Trợ giúp pháp lý tăng cường quyền tiếp cận công lý của người dân

(PLO) - Nhiều ý kiến tại hội thảo “Công lý và quyền tiếp cận công lý – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Chính sách công và pháp luật (IPL) tổ chức hôm qua (18/4) cho thấy, tư vấn pháp luật (TVPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) có ý nghĩa lớn và ngày càng được đề cao trong việc bảo đảm sự tiếp cận công lý của người dân.
Trợ giúp pháp lý tăng cường quyền tiếp cận công lý của người dân

Nhưng việc thiếu luật sư và trợ giúp viên pháp lý khiến người dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với các dịch vụ pháp lý khi có nhu cầu hoặc phải trả chi phí quá cao cho các dịch vụ mà họ có thể được hưởng miễn phí từ hệ thống TGPL nhà nước. 

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở TGPL nhà nước và phi nhà nước

Phân tích quyền tiếp cận công lý, PGS.TS.Vũ Công Giao (nguyên phụ trách quan hệ đối ngoại của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các nền tảng của tiếp cận công lý gồm: sự bảo vệ pháp lý, khuôn khổ thiết chế; khả năng đòi hỏi và theo đuổi vụ việc của quần chúng. Trong đó, có hai yếu tố cơ bản liên quan đến nền tảng thứ ba tảng của tiếp cận công lý (khả năng đòi hỏi và theo đuổi vụ việc của quần chúng) là sự hiểu biết pháp luật của quần chúng; sự sẵn có và tính hiệu quả của hệ thống trợ giúp và tư vấn pháp lý.

PGS.TS.Vũ Công Giao khẳng định, tư vấn và TGPL có ý nghĩa lớn và ngày càng được đề cao trong việc bảo đảm sự tiếp cận công lý. Hệ thống này có vai trò kép: tư vấn hỗ trợ quần chúng hiểu biết về pháp luật và TGPL cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí (cả tư vấn) giúp người dân trong việc theo đuổi các vụ việc ở hệ thống tư pháp để tìm kiếm sự đền bù/khắc phục khi các quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Thực tế nhiều khi quá trình này rất tốn kém. TGPL miễn phí là trách nhiệm chính của Nhà nước, nhưng các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức luật sư, luật gia cũng cần có trách nhiệm. 

Nhưng theo đánh giá của ông Giao, việc thiếu nguồn nhân lực và tài chính luôn là những trở ngại mang tính phổ biến với hoạt động TGPL – một hoạt động đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và thường xuyên. Trong khi đó, ngoài số giờ thực hiện TGPL miễn phí theo Luật Luật sư, không phải luật sư nào cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Do vậy, luôn thiếu luật sư tư vấn và tranh tụng miễn phí cho các nhóm xã hội này. Ngoài ra, TGPL cho các nhóm yếu thế đòi hỏi luật sư phải có những kiến thức và kỹ năng đặc biệt (như TGPL cho người chưa thành niên, nạn nhân của bạo lực gia đình, bị buôn bán, người khuyết tật…) càng khiến đội ngũ này thêm thiếu hụt.

Bà Tạ Thị Minh Lý (nguyên Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp) cũng nhận thấy, vấn đề “luật sư và trợ giúp viên pháp lý thiếu về số lượng và chưa thực sự giỏi về tay nghề một cách đồng đều, cũng như những cản trở khác về thể chế hoặc thực thi pháp luật” dẫn đến tình trạng chống người bào chữa tại nhiều phiên tòa. Đồng thời hạn chế điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí/ giá rẻ khi người dân có nhu cầu, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Và đôi khi người dân sẽ phải trả chi phí quá cao cho các dịch vụ pháp lý mà họ có thể được hưởng miễn phí từ hệ thống TGPL nhà nước. 

Vì thế, UNDP cho rằng, để tăng cường hệ thống tư vấn và TGPL cho các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần nhiều biện pháp hữu ích như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở TGPL nhà nước và phi nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân. Cũng như bảo đảm tính bền vững của các chương trình TGPL bằng cách mở rộng phạm vi chủ thể cung cấp dịch vụ này tới các tổ chức xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật…

Không hiểu pháp luật sẽ hạn chế quyền tiếp cận công lý

Mặc khác, bà Tạ Thị Minh Lý khẳng định: “Quyền tiếp cận công lý thông qua hỗ trợ pháp lý cho người dân sẽ không thể diễn ra nếu chính người dân không nhận thức và không thấy sự giúp đỡ pháp lý cần thiết để đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ”. Thực tế, nhiều người, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội vẫn còn tâm lý ngại và sợ bị tốn kém khi yêu cầu dịch vụ pháp lý; hoặc từ chối người bào chữa (miễn phí) vì được “tư vấn” về “sự phức tạp khi giải quyết vụ việc nếu để người bào chữa tham gia” (?!)”.

Nên cùng với việc hoàn thiện hệ thống tư vấn và TGPL để giúp người dân tiếp cận công lý, các chuyên gia pháp lý đều thống nhất quan điểm, sự hiểu biết pháp luật của quần chúng có ý nghĩa rất quan trọng đến việc tiếp cận công lý. Nguyên Cục trưởng Cục TGPL của Bộ Tư pháp nêu quan điểm, “để người dân, đặc biệt người nghèo, nhóm yếu thế có điều kiện dễ dàng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì việc thông tin pháp luật nhằm tăng cường nhận thức pháp lý rất quan trọng”. 

Do vậy, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân là hoạt động cần thiết. Nhà nước cần phải có cơ chế để đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời cho nhân dân, theo những cách dễ tiếp cận nhất. Cùng với đó, các tổ chức xã hội cũng có trách nhiệm và có thể có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Trong những biện pháp hữu ích để thúc đẩy sự hiểu biết pháp luật của người dân, mà UNDP khuyến nghị có biện pháp tận dụng công nghệ thông tin để phổ biến giáo dục pháp luật song song với các hình thức truyền thống; và sử dụng mạng lưới xã hội để hỗ trợ người dân tiếp cận với thông tin pháp luật.

Đọc thêm