Nghiên cứu các công bố khoa học của FDA về thuốc lá làm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Công điện 47/CĐ-TTg của của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Y tế có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp liên quan thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế (BYT) có trách nhiệm thực hiện đánh giá khoa học toàn diện, so sánh mức độ độc hại của thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) so với thuốc lá điếu, dựa trên nhiều bằng chứng hiện có, để đưa ra quyết định chính sách.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thẩm định hơn 2 triệu trang hồ sơ khoa học về một sản phẩm TLLN và cho phép công bố là sản phẩm thuốc lá “Điều chỉnh về mức độ nguy cơ”. Theo các chuyên gia, đây là căn cứ quan trọng để BYT có thể xem xét, so sánh bên cạnh công bố từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

4 kết luận chính của FDA về TLLN

Năm 2019, FDA nêu rõ lý do cấp phép cho một loại TLLN chứa nguyên liệu thuốc lá khô (không phải là sản phẩm lai giữa TLLN và TLĐT, không chứa dung dịch) sau khi xem xét hàng loạt bằng chứng khoa học. Theo đó, có 4 lý do chính cho quyết định này.

Thứ nhất, thông qua các chỉ điểm sinh học trên cơ thể người dùng phơi nhiễm với các chất có hại, FDA đánh giá độc tính của loại TLLN được thẩm định là đã giảm đáng kể so với thuốc lá điếu.

Thứ hai, các nghiên cứu lâm sàng ngắn hạn đều chưa phát hiện được bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe hoặc chất lượng của loại TLLN trên.

Thứ ba, các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, ít có tình trạng người dùng sử dụng sản phẩm sai mục đích. FDA đánh giá: Thiết kế của sản phẩm TLLN này khiến người dùng khó có được trải nghiệm trọn vẹn nếu sử dụng sai cách.

Thứ tư, tỷ lệ sử dụng loại TLLN này trong giới trẻ và những người chưa từng hút thuốc là rất thấp, qua khảo sát ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm cao nhất là ở những người đang hút thuốc lá điếu.

Giữa các sản phẩm nicotine, thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất. (Nguồn: GSTHR)

Giữa các sản phẩm nicotine, thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất. (Nguồn: GSTHR)

Mới đây, TS. Matthew Farrelly, Giám đốc Vụ Khoa học, Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá (CTP) của FDA khẳng định: “FDA đều luôn dựa trên các căn cứ khoa học để đưa ra chính sách quản lý. Khi cấp phép cho một sản phẩm thuốc lá mới, dựa quy trình đánh giá nghiêm ngặt, FDA có bằng chứng về lợi ích đối với người trưởng thành hút thuốc khi chuyển sang sử dụng sản phẩm giảm thiểu tác hại này là lớn hơn so với nguy cơ đối với giới trẻ”.

Tuy nhiên, FDA cũng nhấn mạnh, mọi sản phẩm thuốc lá, bao gồm TLLN đều có hại. Thanh thiếu niên và những người chưa từng hút thuốc lá không nên bắt đầu sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.

Trong nước, tại tọa đàm năm 2023, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, cũng khuyến cáo biện pháp giảm tác hại bằng TLLN không thể triệt tiêu hoàn toàn các chất gây hại mà chỉ góp phần giảm thiểu nguy cơ lên sức khỏe người dùng và chỉ dành cho người trưởng thành đã nghiện thuốc lá mà không thể cai.

Mọi căn cứ khoa học cần được xem xét và đánh giá công tâm

Phát biểu trong cuộc thảo luận về TLĐT, TLLN trong tháng 4, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng nếu BYT đưa ra các báo cáo về mức độ độc hại của thuốc lá mới đối với sức khỏe cao hơn nhiều lần thuốc lá điếu thì cần có quy định cấm; nhưng nếu chưa đủ căn cứ về mức độ độc hại này thì giải pháp cấm là chưa khả thi.

Trên thế giới, nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ đã đưa ra nhiều bằng chứng, dữ liệu khoa học về TLM

Đáng chú ý, theo công bố của WHO từ năm 2020, hàm lượng các chất độc hại trong TLLN là thấp hơn so với thuốc lá điếu.

Tại Nhật Bản, kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng (năm 2017) chứng minh, hàm lượng nitrosamine (gây ung thư) và CO (khí độc gốc carbon) trong TLLN bằng 1/5 và 1/100 so với thuốc lá điếu.

Quy định quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Nhật Bản. (Nguồn: Frost & Sullivan)

Quy định quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Nhật Bản. (Nguồn: Frost & Sullivan)

Theo số liệu từ BYT, hiện có khoảng 18 nước cấm TLLN. Báo cáo mới nhất từ WHO cho biết, có ít nhất 175 nước quy định quản lý sản phẩm này. Như vậy, có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ cấm và quản lý trên toàn cầu. Điều này đặt vấn đề, liệu TLLN có thật sự gây hại đến mức phải đề xuất cấm tại Việt Nam?

Để có đánh giá đầy đủ, toàn diện, bên cạnh khuyến nghị từ WHO, BYT có thể thẩm định nhiều nghiên cứu khoa học về TLLN, TLĐT từ các tổ chức khác, như FDA Hoa Kỳ, Bộ Y tế Nhật Bản, các cơ quan y tế châu Âu… để sớm có cơ sở đưa ra phương án quản lý phù hợp.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự như Luật Dược sửa đổi mà BYT đang trình Quốc hội. Theo đó, có thể mở rộng việc công nhận các kết quả nghiên cứu của những quốc gia có nền y tế, khoa học, công nghệ cao.

Điều này sẽ vẫn đảm bảo quy tắc bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giảm đáng kể chi phí nhân lực, vật lực và thời gian cho việc nghiên cứu, giúp Việt Nam sớm có giải pháp phù hợp để quản lý thuốc lá mới, tương tự như các quốc gia phát triển.

Đọc thêm