Ngoại giao kinh tế đồng hành gỡ khó cho ngành gỗ

(PLVN) -  Khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, song Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU, ông Nguyễn Văn Thảo đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân để tìm ra “thuốc chữa bệnh”.
Xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản giảm

Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế đồng hành, hỗ trợ các địa phương, DN, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp giao ban tháng 5/2023 của Ban Chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi các biện pháp hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 3,9 tỷ USD giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng ngại, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm sang các thị trường chính đều giảm mạnh như Mỹ giảm 37,9%; Úc giảm 39,7%, Anh giảm 38%; Hàn Quốc giảm 22,2%; Trung Quốc giảm 12,8%…

Khẳng định ngoại giao thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các ngành hàng có độ mở lớn của Việt Nam, đặc biệt đối với ngành gỗ, Chủ tịch VIFOREST bày tỏ mong muốn cán bộ ngoại giao tại các Đại sứ quán Việt Nam đóng tại các nước, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, EU và Đông Bắc Á, giúp DN tìm hiểu thông tin về thực trạng của thị trường, về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của chính phủ các quốc gia này về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu.

Cụ thể, có 5 đề nghị được VIFOREST đưa ra tại cuộc họp: Cung cấp thông tin về các yêu cầu cũng như thay đổi về chính sách thương mại của những thị trường chính (Mỹ, EU và Đông Bắc Á); Hỗ trợ DN trong quá trình theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại; Có các thông tin cảnh báo sớm, các thông tin thị trường để định hướng cho các DN nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra; Hỗ trợ về mặt truyền thông hướng tới mặt hàng có thế mạnh; Xây dựng và phát triển thị trường…

Cần “tìm bệnh bốc thuốc…”

Sốt ruột với kim ngạch XK của ngành gỗ giảm đến gần 40% trong 4 tháng đầu năm, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU, ông Nguyễn Văn Thảo băn khoăn khi cho rằng cần nhìn rõ nguyên nhân bản chất của vấn đề chứ không “đổ” cho tại thị trường suy giảm.

Ông Thảo thông tin, với địa bàn EU, thị trường trong năm 2022 và quý I/2023 dù ghi nhận những khó khăn nhưng EU đang phục hồi rất đúng hướng. Theo dự báo, GDP của EU sẽ tăng trưởng 1% vào năm nay và 1,7% vào năm tới. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân ở các quốc gia này cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và năm tới.

“EU hiện đang phải đối mặt với lạm phát, tuy nhiên do kiểm soát tốt nên vấn đề này không quá lớn và mức lạm phát hiện nay đang thấp hơn so với dự báo trước đó. Chính vì vậy, xuất nhập khẩu tại EU vẫn sẽ tăng, trong đó nhu cầu đồ gỗ vẫn rất lớn. Vấn đề đặt ra là tại sao XK gỗ của Việt Nam vào thị trường này lại suy giảm? Chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân để tìm ra “thuốc chữa bệnh”…” - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU Nguyễn Văn Thảo đề nghị.

Theo đánh giá của ông Thảo, gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam XK vào thị trường EU đang rất thấp so với nhu cầu hiện có (khoảng 1%), mặc dù có sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do.

Ông Thảo đưa ra 3 đề xuất ngắn hạn cho các DN ngành gỗ: Trước hết, cần đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu để chọn ra những sản phẩm phù hợp để thâm nhập sâu vào thị trường EU; Thứ hai, DN trong nước phải bảo đảm về quy mô, nguồn cung ứng, điều này đòi hỏi DN phải liên kết với nhau để tạo ra sức nặng với thị trường; Thứ ba, làm tốt công tác quảng bá sản phẩm. “Các cơ qian đại diện sẽ hỗ trợ tối đa của DN nhưng đây là lĩnh vực chuyên ngành mà DN phải chủ động, không thể dựa vào cơ quan đại diện, Đại sứ quán” - ông Thảo lưu ý.

Về dài hạn, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU đề xuất DN cần tập trung đầu tư nâng cao công nghệ để hạ giá thành sản phẩm và đa dạng hoá các mẫu mã, bảo đảm đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU.

“DN Việt Nam phải xác định “ra biển lớn sẽ gặp sóng lớn”, làm ăn với thị trường EU đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng ta phải có sự chuẩn bị. Đó là việc tìm hiểu về thị trường, đối tác và tập quán kinh doanh. Đồng thời, là sự chuẩn bị về pháp lý, đừng để bị kiện rồi mới nhận ra khó khăn và thua thiệt” - ông Thảo nói.

Theo Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập, hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra. Vụ việc kéo dài, DN rất cần Chính phủ, các cơ quan ngoại giao trao đổi với Bộ Thương mại Mỹ, đề nghị phía bạn giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định.

Đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán. Ông Lập cho biết, vụ việc đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7 và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các DN gỗ dán Việt, DN sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Mỹ lo ngại đã chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng.

VIFOREST đề nghị cần có sự can thiệp/vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện một cách công bằng. Đồng thời, trong quá trình theo đuổi các vụ kiện, DN cũng rất cần sự hỗ trợ và can thiệp của Đại sứ quán ở các thị trường xảy ra tranh chấp, mặc dù về phía các DN đã thuê Công ty Luật đại diện để phản biện.

Đọc thêm