Thủ tướng nghe người trực tiếp phục vụ, bảo vệ kể chuyện cảm động về Bác Hồ

Tại cuộc gặp mặt các đồng chí trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ vào sáng 28/8 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe nhiều câu chuyện cảm động về Bác.
Thủ tướng nghe người trực tiếp phục vụ, bảo vệ kể chuyện cảm động về Bác Hồ

Là người đầu tiên phát biểu, ông Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), người trực tiếp bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm chia sẻ câu chuyện của mình.

Ông Trần Viết Hoàn kể có một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe trên báo Hà Nội Mới đưa tin: Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Chú sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy. Đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đi đúc tượng Bác”.

Những ngày tháng 8/1969, trời mưa to, mực nước sông Hồng lên cao, trong lúc Bác đang lâm bệnh, Trung ương mời Bác lên an toàn khu đề phòng đê sông Hồng vỡ sẽ gây lụt lội. Nhưng Bác bảo: “Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân”. Vì vậy, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước để đưa Bác lên an toàn khu nếu Hà Nội bị lụt và đằng sau xe Bác có nhiều xe lội nước khác để cứu dân.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những ngày Bác ốm, những giờ phút cấp cứu cho Bác, những lúc Bác tỉnh lại sau mỗi lần cấp cứu, Bác hỏi han mọi việc và điều đầu tiên Bác hỏi: Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?...

Theo ông Trần Viết Hoàn, suốt 15 năm Bác sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch, không một lần nào, không có một người dân nào kéo về nhà Bác để làm bận lòng Bác. Trong những ngày Bác yếu, tuy việc giữ bí mật rất cao về sức khoẻ của Bác, nhưng xe cộ hằng ngày ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa các bác sĩ vào chữa bệnh cho Bác, đưa các phương tiện y tế vào để chạy chữa cho Bác... nên người dân dự đoán rằng có thể Bác ốm. Vì thế, có nhiều người đến cổng ra vào Phủ Chủ tịch (nơi hằng ngày Bác vẫn thường đi lại), tỏ bày một tâm nguyện: “Nếu đúng là Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác”.

“Rồi những ngày từ ngày 3 đến ngày 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, ai nấy đều nước mắt tuôn trào, buồn rầu, đội mưa thầm lặng, trật tự đi đến lễ đài Ba Đình để viếng Bác”, ông Trần Viết Hoàn xúc động nhớ lại. Tưởng nhớ ngày Bác đi xa, kể những câu chuyện về Bác, ông Trần Viết Hoàn bày tỏ “mong sao góp thêm một chút nhỏ bé của mình với hôm nay, với mai sau để trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ trường tồn cùng dân tộc”.

Tại cuộc gặp mặt, ông Hoàng Phát Hiền, năm nay 93 tuổi, chiến sĩ cảnh vệ phục vụ Bác từ ngày còn ở chiến khu Việt Bắc và được phục vụ cắt tóc cho Bác, đã tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuốn sách những câu chuyện về Bác Hồ. Ông Nguyễn Văn Đoàn, một trong những chiến sĩ cận vệ của Bác, bày tỏ nửa thế kỷ đã qua, “chúng tôi luôn luôn nhớ những gì Bác căn dặn khi chúng tôi còn phục vụ Bác”.

Trong 50 năm qua, ông và một số cán bộ trực tiếp phục vụ Bác tiếp tục công tác, ở lại chăm lo, giữ gìn nơi Bác sống và làm việc, phục vụ giữ gìn lâu dài Khu du tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Ông Trần Viết Hoàn kể lại những kỷ niệm về Bác Hồ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Trần Viết Hoàn kể lại những kỷ niệm về Bác Hồ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khi còn phục vụ Bác, ông Hoàng Phát Hiền vẫn nhớ lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo là “chỉ cho phép các đồng chí làm tốt, không để Bác phiền lòng” và khi chuyển sang làm nhiệm vụ mới, ông lại được nhắc một phương châm: “Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm”.

Những cán bộ của Cụ Hồ khi chuyển sang vị trí công tác mới đã luôn phấn đấu không ngừng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông Hiền tự hào nói.

Bà Lưu Thị Tính, 82 tuổi, một chiến sĩ cảnh vệ phục vụ Bác, cho biết, sinh thời Bác luôn quan tâm đến đời sống của các anh chị em phục vụ, “đám cưới của chúng tôi, Bác còn cho quà”. Hiện nay, bà Tính rất tích cực tham gia công việc tại khu dân phố, câu lạc bộ hưu trí. “Học tập Bác, còn hơi thở, còn làm điều gì có ích cho dân, cho tập thể thì cố gắng làm”, bà nói.

Bày tỏ xúc động về những câu chuyện, kỷ niệm mà các đồng chí trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ kể lại, Thủ tướng nhấn mạnh Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Bác đã đi xa 50 năm nhưng hình ảnh, tấm gương đạo đức, những lời dạy của Người luôn chỉ lối dẫn đường cho mọi cán bộ đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo. “Các bác, các anh, các chị được phục vụ Bác là một vinh dự rất lớn”, Thủ tướng nói, khẳng định các đồng chí phục vụ Bác cũng là những tấm gương điển hình về sự trung thành, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn trân trọng ghi nhớ công lao của các bác, các anh, các chị trong công tác phục vụ, bảo vệ Bác Hồ". Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn trân trọng ghi nhớ công lao của các bác, các anh, các chị trong công tác phục vụ, bảo vệ Bác Hồ". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn trân trọng ghi nhớ công lao của các bác, các anh, các chị trong công tác phục vụ, bảo vệ Bác Hồ”, bày tỏ mong muốn các đồng chí luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, khi về hưu, tiếp tục tích cực đóng góp cho phong trào địa phương, là tấm gương tốt ở khu dân cư.

Nhấn mạnh việc phấn đấu học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Thủ tướng khẳng định chúng ta tiếp tục giữ vững đường lối cách mạng do Đảng, Bác Hồ đã vạch ra, đưa dân tộc tiến lên, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

Đọc thêm