Kho hàng lậu “trú ẩn” khắp nơi
Vừa qua, tại TP HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện hai kho hàng lậu với số lượng khổng lồ gồm mỹ phẩm và thuốc tây. Cụ thể, ngày 24/9/2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp Cục Ngoại tuyến - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM tiến hành kiểm tra một điểm chứa hàng của cá nhân tại phường 15, quận 10 và phát hiện 119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người. Số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây, Đội QLTT số 2 phối hợp Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Nghiệp vụ QLTT - Tổng cục QLTT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của một cá nhân tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, phát hiện 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi. Hai lô hàng nói trên có tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng và đã được cơ quan chức năng thiêu hủy.
Một mặt hàng cũng đang “nóng” thời gian này với nhiều vụ phát hiện liên tiếp là điện thoại di động. Chỉ trong tháng 10 đã có 2 vụ buôn lậu điện thoại được phát hiện, trong đó có 1 vụ buôn lậu 700 chiếc điện thoại đã qua sử dụng và một lô hàng 42 chiếc iPhone 14 còn mới, không có hóa đơn chứng từ xuất xứ.
Thời gian qua, tại các địa phương trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít kho hàng lậu với giá trị từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng. Theo lực lượng phòng chống buôn lậu, thời điểm này, loại hàng nhập lậu phổ biến nhất là mỹ phẩm, thuốc lá, đường, điện thoại và đồ điện gia dụng. Các tuyến xuất hiện nhiều tình trạng nhập lậu hàng hóa là các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang...
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Một mặt hàng cũng thường bị nhập lậu, làm giả, đặc biệt thời điểm gần Tết là các loại quần áo, bánh kẹo được sản xuất từ nước ngoài. Những năm qua, cứ dịp cuối năm, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở sản xuất hàng giả đóng nhãn mác bánh kẹo nhập, những kho hàng nhập lậu với số lượng khổng lồ. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn rất nhiều lô hàng chưa được phát hiện đã kịp thời phát tán trên thị trường và đến tay người tiêu dùng.
Cũng cần phải nói đến một nguyên nhân khiến hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan, khó dẹp bỏ là tâm lý và thói quen của người tiêu dùng Việt. Hàng giả, hàng trôi nổi, thường được người bán dán mác “xách tay” vừa trốn đóng thuế, vừa không phải qua khâu kiểm định chất lượng, lại nhận lợi ích thương hiệu từ truyền thông quảng cáo chính hãng, vì thế giá của các loại hàng này thường rẻ hơn hàng chính hãng khá nhiều. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tiêu dùng chọn lựa mua hàng “xách tay” thay vì chính hãng.
Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử cũng khiến người dùng “lười” mua sắm chính hãng hơn khi có quá nhiều lựa chọn, do đó cũng dễ dàng “sa” vào các sản phẩm nhập lậu, làm giả vì tin tưởng lời quảng cáo của người bán.
Mua bán, sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, người dùng không chỉ thiệt hại tiền bạc khi mua phải hàng gian, hàng giả, chất lượng kém mà còn gặp nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt với các mặt hàng trực tiếp sử dụng vào cơ thể như thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
Không chỉ thế, việc lựa chọn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ gây thất thu cho nguồn ngân sách của Nhà nước, gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất chính hãng, đem lại lợi ích bất chính cho những người kinh doanh trái pháp luật và gián tiếp tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử phạt đối với các vi phạm về hàng lậu, hàng giả, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người tiêu dùng cũng cần được chú trọng để công tác chống hàng lậu, hàng giả được triển khai đồng bộ và hiệu quả.