Đề án này được nghiên cứu, xây dựng nhằm thực hiện Thông báo kết luận số 51-TB/TW (ngày 14/9/2011), Thông báo kết luận số 91-TB/TW (ngày 4/5/2012) và chủ trương tổng kết 08 năm việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết quả thi hành án ngày càng được nâng cao
Đó là đánh giá chung của BCĐ CCTP TƯ trên cơ sở lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng Đề án “về thực hiện việc quản lý công tác THA”. Theo đó, thực tiễn THA từ năm 1993 đến nay, nhất là từ khi Luật THADS năm 2008, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010, Luật Tố tụng Hành chính năm 2010 có hiệu lực thi hành, hoạt động THA đã có nhiều tiến bộ, kết quả THA ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, khắc phục được nhiều hạn chế.
Phó Trưởng BCĐ Lê Thị Thu Ba cho biết, công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả, khắc phục được nhiều hạn chế, vướng mắc trước đây, nhất là từ khi Luật Thi hành án dân sự (THADS) có hiệu lực thi hành. Hoạt động THA ngày càng đi vào nền nếp, số lượng vụ việc được thi hành ngày càng tăng, lượng án tồn đọng giảm nhiều; hiệu quả THADS được nâng lên.
Cơ chế phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương được xác định rõ hơn. Quy chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp với TANDTC, VKSNDTC và Bộ Công an được ban hành đã tạo tạo điều kiện cho việc giải quyết kịp thời các vướng mắc. Qui trình, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được qui định chặt chẽ, đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Công tác thi hành án hình sự (THAHS) cũng đã có những bước tiến đáng kể, chính sách THA đã có sự thay đổi theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án. Các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành nghiêm minh hơn. Công tác giáo dục, cải tạo, cảm hóa người chấp hành án và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm, thể hiện đầy đủ hơn chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta...
Đổi mới để hoàn thiện mô hình thi hành án
Trong các nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong công tác THA hiện nay, Thường trực BCĐ CCTP cho rằng, trước hết là do nhận thức của một số cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là trong các cơ quan tư pháp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác THA chưa đầy đủ, còn khác nhau, còn hiện tượng coi nhẹ hoạt động THA.
Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật THA không nghiêm, những trường hợp chống đối nhưng ít bị xử lý đã tăng tính chây ỳ trong việc chấp hành án, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật; pháp luật về THA còn chưa đồng bộ, lại đang trong quá trình hoàn thiện đã dẫn đến khó khăn cho cơ quan THA; các vụ án hình sự, dân sự, hành chính ngày càng phức tạp về tính chất và tăng nhanh về số lượng, gây quá tải cho các cơ quan THA, nhất là ở các thành phố lớn và các trại giam của công an.
Đồng thời, với tình hình và nhiệm vụ có một số thay đổi, BCĐ thấy cần nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, đổi mới tổ chức, quản lý công tác THA theo hướng khi có điều kiện thích hợp sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA” (như đã được đề ra trong Nghị quyết số 49).
Trong thời gian đó, tiếp tục duy trì hệ thống tổ chức, quản lý THA như mô hình hiện nay, đồng thời cho phép thực hiện đổi mới một số điểm trong tổ chức và hoạt động THA, khắc phục những vướng mắc, bất cập và cụ thể hóa một số nhiệm vụ mới để mô hình THA hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động THA, CCTP, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.
Cùng ngày, BCĐ CCTP TƯ đã thảo luận về Đề án “Tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối” do Ban Cán sự Bộ Công an trình.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang – Trưởng BCĐ CCTP TƯ: “Trong điều kiện hiện nay, với nhiều vấn đề phát sinh chưa thể giải quyết nên có thể tạm dừng việc thực hiện chủ trương chuyển giao công tác THAHS sang Bộ Tư pháp, chờ đến thời điểm thích hợp sẽ tiếp tục. Đối với những vấn đề về vai trò của TAND trong việc thi hành các bản án quyết định do mình ban hành sẽ là định hướng, thể hiện khi sửa đổi các luật THA trong thời gian tới; đồng thời cần tính toán kỹ nội dung phối hợp của chính quyền địa phương với các cơ quan THA trong công tác THA chứ địa phương không thể đứng ngoài; đảm bảo tính độc lập của hoạt động THA và hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát trong công tác THA…”.