Xin đi nhờ lại còn sàm sỡ
Hồ sơ vụ án cho thấy, Nguyễn Trọng Khương sinh năm 1988, ở xã Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long từng là học sinh trường trung cấp Quân y II tại TP HCM. Năm 2012, gã tốt nghiệp ra trường. Nhiều lần đi xin nhưng không nơi nào nhận gã vào làm việc. Thay vì tiếp tục cố gắng theo đuổi sự nghiệp thì hắn lại cùn chí và đâm ra chán nản, tối ngày chỉ biết lấy rượu để giải sầu .
Trưa 15/7/2012, Khương lại bù khú tụ tập với mấy người trong xóm uống rượu. Cuộc nhậu kéo dài nhiều giờ đồng hồ mới kết thúc. Khoảng 16h cùng này, trong trạng thái say xỉn, gã gật gù bước ra đường đón xe đi xuống chợ Vũng Liêm chơi.
Trong khi mắt nhắm mắt mở không còn biết đâu là ruộng, đâu là đường thì hắn như gặp được “cứu tinh” là chị Nguyễn Hồng Oanh (vợ của người chú họ, Khương gọi bằng thím) chạy xe máy ngang qua nên chặn đầu xe lại và xin quá giang.
Do thấy gã cháu họ quá say nên chị Oanh thẳng thừng từ chối, nhưng gã “Chí Phèo” vẫn nhất quyết leo lên xe và bắt chị phải chở đi.
Trên đường đi thì đứa cháu họ đã giở thói sàm sỡ khắp cơ thể người thím. Quá bức xúc nên khi đi qua ngõ nhà mình thì chị Oanh đuổi Khương xuống. Lẽ ra hắn phải biết xấu hổ, nhưng thói côn đồ trong gã nổi lên. Gã đe dọa, túm lấy cổ áo người thím dọa sẽ bóp cổ nếu không chở hắn đi tiếp.
Vừa nói, hắn vừa đưa tay lên cổ bóp chị Oanh khiến cho cả người lẫn xe ngã nhào xuống đường. Thấy tiếng vợ kêu cứu, anh Trần Trung Chánh chạy ra đỡ chị Oanh dậy đi vào nhà và trách móc vợ: “Thấy nó say rồi thì cho nó quá giang làm gì”.
Về phần Khương, anh ta đón xe của người quen trở về nhà. Khi biết Khương bị chảy máu đầu, anh và mẹ của Khương hỏi, Khương nói bị anh Chánh đánh. Nghe vậy anh và mẹ của Khương đã sang nhà anh Chánh để hỏi cho rõ sự tình. Trong lúc mọi người đang nói chuyện thì Khương lén lấy một khúc gỗ rồi vòng ra phía sau lưng anh Chánh, bất ngờ giáng mạnh một phát từ trên xuống khiến ông chú họ lăn quay ra nền nhà.
Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên nạn nhân may mắn thoát chết nhưng để lại di chứng nặng nề: Vỡ sọ, dập não, tỷ lệ thương tật đến 45%.
Tăng án cho kẻ bất nhân
Với hành vi phạm tội của mình, Nguyễn Trọng Khương đã bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 16 năm tù về tội giết người, thay vì 18 đến 20 năm tù như Viện Kiểm sát tỉnh đề nghị. Đó là bản án quá nhẹ, nhưng gã cháu bất nhân vẫn cho là quá nặng nên hắn đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngược lại, phía gia đình nạn nhân lại thấy quá bức xúc vì không thù oán gì mà hắn lại đánh người, để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình mình nên họ đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với hắn. Ngoài ra, gia đình nạn nhân còn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai người anh của bị cáo vì những người này có tham gia vào cuộc ẩu đả ngày hôm đó.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Khương cúi đầu thừa nhận mọi tội lỗi. Tuy nhiên, gã biện minh cho hành động giết người của mình là do uống quá chén nên không làm chủ được bản thân, chứ trong thâm tâm không hề có ý định đánh chú mình.
Xét thấy hành vi của bị cáo Khương là rất nghiêm trọng nên HĐXX đã không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, mà chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại, tăng hình phạt với Nguyễn Trọng Khương lên 18 năm tù, thay vì 16 năm tù ở cấp sơ thẩm.
HĐXX cho rằng: Tính chất của vụ án là rất nghiêm trọng. Bị cáo là thanh niên nhưng không chịu rèn luyện sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, bị cáo sống buông thả, ăn nhậu say sưa dẫn đến bất chấp các chuẩn mực, đạo đức xã hội. Hành động phạm tội của bị cáo mang tính lưu manh, côn đồ hung hãn.
Gánh nặng gia đình
Ngồi thẫn thờ dưới hàng ghế dành cho người bị hại, chị Oanh nước mắt sụt sùi: “Trước đây, anh Chánh mở một xưởng mộc nhỏ, còn chị ở nhà chăm cho ba đứa con ăn học. Cả gia đình 5 miệng ăn nhìn vào đồng tiền công ít ỏi của ảnh. Tuy còn nhiều vất vả nhưng gia đình vẫn cảm thấy hạnh phúc. Cuộc sống yên bình tưởng cứ thế trôi qua thì tai họa bỗng dưng ập xuống gia đình vì cái thằng cháu ác ôn đó…”.
Nạn nhân trở thành người tàn phế bởi đứa cháu họ đồi bại. |
Ngày anh Chánh vào viện, hai bên nội ngoại thương tình cho chị vay hơn 100 triệu đồng lo viện phí, nhưng chỉ được một tuần thì số tiền này hết sạch. Không đành lòng nhìn cảnh chồng đau đớn quằn quại trên giường bệnh với cái đầu móp méo, người vợ đã vơ vét, cố chạy vạy khắp nơi vay lãi suất cao được gần 300 triệu để “còn nước còn tát”, mong sao chồng hồi phục để gia đình lại được như xưa.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau ca mổ, chị được bác sỹ thông báo anh Chánh bị di chứng tâm thần không thể chữa khỏi được.
Không còn trụ cột trong nhà, chị Oanh đành bắt đứa con gái đang học lớp 10 bỏ học đi giúp việc cho người ta. Còn đứa con trai út mới lên 9 cũng phải ngày ngày theo chị lang thang bán vé số kiếm tiền nuôi cha tâm thần.
Bản án tuyên buộc bị cáo Khương phải bồi thường cho gia đình chị 248 triệu đồng tiền thuốc men trong suốt gần 2 tháng mà anh Chánh nằm viện và mỗi tháng phải bồi thường mất thu nhập của anh Chánh là 4,5 triệu đồng cho tới lúc anh Chánh qua đời.
Tuy nhiên, do Khương không có việc làm, lại không có tài sản riêng nên gia đình Khương chỉ gom góp đươc vài chục triệu đưa cho chị. Với số tiền ít ỏi đó chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà người vợ nạn nhân đã phải vay mượn chạy chữa cho chồng. Nhiều chủ nợ đã tới thúc ép, nhưng vì không biết tìm đâu ra tiền để trả nợ nên nhiều hôm chị đành đưa chồng con trốn đi nơi khác ở ít ngày để “lánh nạn”.
“Khi mình gặp hoạn nạn người ta cho mình vay là quá tốt rồi. Mình biết ơn người ta nhiều lắm. Mình cũng muốn trả cho người ta để lương tâm đỡ cắn rứt, nhưng giờ ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra mà trả cho họ chứ. Mình có muốn phải lánh mặt họ đâu, nhưng tất cả cũng chỉ do thằng cháu ác nhân gây nên cả...”, chị Oanh ngậm ngùi chia sẻ trước lúc rời sân tòa.