Từ thực tiễn công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tác hại của “đoàn kết không thật sự” từ căn bệnh “kéo bè kéo cánh”: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất của Đảng, nó làm Đảng bớt mất nhân tài, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí”.
Với một tinh thần nhân văn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phê bình và tự phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, là thiếu tôn trọng đồng chí, là công kích, hạ thấp uy tín, hạ bệ lẫn nhau, là phương tiện để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, mà cốt lõi là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với một tinh thần trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành, xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí.
Theo Người, mục đích của phê bình và tự phê bình không phải là để kỷ luật mà là để giúp cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Người khẳng định: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
Đối với ngành Tư pháp, từ năm 1948, tinh thần “đoàn kết thật sự” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc. Trong thư, Người đã yêu cầu cơ quan tư pháp cần “tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với cơ quan khác, tránh xích mích lẫn nhau, không vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến những quyền lợi to và chung”.
Đến năm 1957, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc, tinh thần “đoàn kết thật sự” lại được nhắc đến khi Người căn dặn đội ngũ công chức tư pháp cần “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’. Người giải thích, muốn “đoàn kết thật sự” thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.
45 năm Bác đã đi xa, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, mỗi cán bộ tư pháp luôn thấm thía, khắc sâu và quyết tâm phấn đấu thực hiện lời di nguyện của Bác về đoàn kết thật sự trên cơ sở của một tinh thần đồng chí trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí, đồng nghiệp. Đó cũng chính là lý lẽ mà Bác đã trăn trở, nghĩ suy để ghi thêm lời dặn dò “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào bản Di chúc của mình năm 1966.
Nhà thơ Tố Hữu, khi nhớ về bản Di chúc đã viết bài “Theo chân Bác” vào tháng 1/1970 để nói về lẽ sống, niềm tin và tình thương yêu Bác dặn dò thế hệ mai sau:
“Bác đi…Di chúc giục lòng ta
Cho cả muôn đời một khúc ca
Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn
Và tình thương, ơn nghĩa bao la”.