“Ngó lơ” lưu chiểu, nhiều sách... phạm quy !

(PLO) - Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Tất cả xuất bản phẩm phải nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành. Sau 10 ngày nộp lưu chiểu, nếu cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản không có ý kiến gì thì cuốn sách mới được phát hành”. Thế nhưng, hiện nay có rất nhiều cuốn sách chưa nộp lưu chiểu mà vẫn ngang nhiên phát hành.
“Ngó lơ” lưu chiểu, nhiều sách... phạm quy !

Những cuốn sách không “thèm” lưu chiểu

Còn nhớ, loạt sách dạy vẽ tranh manga của NXB Hồng Đức có nội dung bạo lực, khiêu gợi, phản cảm (trong đó, trang 107 cuốn “Tổng hợp màu sắc” trong Manga dạy vẽ cảnh học sinh giết cô giáo) chưa hề nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, Phát hành, In ấn.

Gây “bão” dư luận là cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” với những hình ảnh minh họa các vị tướng Việt Nam như trong game Tam Quốc hay truyện tranh Nhật Bản do NXB Văn hóa- Thông tin ấn hành phát hành ra thị trường cũng chưa nộp lưu chiểu. NXB Thể dục thể thao nộp lưu chiểu chưa hết thời hạn 10 ngày nhưng đã phát hành cuốn sách “Sách trắng 2015- Các vấn đề thương mại đầu tư và kiến nghị”. Hành vi này vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt 6 triệu đồng vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản…

Còn rất nhiều cuốn sách vi phạm chứa nội dung sex, bạo lực, vi phạm chủ quyền quốc gia, tôn giáo không được lưu chiểu tại Cục Xuất bản, In và Phát hành. Hầu hết các cuốn sách ấy đều mang hình thức liên kết của nhà sách với Nhà xuất bản. Khi sai phạm xảy ra, truyền thông lên tiếng, mẫu số chung là: nhà xuất bản đổ lỗi cho đối tác liên kết sách của mình. Các nhà sách tư nhân lại chỉ dừng ở lại mức xử phạt hành chính. Sự thiếu trách nhiệm từ phía Nhà xuất bản đã dẫn đến hệ quả là xuất bản những ấn phẩm kém chất lượng và chứa nội dung độc hại.

Sách lưu chiểu cũng bị “lọt lưới” kiểm duyệt

Trong năm 2016, tình trạng xuất bản phẩm sai phạm về nội dung tuy giảm về số lượng nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp hơn. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phải xử lý 163 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản, xử phạt vi phạm hành chính 235 triệu đồng. Trong số các vụ sai phạm nghiêm trọng về nội dung của các xuất bản phẩm do các Nhà xuất bản trong nước xuất bản mà các cơ quan quản lý xuất bản xử lý thu hồi, từ trước đến nay, phần lớn do phát hiện của bạn đọc và báo chí phản ánh. Trong đó, cũng có một số cuốn được lưu chiểu. 

Những lỗi sai sót trong xuất bản đã làm dấy lên những lo ngại trong việc quản lý, xuất bản sách hiện nay. Mỗi cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đều có nhiệm vụ đọc xuất bản phẩm, thế nhưng, trên thực tế, công tác này gần như bị bỏ ngỏ. Đại diện Cục Xuất bản cho biết: “Đối với những cuốn sách đã nộp lưu chiểu thì chúng tôi sẽ nắm rất rõ, nhưng đối với những cuốn chưa nộp lưu chiểu, trôi nổi trên thị trường và bị phát hiện như thế này thì rất khó quản lý”.

Mỗi năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp nhận khoảng 28.000-30.000 tên sách nộp lưu chiểu với khoảng 300 triệu bản. Trong khi đó, Phòng Quản lý xuất bản chỉ có 10 chuyên viên. 10 chuyên viên ấy chỉ phân nửa chuyên về lưu chiểu dữ liệu. Những người còn lại phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ chính sách của ngành và làm nhiều công việc khác bên cạnh việc đọc thẩm tra nội dung xuất bản phẩm. Theo bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Mỗi người, mỗi ngày chỉ có thể đọc thẩm định 80-100 trang sách. Cả phòng nếu không làm việc gì, chỉ tập trung sức tối đa vào việc đọc thẩm định (hậu kiểm) thì cả năm cũng chỉ đọc được khoảng 10.000 đầu sách”. 

Theo một cộng tác viên thì thù lao khoán cho mỗi cộng tác viên đọc lưu chiểu mỗi tháng cũng chỉ 500.000 đồng, với chỉ tiêu mỗi người mỗi tháng phải đọc 30 cuốn sách. Do vậy, cơ quan quản lý xuất bản chỉ có thể sử dụng đội ngũ những người làm công tác xuất bản đã nghỉ hưu và công việc của họ chỉ là xem và phát hiện những sai sót có tính chất kỹ thuật, còn đọc nội dung từng cuốn sách hầu như không đảm đương nổi.

Trong khi đó, để mời được một cộng tác viên có đủ năng lực, hiểu biết mọi mặt, đảm đương tốt công việc đọc lưu chiểu xuất bản phẩm là không phải dễ. Thù lao thấp là nguyên nhân khiến các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản không tổ chức được đội ngũ cộng tác viên đọc lưu chiểu. Sức người, biên chế có hạn, vậy nên việc “lọt lưới” các cuốn sách mang nội dung độc hại, phản cảm rất dễ xảy ra. 

Trước vấn đề nhiều đầu sách có nội dung nhảm nhí, phản cảm, độc hại của một số nhà xuất bản được bày bán tràn lan trên thị trường “lọt lưới” cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, hơn bao giờ hết, công tác quản lý hoạt động xuất bản hiện nay đòi hỏi khâu lưu chiểu phải được thực hiện nghiêm túc hơn; cần có cơ chế lương bổng, chế độ đãi ngộ để cán bộ, cộng tác viên đọc lưu chiểu yên tâm công tác. Điều này góp phần  ngăn chặn kịp thời các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm, phản cảm không phát hành ngoài thị trường.

Đọc thêm