Gia tăng số trường hợp nhập viện do ngộ độc thức ăn
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 263 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Gần đây nhất là vụ 6 người ở Hà Giang bị ngộ độc, 1 trẻ tử vong vì ăn bánh trôi ngô.
Do đó Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh.
Biểu hiện của ngộ độc thức ăn
Sau ăn khoảng vài giờ, thậm chí vài phút, các biểu hiện bất thường sẽ xuất hiện nhanh chóng và đột ngột như:
Đau bụng quặn thành cơn, đầy chướng bụng;
Đại tiện phân lỏng từ vài lần đến vài chục lần, phân hoa cà hoa cải, hoặc tóe nước, hoặc lẫn nhày máu, mót rặn, sau mỗi cơn đau bụng, người bệnh lại buồn đi ngoài;
Người bệnh có thể nôn vài lần ra thức ăn, hoặc chỉ nôn ra dịch dạ dày;
Có thể sốt từ nhẹ đến sốt cao, sốt nóng, sốt rét run... có thể là biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, nhiễm khuẩn máu;
Đau đầu, chóng mặt, người nôn nao;
Khát nước, mắt trũng, da khô, đái ít... đây là các biểu hiện mất nước từ nhẹ đến nặng;
Tụt huyết áp, mạch nhanh là các biểu hiện nặng của bệnh do tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc nặng...
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như trên, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:
Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn ra những thức ăn đang ở trong dạ dày đi ra ngoài. Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh. Đối với vấn đề “ngộ độc thực phẩm uống gì” thì có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.
Đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc với sức khỏe của người bệnh.
Giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả thông tin về nhãn mác, thậm chí là bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.