Xây dựng nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn, một chính sách tốt đẹp mang lại sự an sinh cho người lao động và cả sự tái tạo sức lao động, ổn định nguồn nhân lực sản xuất, phát triển kinh tế. Thế nhưng, người lao động – đối tượng ưu tiên số 1 thụ hưởng chính sách này lại vô cùng khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội. Điều này được minh chứng qua các trường hợp cụ thể ở Bắc Ninh, Bình Dương. Người lao động phải trả “chênh lệch” cao hơn giá quy định, phải chờ rất lâu không nhận được nhà vì chậm tiến độ, trong khi vẫn phải nai lưng làm để trả lãi ngân hàng, thậm chí họ phải thuê nhà ở chính những căn nhà lẽ ra là của họ nhưng bị người khác mua rồi cho họ thuê.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội giải quyết đơn của 100 hộ dân ở quận Long Biên khiếu nại về việc lấp hồ tự nhiên 1,2ha để làm nền, xây nhà. Đơn thư của họ đã gửi đến chính quyền quận Long Biên, TP Hà Nội nhưng không được giải quyết và họ phải “kêu” đến Thanh tra Chính phủ. Ngay cả việc lấp hồ này họ cũng không hề được biết và chỉ biết được qua thông tin báo chí.
Tại Bình Định, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao vừa phải thu hồi lại công văn ký chưa ráo mực về việc “truy tìm” người cung cấp thông tin, hình ảnh những xe cơ giới thi công trong khuôn viên tháp cổ nghìn năm. Đó là động thái phi văn hóa trong một cơ quan văn hóa.
Hàng chục ha đất bị giao trái pháp luật cho một người nguyên là cán bộ Tỉnh ủy Đắk Nông mà trầy trật mãi không thể thu hồi được.
Điểm qua một vài sự việc xảy ra ngay trong thời điểm hiện tại này để thấy những cách ứng xử với môi trường, với pháp luật, với chính sách và quan hệ giữa người với người trong xã hội chúng ta để thấy những nghịch lý cứ thản nhiên tồn tại và gây ra những bất ổn trong lòng xã hội. Chẳng lẽ việc tuân thủ pháp luật chỉ người dân phải thực hiện thôi sao. Sự mẫu mực, làm gương và thậm chí cả liêm sỉ nữa ở đâu rồi?
Không nên và không thể để những nghịch lý đó tồn tại và tiếp diễn trong mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh được!