Việt Nam là mô hình tốt về giảm người không quốc tịch

(PLO) - Với quy định tiến bộ của Luật Quốc tịch năm 2008, Việt Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng người không quốc tịch cho những người đáp ứng đủ điều kiện và trở thành mô hình tốt trong khu vực để các nước tham khảo. 
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc
4 nhóm người không đủ điều kiện nhập tịch
Tổng hợp kết quả rà soát, phân loại từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc của Bộ Tư pháp cho thấy, cả nước có 4.741 người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ từ 20 năm trở lên và một số lượng lớn người không quốc tịch có thời gian cư trú dưới 20 năm tính đến ngày 1/7/2009, chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 của Luật năm 2008. 
Chỉ trong vòng 3 năm, việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch đã cơ bản hoàn tất với tổng số 4.727 người được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đặc biệt, Cao ủy Liên Hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã đánh giá Việt Nam là quốc gia giải quyết tốt nhất vấn đề người không quốc tịch so với các nước trong khu vực và châu Á, là mô hình tốt về hạn chế tình trạng không quốc tịch để các nước tham khảo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam dưới 20 năm không đáp ứng được điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam do không đủ các giấy tờ mà Luật năm 2008 quy định. 
Số người này được phân thành 4 nhóm là những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam, những người di cư tự do từ Lào sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây, những người di cư tự do từ Trung Quốc sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc và những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống. 
Tại cuộc hội thảo diễn ra hôm qua – 8/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu bước đầu nội dung Công ước 1954. 
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các đại biểu tham dự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm có bức tranh đúng về tình hình người không quốc tịch tại Việt Nam và đưa ra những thuận lợi, khó khăn, lộ trình thời gian, những công việc cần làm cho tới khi gia nhập Công ước.
Cần quyết liệt và cụ thể hơn nữa
Thay mặt đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1954, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Toàn cho biết, tham gia Công ước này là cần thiết và quan trọng vì đây là thiết chế đa phương đóng vai trò thúc đẩy tất cả các nước hành động theo hướng làm giảm và có thể loại trừ tình trạng không quốc tịch. 
Để giải quyết tốt tình hình tồn đọng, Bộ Tư pháp cho rằng, đối với những người ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào, có thể được giải quyết theo “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”. 
Còn với những trường hợp khác, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và UBND cấp tỉnh rà soát, phân loại, có giải pháp phù hợp để quản lý, tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống trên đất nước ta. 
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và cụ thể hơn nữa đối với các Bộ, ngành chức năng trong giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Ngoại giao, Quốc phòng chủ động, kịp thời có biện pháp, lộ trình và bước đi phù hợp nếu Trung Quốc và Campuchia yêu cầu ta ký thỏa thuận tương tự Việt Nam đã ký với Lào. 
Đến từ Sở Tư pháp Kon Tum, Phó Giám đốc Trần Minh Thắng cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan trung ương sớm hoàn tất các thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước 1954. Bên cạnh đó, ông Thắng đề xuất nghiên cứu, đơn giản hóa điều kiện, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, kết hôn cho người di cư tự do tại những địa bàn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Lào.

Đọc thêm