Nghiên cứu tham gia Công ước Tống đạt

(PLO) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và có trên 80% yêu cầu là tống đạt giấy tờ, song yêu cầu gửi đi không có kết quả chiếm tới 52%. Vì vậy, một giải pháp được tính đến là nghiên cứu tham gia Công ước Tống đạt.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị
Bức xúc vì tống đạt khó khăn
Những năm gần đây, số lượng hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp (UTTP) mà Việt Nam đã tiếp nhận của nước ngoài và đề nghị nước ngoài hỗ trợ tăng mạnh. Nếu giai đoạn từ năm 2008-2011 trung bình mỗi năm Việt Nam gửi đi khoảng 2.000 yêu cầu UTTP thì đến năm 2012-2013, con số này đã lên đến gần 5.000 yêu cầu, năm 2014 (chỉ tính đến tháng 9) đã có 3.360 yêu cầu và số yêu cầu tống đạt giấy tờ, tài liệu chiếm hơn 80%. 
Các yêu cầu UTTP giữa Việt Nam và nước ngoài được thực hiện trước tiên trên cơ sở các điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên. Trường hợp không có điều ước quốc tế, các yêu cầu UTTP được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại và phụ thuộc vào sự thiện chí hợp tác của phía nước ngoài đối với Việt Nam. 
Trong khi đó, số liệu thực hiện UTTP năm 2014 cũng cho thấy, 85% yêu cầu UTTP gửi ra nước ngoài chủ yếu đến những nước chưa có Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam, tỷ lệ không có kết quả lên đến 52% và nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường rất dài, có khi đến hàng năm. 
Trước thực trạng trên, hôm qua (10/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo quốc tế về tham gia và thực thi Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại nhằm đánh giá khả năng gia nhập Công ước đa phương quan trọng nhất trong lĩnh vực tống đạt giấy tờ với gần 70 thành viên. 
Tại Hội thảo, Thứ trưởng  Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, việc tống đạt đang gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không có kết quả, kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu tố tụng, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. 
“Việc tống đạt các giấy tờ, tài liệu là yêu cầu bắt buộc của pháp luật tố tụng Việt Nam để quyết định chính xác vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên” – Thứ trưởng nhấn mạnh và cho rằng việc nghiên cứu gia nhập Công ước là một giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay.
Gia nhập Công ước là cách thức hiệu quả
Theo bà Phạm Hồ Hương (Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp), mặc dù các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã tích cực trao đổi, đề xuất đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp song phương với các nước mà Việt Nam có nhu cầu cao về UTTP trong lĩnh vực dân sự như Hoa Kỳ, Đức, Cannada, Nhật Bản… nhưng phía nước ngoài không sẵn sàng đàm phán vì hầu hết các nước này đã tham gia các thiết chế đa phương có liên quan, cụ thể là Công ước Tống đạt. 
“Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng chung của thế giới là tham gia thiết chế đa phương về tương trợ tư pháp quốc tế để tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp. Đặc biệt, thực tiễn thực hiện tống đạt giấy tờ theo quy định của Công ước đạt kết quả rất cao với thời gian ngắn. Các yêu cầu tống đạt giấy tờ đạt kết quả trên 90%, trong đó hơn 70% yêu cầu được thực hiện chỉ trong vòng 2 tháng” - bà Hương thông tin. 
Đồng tình với nhận xét của bà Hương, ông Lê Mạnh Hùng (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, các TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết khoảng 3.500 – 4.000 vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và phải UTTP ra nước ngoài cho đương sự, chủ yếu gửi tới các nước chưa ký hiệp định với Việt Nam như Hoa Kỳ, Australia. Bởi thế, ông Hùng tán thành sự cần thiết gia nhập Công ước và trong bối cảnh Luật Tổ chức TAND mới, Tòa án sẽ có điều kiện thuận lợi hơn về nguồn nhân lực triển khai thực hiện. 
Đến từ Cục Đối ngoại, Bộ Công an, ông Nguyễn Hoa Chi cho rằng, nếu qua thực tiễn thực hiện Công ước Tống đạt có được kết quả cao thì việc tham gia là quá lý tưởng vì việc chuyển hồ sơ tương trợ tư pháp vốn rất mất thời gian. 
Tuy nhiên, theo ông Chi, tham gia bất cứ Công ước nào cũng đều phát sinh các quyền hạn, nghĩa vụ nên cần phải nghĩ ngay đến việc bố trí con người, cơ chế phối hợp để bảo đảm phục vụ được người dân khi phê chuẩn Công ước, đồng thời có thể đàm phán thực hiện tương trợ tư pháp điện tử bằng “con đường” Interpol trong trường hợp khẩn cấp. 

Đọc thêm