"Bí kíp" cần lưu ý giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ tiếp cận luật mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 15/10, trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại áp dụng hiệu quả luật nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành... các chuyên gia đã "bí kíp"  cần lưu ý giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ dàng áp dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn.  
Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị.

Ts Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên HĐTV chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết Luật Nhà ở 2023, Luật đã bổ sung, làm rõ nhiều hành vi bổ sung làm rõ nhiều hành vi bị cấm, như huy động và sử dụng vốn sai mục đích, sai Luật… Hạn chế các sai phạm, tranh chấp, các yếu tố gây mất an toàn (quán bar, karaoke, PCCC...) trong cả khâu phát triển dự án và vận hành, sử dụng nhà ở.

"Đặc biệt, Luật đã dành 1 chương để quy định về vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành thị trường nhà ở, trong đó bổ sung, làm rõ nhiều nội dung chi tiết hơn và xác định rõ vai trò của các chủ thể liên quan; cũng như giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhiều nội dung quan trọng để thống nhất triển khai trên toàn quốc. Điều này tác động tích cực đến công tác quản lý, chuẩn hóa và xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của thị trường bất động sản, nhà ở", TS. Lực nêu rõ.

Với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật quy định cụ thể hơn về các thông tin dự án bất động sản cần cung cấp gồm: địa điểm công bố thông tin, các thông tin về dự án bất động sản, các thông tin về nhà ở, công trình xây dựng, các thông tin về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản...

Bên cạnh đó, bổ sung, làm rõ một số hành vi bị nghiêm cấm đáng chú ý như: Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch, không công bố thông tin, thu tiền trong bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định của Luật này; Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS không đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản...

Những điểm này, theo TS. Cấn Văn Lực sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch về thông tin dự án bất động sản, giúp người mua có khả năng tiếp cận thêm nhiều thông tin hơn. Đặc biệt, Luật sửa đổi quy định rõ các thông tin phải được cập nhật khi có sự thay đổi sẽ ràng buộc thêm trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng khả năng bảo vệ người mua; Giảm rủi ro tranh chấp; rủi ro cho vay, đầu tư kinh doanh BĐS.

Luật kinh doanh bất động sản 2023 cũng đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng để tránh chồng chéo với các luật có liên quan. Cụ thể như tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện của Luật Đầu tư. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhà ở. Việc cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...v.v.

Ngoài ra, Luật bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản… Luật cũng đã làm rõ các loại BĐS theo công năng và bổ sung “phần diện tích sàn xây dựng” vào các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh (gồm cả condotels, officetels...).

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, những điểm mới tích cực này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo, tăng nhất quán thực thi; từ đó giúp giảm thời gian, chi phí triển khai dự án của doanh nghiệp, tăng nguồn cung để người dân có nhiều lựa chọn với mức giá hợp lý hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc đầu tư, kinh doanh, cho vay các sản phẩm như condotels, officetels... đã có trên thực tế. “Đây là cách quy định “quét” cho các loại hình mới phát sinh sau này”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh đến nhiều nội dung mới liên quan đến Luật Nhà ở Luật Kinh doanh bất động sản, đặc biệt là đối với vấn đề kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản có trách nhiệm sử dụng tiền đã thu từ bên mua, thuê mua để đầu tư xây dựng dự án, nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng đã được bán, cho thuê mua đúng mục đích sử dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Tại phần thảo thuận và đối thoại, đại diện cơ quan soạn thảo cùng các chuyên gia đã tập trung trao đổi, bàn luận sôi nổi, làm rõ và trả lời các băn khoăn của doanh nghiệp liên quan đến: Huy động vốn từ kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản; bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai với trường hợp người mua không có yêu cầu bảo lãnh; cơ sở pháp lý cho việc đầu tư, kinh doanh các sản phẩm condotel, officetel; nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở…; và các vấn đề nổi cộm khác cần tiếp tục được cụ thể hóa đúng và đầy đủ trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành trong thực tiễn và thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các bộ, ngành địa phương; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý đầu ngành; đại diện cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và các cơ quan báo chí.

Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành là sự kiện đầu tiên của chuỗi sự kiện của Dự án truyền thông: Tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Dự án được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên & Môi Trường và Bộ Xây dựng tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại CV số 7058/VPCP-NN.

Dự án này là hoạt động thiết thực để thực hiện Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản...

Đọc thêm