Nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ mới cho cơ quan tư pháp địa phương

(PLO) -  Sau gần bốn năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư liên tịch (TTLT) số 23 cho phù hợp với thực tế.
Trợ giúp pháp lý là một trong những lĩnh vực công tác sẽ có nhiều nhiệm vụ mới giao cho địa phương.Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, TTLT số 23/2014/TTLT-BTP-BVN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan tư pháp trên địa bàn. Tuy nhiên, sau gần bốn năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, thay thế TTLT số 23 cho phù hợp với thực tế.

Chức năng, nhiệm vụ có nhiều thay đổi

Một trong những thay đổi lớn nhất của các quy định pháp luật có liên quan chính là về chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp. Trong thời gian qua, cùng với Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương cũng đã được giao thêm, bổ sung, tăng cường và làm rõ, sâu sắc hơn nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại nhiều văn bản quy phạm như Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017, Luật Phá sản và các Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; số 22/2017/NĐ-CP quy định về hòa giải thương mại. 

Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đã được chuyển giao từ Sở Tư pháp sang Văn phòng UBND cấp tỉnh... Do vậy, cần thiết rà soát, cập nhật, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Tư pháp cấp xã để bảo đảm xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương.

Đáng chú ý, để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao, việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp là rất quan trọng. Tuy nhiên, TTLT số 23 không hướng dẫn, quy định cụ thể về việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp. Trong khi đó, các VBQPPL có liên quan như Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, lại có quy định vấn đề này. Vì thế đã dẫn đến những khó khăn, lúng túng nhất định.

Cập nhật năm lĩnh vực công tác

Đáp ứng các thay đổi trên, Bộ Tư pháp đang xúc tiến xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế TTLT số 23, trong đó bổ sung quy định về con dấu, tài khoản Phòng Tư pháp, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 8 Nghị định số 99/2016 và khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2015. 

Riêng qua tổng hợp các ý kiến góp ý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương, Bộ cho biết, đối với công tác xây dựng VBQPPL, cần nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ mới được giao cho các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 như chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND do UBND cấp tỉnh trình; phối hợp với Văn phòng UBND cấp tỉnh xem xét, kiểm tra việc đề nghị ban hành quyết định báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện trình HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện.

Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo quy định của Nghị định số 92/2017/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh thực hiện tổ chức lại Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh trên cơ sở chuyển giao Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp. Việc này để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Sở Tư pháp chỉ có ý kiến về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL (trong trường hợp được Luật giao).

Hay đối với công tác bồi thường nhà nước thì nghiên cứu, bổ sung các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương trong công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò của các cơ quan tư pháp địa phương với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND các cấp quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Còn về công tác TGPL, cần nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới của các cơ quan tư pháp địa phương trong công tác này theo quy định của Luật TGPL năm 2017.

Đối với công tác bổ trợ tư pháp, sẽ nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao cho các cơ quan tư pháp địa phương trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Cụ thể như quản lý hoạt động thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH13 của Quốc hội; nhiệm vụ về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP...

Đọc thêm