Nghĩa Tá vẫn nồng nàn ngọn lửa Cách mạng...

(PLO) - Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được coi là một trong những cái nôi của Cách mạng với rất nhiều bản được chọn là nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cao cấp, ghi dấu chân của các đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến… Hôm nay, Nghĩa Tá đang vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội, nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Ông Triệu Văn Sinh - gia đình người có công, từng  tham gia phục vụ cách mạng giai đoạn 1942-1945
Ông Triệu Văn Sinh - gia đình người có công, từng tham gia phục vụ cách mạng giai đoạn 1942-1945
Trên địa bàn xã Nghĩa Tá có nhiều địa danh lịch sử, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và 3 di tích lịch sử cấp tỉnh, ghi dấu ấn đậm nét về thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp, như nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh tại thôn Khuổi Linh từ tháng 8-12/1950. Tại đây, đồng chí Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương đã chuẩn bị Luận cương cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản khóa II (2/1951).
Đỉnh Pù Cọ lịch sử
Khu di tích lịch sử quốc gia Pù Cọ nằm trên đỉnh núi thuộc thôn Bản Bằng, là căn cứ quan trọng của Đảng ta trong những năm 1943-1945. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn đã sống và làm việc tại đây. Nơi đây, vào tháng 6/1945 khi từ Cao Bằng về Tân Trào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng dừng chân nghỉ tại nhà ông Triệu Văn Dương, một cơ sở cách mạng tại Bản Bằng. 
Trên đỉnh Pù Cọ còn là nơi diễn ra nhiều cuộc gặp mặt của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến. Đây là hai đoàn quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai để mở “con đường quần chúng cách mạng” nhằm khai thông liên lạc giữa hai căn cứ cách mạng này. “Con đường quần chúng cách mạng” có hai mũi: mũi xuất phát từ Cao Bằng gọi là Nam tiến, mũi xuất phát từ Bắc Sơn - Võ Nhai gọi là Bắc tiến. Đỉnh Pù Cọ là nơi gặp nhau của hai đoàn quân này để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình phát động quần chúng, mở rộng phong trào đến các địa bàn lân cận.
Di tích Khuổi Đăm - địa điểm Báo Sự thật (tiền thân Báo Nhân Dân) đóng từ năm 1947 đến năm 1950
 Di tích Khuổi Đăm - địa điểm Báo Sự thật
(tiền thân Báo Nhân Dân) đóng từ năm 1947 đến năm 1950
In dấu chân Bác Hồ
Ngoài hai di tích lịch sử cấp quốc gia, trên địa bàn xã Nghĩa Tá còn có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là Khu di tích Nà Pay thuộc thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá. Tại đây, vào các ngày 17-19/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác trên đường từ Cao Bằng về Tuyên Quang đã nghỉ tại nhà ông Ma Văn Thắng. Đây là nơi ghi dấu chuyến đi lịch sử của Bác Hồ từ Pắc Bó về Tân Trào, một chuyến đi vô cùng gian khổ, di chuyển bằng cách đi bộ, trèo đèo, lội suối men theo các con đường mòn đầy nguy hiểm, sự rình rập của bọn giặc, của thú dữ và cả thổ phỉ...
Di tích Nà Kiến thuộc thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá là nơi học tập và bế giảng khóa II và III Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn và di tích đồi Khuổi Đăm là địa điểm Báo Sự thật (tiền thân Báo Nhân Dân) đóng trong những năm 1947-1950. Ngoài ra, tại xã Nghĩa Tá còn có 6 địa điểm lịch sử đã được ghi dấu là di tích Nà Chang, nơi đặt khu Giao tế, Nhà khách Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp; di tích đồi Khuổi Đó, nơi ở và làm việc của Cơ quan Vô tuyến điện Thăng Long từ 1948-1950; di tích nền nhà ông Triệu Phú Dương, là cơ sở cách mạng thời kỳ 1943-1945, nơi gặp gỡ của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến; di tích nền lán Bác Hồ nghỉ chân khi đi công tác năm 1945; di tích xưởng sửa chữa vũ khí cho hai đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến và di tích Khuổi Khít, nơi triển lãm biểu dương lực lượng các nước đồng minh năm 1943.
Xứng danh quê hương cách mạng
Nghĩa Tá có 401 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu, 9 thôn, trong đó có 2 thôn đa số là người dân tộc Dao. Bí thư Đảng ủy xã Hứa Tiến Lô chia sẻ: “Những năm trước, cuộc sống của bà con rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi cùng với tinh thần chịu thương chịu khó, cần cù lao động của đồng bào, đời sống của người dân trong thôn đã có nhiều chuyển biến, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, chuyện đói lúc giáp hạt không còn nữa.”
Không khuất phục trước cái đói, cái nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân Nghĩa Tá đã tích cực lao động sản xuất, học hỏi cách làm ăn để phát triển kinh tế. Cách đây 5 năm, Nghĩa Tá còn đến gần 50% hộ nghèo, nay chỉ còn 17,33%. Người dân Nghĩa Tá tích cực bảo vệ rừng, không phá rừng, đốt nương làm rẫy mà khai khẩn đất hoang để trồng rừng, trồng quế, ngô. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào cấy lúa, đưa nhiều giống mới năng suất cao vào trồng, tiến hành thâm canh tăng vụ nên năng suất lúa tăng cao. Bình quân đầu người hiện nay là 520kg lương thực/năm; không những đảm bảo lương thực cho cả gia đình quanh năm mà còn có dư để bán.
Nghĩa Tá giờ không còn những hủ tục, mê tín dị đoan. Bà con chăm lo làm ăn, phát triển sản xuất, không còn hộ sinh con thứ 3. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, không có tệ nạn xã hội. Kinh tế phát triển, chuyện học hành của con em cũng được người dân trong thôn quan tâm, các điểm trường được đầu tư xây dựng. 100% trẻ đến lớp đúng độ tuổi; 85% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 95 hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công trình nhà xí hợp vệ sinh được sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ của Pháp đã có gần 100% các gia đình thực hiện.
Ông Ma Đình Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tá  vui vẻ cho biết: “Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước mà cuộc sống của người dân nơi đây đã khác xưa rất nhiều, không phải lo chạy ăn từng bữa, cái đói không còn, cái nghèo được đẩy lùi. Nhiều gia đình đã sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh...” 
Nói về truyền thống cách mạng tại xã Nghĩa Tá, Bí thư Đảng ủy xã Hứa Tiến Lô cho biết: Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, xã Nghĩa Tá nói riêng và cả huyện Chợ Đồn luôn là nơi được Trung ương Đảng tin tưởng chọn làm địa bàn làm việc và là tuyến giao liên quan trọng giữa các địa phương trong vùng Việt Bắc. Người dân Nghĩa Tá giàu lòng yêu nước, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Bác Hồ và cách mạng, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Ngày nay, người dân Nghĩa Tá vẫn không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo để xứng đáng là quê hương cách mạng./.

Đọc thêm