký ban đầu. Như vậy, về cơ chế tài chính, sẽ giúp “cởi trói” cho nhà khoa học. Bởi thực tế hiện nay, các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách phải qua quy trình đánh giá, nghiệm thu hàng năm theo từng chuyên đề rất phức tạp. Các thủ tục tài chính, kế toán cũng chiếm nhiều thời gian của nhà khoa học, dẫn đến rất nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu phải cất vào ngăn kéo, không được ứng dụng vào thực tế.
Trong các yếu tố làm nên năng lực khoa học công nghệ của một quốc gia thì các tài năng khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng và khan hiếm nhất. Chính vì thế, việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy các tài năng trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc xây dựng năng lực công nghệ cho đất nước trong giai đoạn mới. Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong rất nhiều lĩnh vực có thế mạnh về xuất khẩu của Việt Nam. Với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cơ chế đa phương, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra trước mắt cũng rất lớn, trước tiên là việc đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Thách thức thứ hai là về tốc độ, thời gian để triển khai Nghị quyết bởi trong bối cảnh thế giới cũng như lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nếu Nghị quyết không được triển khai kịp thời sẽ nhanh chóng lạc hậu.
Đồng thời, Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghị quyết đã chú trọng việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học.
Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên nhiều lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước... Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, quan điểm này còn đặc biệt hơn trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai nhiều dự án lớn quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Nếu không có những nhà khoa học chủ trì, hình thành nên các tập thể khoa học mạnh, chắc chắn những dự án này không thể thành công.
Thực tế, theo TS Nguyễn Quân, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo (chế độ visa, nhà ở, đi lại cho bản thân họ và gia đình…), là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự”.
TS Nguyễn Quân cho rằng cần rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Viên chức... để có các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học. Và một việc cần làm ngay để thực hiện cơ chế quỹ là nên dành một tỷ lệ thích đáng kinh phí ngân sách cho hoạt động R&D (ví dụ 10% hoặc 15% trong số 3% tổng chi ngân sách dành cho khoa học, công nghệ) để phân bổ ngay từ đầu năm tài chính cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương mà không yêu cầu phải có danh mục các nhiệm vụ được phê duyệt trước như cách làm hiện nay. Qua đó giúp nhà khoa học chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu ngay khi có nhiệm vụ nghiên cứu được đề xuất và đặt hàng.
Gắn kết các nhà khoa học trong và ngoài nước
GS.TS Phan Mạnh Hưởng, ĐH Nam Florida Hoa Kỳ bày tỏ, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành thực sự “gỡ khó” cho các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện để thể hiện năng lực của mình trên mặt trận KHCN, không những thế còn tạo cơ hội để các nhà khoa học Việt kiều có cơ hội dễ dàng để hợp tác, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu. Bên cạnh đó các trường ĐH trong nước cần cập nhật các xu hướng đào tạo, nghiên cứu mới để cùng đồng hành đóng góp công sức trí tuệ vì một Việt Nam hùng cường.
GS.TS Phan Mạnh Hưởng cho rằng, muốn phát triển của KHCN, cần phát triển các chương trình STEM gắn kết việc đào tạo và thực tiễn, cần gắn kết mô hình đào tạo với doanh nghiệp và Nhà nước để giúp người học sau khi ra trường có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy, các viện nghiên cứu... theo đúng chuyên ngành họ đam mê theo đuổi. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại vì nói đến giáo dục hiện đại là nói đến ứng dụng, kỹ thuật số chuyển đổi số.
Đồng thời, theo GS Phan Mạnh Hưởng, cần đào tạo đội ngũ các người thầy xuất sắc để chúng ta có thể có được đội ngũ học trò xuất sắc: “Những người thầy xuất sắc là những người được đào tạo, tiếp thu nền công nghệ hiện đại và từ đó họ có thể truyền tải kiến thức thông qua phương tiện công nghệ giáo dục hiện đại. Những người thầy không chỉ có kiến thức mà có vai trò định hướng cho học sinh, sinh viên nắm bắt được năng lực của mình và phát huy tối đa năng lực đó”...
Chúng ta đều biết một chính sách tốt cùng với một khát vọng mục tiêu vươn lên chắc chắn sẽ gặt hái những thành quả ngoài sự mong đợi. Nghị quyết 57/BCT ban hành kịp thời sẽ là “kim chỉ nam”, gỡ bỏ rào cản để cho các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học toàn tâm, toàn ý vào việc tìm ra hướng nghiên cứu mới vừa là nền tảng vừa có nhiều khả năng ứng dụng triển khai và đưa vào thực tiễn để nhanh chóng tạo đà cho sự đổi mới, sự lớn mạnh của nền KHCN đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới.
Đội ngũ khoa học công nghệ tài năng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ của đất nước. Để thu hút họ trở về đóng góp, Việt Nam cần triển khai một chiến lược đồng bộ, tập trung vào việc tạo ra môi trường làm việc thuận lợi và chuyên nghiệp. Đồng thời, cần giảm thiểu các rào cản hành chính và đảm bảo sự tự do sáng tạo trong nghiên cứu để họ có thể phát huy tối đa năng lực.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ xứng đáng với chính sách lương thưởng hấp dẫn, hỗ trợ nhà ở, giáo dục cho con em và các điều kiện sinh hoạt khác cần được đảm bảo để các nhà khoa học yên tâm cống hiến. Các chương trình học bổng và tài trợ nghiên cứu nên được thiết kế linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà khoa học từ nước ngoài. Không nhất thiết các nhà khoa học phải trở về thường trú hoàn toàn, mà có thể tham gia các mô hình hợp tác ngắn hạn hoặc theo hình thức mentor, vừa làm việc ở nước ngoài, vừa tham gia các dự án nghiên cứu tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp kết nối họ với các nhà khoa học trong nước, đồng thời duy trì mạng lưới hợp tác toàn cầu.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQG Hà Nội, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là luồng gió mới soi rọi con đường tiến lên phía trước của dân tộc Việt Nam. Là nhà khoa học, GS.TS Nguyễn Đình Đức nhận thấy Nghị quyết đã thể hiện được khát vọng của dân tộc Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là quyết tâm phát triển đất nước chúng ta phải làm chủ được công nghệ cao..., có cơ chế đầu tư nhanh, xứng tầm. “Nghị quyết đi vào lịch sử là “kim chỉ nam” cho các Bộ, ngành, đặc biệt là định hướng cho các Trường ĐH, Viện Nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu đặc biệt có sức dẫn dắt tạo động lực quyết tâm cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời gian tới”...
Cũng theo các nhà khoa học, chỉ tiêu “100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới” vào năm 2030 mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra là một mục tiêu lớn, đầy khát vọng nhưng hoàn toàn khả thi, nếu chúng ta có những cải thiện đột phá và đồng bộ trong các yếu tố cốt lõi về con người, môi trường và cơ sở hạ tầng... Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những đột phá lớn, khẳng định trí tuệ và vị thế trên bản đồ khoa học thế giới.