Lo thiếu sản phẩm xuất khẩu
Hàng trăm ngàn tấn nông sản tới vụ được nhiều ngành lên phương án tiêu thụ khi cách ngày thu hoạch khoảng 2-3 tháng nhưng tình hình tiêu thụ cũng không cải thiện được bao nhiêu do những khó khăn về thị trường trong thời điểm giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ngay thời điểm hiện nay khi thị trường đã quay trở lại bình thường mới nhưng tiêu thụ nông sản vẫn gặp khó do người dân thắt chặt chi tiêu. Các loại nông sản đã từng là điểm sáng miền Tây rớt giá mạnh như chôm chôm, bưởi da xanh chỉ còn khoảng 50% giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng đã “đứng ngồi không yên” với hàng chục nghìn tấn nông sản tới vụ thu hoạch nhưng không có đầu ra do các thị trường tiêu thụ đều khó khăn. Hàng trăm ngàn tấn nông sản, rau quả, trái cây liên tục được các địa phương đề nghị các doanh nghiệp (DN) phân phối, xuất khẩu (XK) hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian vừa qua.
Các cơ quan chức năng của các bộ, ngành vào cuộc tiêu thụ nông sản bằng nhiều phương án khác nhau, trong đó đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển” khi thu hoạch hàng chục nghìn tấn nhưng tiêu thụ chỉ từ vài chục tấn/ngày.
Tuy nhiên, nghịch lý khá lớn đối với các loại nông sản Việt Nam lại đang diễn ra khi xuất hiện nỗi lo “thiếu nguồn cung” ngay khi nông sản không có đầu ra, hàng chục nghìn tấn nông sản thu hoạch về… để đấy.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã từng lên tiếng lo lắng về việc sẽ thiếu nguồn cung nông sản trong các mùa vụ tiếp theo khi người nông dân “vỡ mùa”, không thể thu hoạch, không thể bán hàng và không còn nguồn vốn để xoay sở cho mùa vụ sau.
Một số DN cũng bày tỏ sự lo lắng khi một số bà con nông dân hoang mang, lo lắng về vấn đề tiêu thụ nông sản trong vụ này, nguy cơ thiệt hại cây trồng rất lớn, nên họ không muốn chăm sóc.
Và như vậy, khi dịch bệnh qua đi sẽ thiếu hụt nguồn hàng rất lớn. Sau đại dịch sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu khi người nông dân không muốn trồng cây. Trong đó, đáng lo ngại nhất là không có đủ nông sản chất lượng cao để XK.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group đã từng chia sẻ, thời điểm hiện nay, nhu cầu nhập hoa quả của nhiều thị trường đang tăng cao, đặc biệt là những thị trường lớn như Mỹ nhưng nguồn hàng mà T&T có để XK không nhiều do thời gian vừa qua, người nông dân không còn tâm trí để giữ gìn chất lượng nông sản sau thu hoạch. Do đó, Công ty đang thiếu nguồn hoa quả chất lượng để xuất đi.
Giám đốc một DN chế biến XK các sản phẩm liên quan đến chanh leo cũng cho rằng, hiện nay, thị trường XK chanh leo đang được mở rộng, sản phẩm chế biến cũng khá đa dạng nhưng thu mua đầu vào gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu hiện nay đang bị hạn chế bởi thời gian dài đối phó với dịch bệnh.
Cần sự gắn kết trong chuỗi sản xuất
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam lại bày tỏ sự lo lắng về thiếu hụt nguồn cung ngay cả cho thị trường trong nước. Bà Hằng cho biết, với hệ thống cửa hàng/siêu thị Nutri Mart tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Công ty đang gặp khó khăn vì chất lượng, tiêu chuẩn của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa đạt, không đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Do đó, phía DN mong muốn liên kết trực tiếp với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP để trực tiếp có thể kiểm soát chất lượng đầu vào. Và với Nutri Mart, việc xét duyệt đầu vào cũng không có gì khó khăn bởi sản phẩm chỉ cần đạt chất lượng và tuân thủ quy định của Nhà nước, có hoá đơn giá trị gia tăng là có thể vào hệ thống siêu thị mà không phải trả bất cứ chi phí nào, kể cả chi phí quầy kệ, thủ tục liên quan.
Nhận định về những khó khăn trong sản xuất hậu COVID-19, lãnh đạo các ngành Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, XK nông sản cho các vùng, khu vực. Đồng thời, chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp.
Trong đó, chú trọng đặc biệt đến công tác xây dựng mã số vùng trồng; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng nông sản phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và XK. Để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ của DN với bà con nông dân và chính quyền địa phương trong gắn kết và hình thành chuỗi sản xuất.
Kết nối nông sản quy mô lớn giữa Hà Nội và 40 tỉnh, thành
Diễn đàn Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố “sẽ được tổ chức trực tuyến vào từ 8 giờ 30 - 11 giờ 30 ngày 23/10; điểm cầu chính tại UBND TP Hà Nội. Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội và UBND 40 tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức sự kiện này.
Diễn đàn nhằm thông tin và hỗ trợ các địa phương, DN, hợp tác xã, người nông dân kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và XK, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân; xúc tiến thương mại nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và kết nối người sản xuất nông, lâm, thủy sản giữa các địa phương và thị trường Hà Nội; Diễn đàn".
Cũng tại diễn đàn này sẽ diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025".
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"