“Nghìn năm văn hiến qua khe hở của chiến tranh”


Bức tranh lớn “Hà Nội chiến luỹ và hoa” của hoạ sĩ Doãn Sơn có kích thước 2,25X9,6m, bày kín một bức tường triển lãm “Dấu ấn Hà Nội” vừa khai mạc tại Bảo tàng mỹ thuật VN. 3 năm âm thầm thực hiện, Doãn Sơn coi đây là tình yêu lớn dâng lên Hà Nội vàng son và anh hùng. PLVN Online đã trò chuyện với anh.


Bức tranh lớn “Hà Nội chiến luỹ và hoa” của hoạ sĩ Doãn Sơn có kích thước 2,25X9,6m, bày kín một bức tường triển lãm “Dấu ấn Hà Nội” vừa khai mạc tại Bảo tàng mỹ thuật VN. 3 năm âm thầm thực hiện, Doãn Sơn coi đây là tình yêu lớn dâng lên Hà Nội vàng son và anh hùng. PLVN Online đã trò chuyện với anh.
Họa sỹ Doãn Sơn bên tác phẩm của mình
Họa sỹ Doãn Sơn bên tác phẩm của mình


Lý do nào khiến anh bắt tay vào vẽ bức tranh lớn một cách “vô tư” như thế?

Ý tưởng vẽ tranh đến tình cờ. Ban đầu tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Hội mỹ thuật Hà Nội muốn có một bức tranh 3mX2m, với đề tài hướng về kháng chiến trong lòng Hà Nội năm 1946. Trong thời điểm đó lại có sự phát lộ Hoàng thành Thăng Long với nhiều hiện vật được tìm thấy. Tôi đọc “Luỹ hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có đoạn bắn nhau trong Bắc bộ phủ. Từ những nguồn ấy, tôi thấy nảy ra một khe hở mà qua lắt cắt của nó, qua đống đổ nát của chiến tranh, tôi  mình nhìn thấy 1.000 năm Hà Nội.
Vì vậy mà các hiện vật tôi vẽ không có gì nguyên lành. Nhưng đó là sự tái hiện của tinh hoa văn hoá. Nên nói “chiến luỹ và hoa” thì “hoa” ở đây là hoa tươi, là người đẹp làng hoa và cả tinh hoa Hà Nội.

 Cùng với những thúc đẩy đó, ở đây có chút gì mang cảm hứng về hiện đại không?

Tôi sinh ra hoàn toàn không thấy bom đạn, mà chỉ qua người khác kể, qua sách vở, tư liệu. Dấu ấn đương đại ở đây chính là con mắt nhìn của tôi – người của ngày hôm nay trước lịch sử. Điều mà tôi có thể quyết định được là có thể đưa cái tôi muốn vào không gian nghệ thuật, theo ý tưởng của tôi. Nên ý nghĩa đương đại ở đây không phải là thủ pháp mới, vì tác phẩm thể hiện theo hướng tả thực thôi, mà là cách nhìn, cách thể hiện của tôi.

 Anh sắp xếp thời gian vẽ tranh thế nào?

Theo một lịch trình quen thuộc. 6 giờ sáng tôi dậy, ăn uống, đưa con đi học. 7 giờ ngồi pha trà ngẫm nghĩ và lên vẽ. Vẽ cật lực đến 12 giờ là lúc không thể vẽ được nữa. Chiều thì tôi làm việc khác. Đêm vẫn thường làm việc. Nửa đêm thì trong những suy nghĩ của mình có thể nảy ra ý gì đó và hôm sau lại tiếp tục. Có những lần tôi đưa ra để mọi người góp ý và cũng đã nhận những lời “chê” để điều chỉnh cho tốt hơn.

 Cứ như thế trong 3 năm ròng?
Chiến lũy và hoa
Chiến lũy và hoa

Tất nhiên trình tự ấy không phải luôn đều đặn. Có khi cả ngày chỉ vẽ được một chi tiết, nhưng để có được nó thì tôi phải tập hợp, chọn lựa từ nhiều mẫu khác nhau. Như cô gái làng hoa chẳng hạn, lúc đầu tôi chọn một cô hơi sang trọng, nhưng vẽ xong thấy không ổn, rồi một cô trẻ trung da trắng, cũng không ổn. Có lúc tôi thử đưa vào vẻ đẹp như một minh tinh màn bạc, xong lại không ổn nốt. Cuối cùng trong một lần xem tranh vẽ của một danh hoạ Pháp về người VN, thấy người ta vẽ mộc mạc, tôi cảm thấy cũng nên giản dị thôi. Sau đó tôi đã chọn được một khuôn mặt trái đà, một cô gái bình thường, không cầu kỳ. Và đó là kết quả cuối cùng. Rồi anh vệ quốc quân đứng bên cô nữa, nét mặt, dáng vóc của anh ấy lại là sự tham khảo từ ba người khác nhau.

Hay như hình ảnh bà cụ quét ở cổng trong đêm, tôi cũng đã nghĩ, đã tìm khá lâu. Rồi một hôm chợt gặp ở một bà cụ trong Hà Đông có những nét mà tôi cảm thấy mình đang tìm. Tôi bèn chụp lại ngay và dựa vào đó để thể hiện.

 Tự thân vận động, miệt mài, lặng lẽ và không ồn ào. Anh có điểm tựa nào cho quá trình này?

Đấy là một điều kỳ diệu và có lẽ tôi được phù hộ để thực hiện bức tranh. Có gì đó rất may mắn. Tôi cho rằng những người anh hùng của tôi biết tôi làm việc này, họ vẫn sống và phù hộ cho tôi gặp may mắn, có đủ sức lực để thực hiện công việc.
Hướng về Hà Nội, tôi nghĩ cơ hội và nguyện vọng công bằng với tất cả mọi người, từ anh nghệ sĩ, anh kỹ sư, chị lao công, người buôn bán… Nhiều người đều muốn và đều có thể làm một điều gì đó cho Hà Nội.

 Bây giờ khi việc đã xong, anh có mong muốn được hỗ trợ gì chăng, hay có kế hoạch nào cho bức tranh sau khi triển lãm?

Tôi đưa tranh đến tham gia triển lãm như một sự kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Còn sau đó việc đến đâu thì tôi thực hiện đến đó. Để có một hỗ trợ nào đó thì ngoài khả năng của tôi. Tôi hy vọng sẽ có một đơn vị đủ không gian để dựng bức tranh này. Còn không, tôi sẽ đưa nó về xưởng vẽ của tôi ở làng Bát Tràng, ở đó tôi coi như một trung tâm giáo dục nghề truyền thống và dạy vẽ cho các em, nơi tôi đưa các em đến ngưỡng cửa hội hoạ và bản thân tôi cũng tích luỹ được rất nhiều.

Xin cảm ơn anh!

Hoàng Hoa  (thực hiện)