Ngòi Cái chuyển mình

(PLO) - Ngòi Cái từng là thôn “nhiều không” của xã Tiến Bộ (Yên Sơn, Tuyên Quang) do không điện, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không chợ. Có thời kỳ, tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con tiếp diễn nên tỷ lệ gia tăng số hộ ở đây khá nhanh, từ con số 21 hộ ban đầu từ Hoàng Su Phì (Hà Giang) về lập làng những năm 79 - 80, giờ đã tăng lên 84 hộ.
Nhiều gia đình ở Ngòi Cái đổi đời nhờ nuôi dê, phát triển sản xuất

Giã từ tảo hôn

Anh Thèn Văn Trương, Trưởng thôn Ngòi Cái bảo, một trong những hủ tục của người Nùng là chuyện “chọn vợ” sớm. Có những em gái mới học lớp 3, lớp 4 đã được nhà trai đến đặt lễ nhận làm vợ. Tất nhiên không cưới xin luôn, vẫn chờ đủ tuổi kết hôn, nhưng nó giống như sự sắp đặt sẵn của cha mẹ, rằng con cái đủ tuổi là dựng vợ gả chồng, thui chột dần ước mơ được học hành, được vươn ra biển lớn của các em.

Anh Hoàng Văn Long, sinh năm 1974 kết hôn với chị Hoàng Già Hói, sinh năm 1976 từ năm 1995, giờ đã có 9 người con. Con cả sinh năm 1996, đứa út mới sinh năm 2015. Các con của anh hầu hết chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ ở nhà giúp bố mẹ việc nương rẫy, chăm em. Ở tuổi ngoài 40, anh Long đã lên chức ông ngoại vì cô con gái vừa chớm 18 tuổi cũng đã kết hôn, sinh con. Anh Long bảo, nhà có ít con trai quá nên cũng cố sinh để tìm con trai thôi, giờ có 2 đứa con trai rồi, không bắt vợ đẻ nữa đâu.

Kết hôn sớm, sinh đông con nên số học sinh tốt nghiệp THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay, cả thôn mới chỉ có 1 em là Thèn Văn Thương tốt nghiệp cấp 3.

Xóa “nhiều không”

Đói nghèo và tình trạng “nhiều không” ở Ngòi Cái đã trở thành điều trăn trở cho xã, cho huyện trong mỗi lần tổng kết. Ngòi Cái có 84 hộ thì có đến 58 hộ nghèo. Để xóa nghèo, cán bộ chủ chốt của thôn được gọi lên, cùng cán bộ xã, cán bộ huyện để tìm hướng thoát nghèo cho thôn. Đảng ủy xã Tiến Bộ đã phân công đảng viên Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân đảm nhận vai trò phụ trách thôn. Anh Dũng bảo, vào đảm nhận công việc, tâm thế của mình là phải vực Ngòi Cái dậy.

Mỗi tuần vào thôn 2 lần, ngoài họp bàn với trưởng thôn, bí thư chi bộ về cách trồng cây gì, nuôi con gì, anh đến từng hộ gia đình, nhất là những hộ gia đình sinh nhiều con, muốn sinh con trai để tuyên truyền, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch. Đến nhà vận động, họp thôn vận động, họp xã vận động, cách tuyên truyền kiểu “mưa dầm thấm lâu” này cũng đã được người Nùng ở Ngòi Cái tiếp thu, thay đổi dần. 4 năm trở lại đây, tình trạng chọn vợ từ thuở lên 9, lên 10 ở Ngòi Cái chấm dứt hẳn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng đang dần được cải thiện, nhất là ở những cặp vợ chồng thuộc thế hệ 8x, 9x.

Hủ tục xóa dần, anh Dũng vận động người dân làm kinh tế. Ngòi Cái vốn có lợi thế về đất rừng, trước nay bà con được giao đất chỉ trồng sắn, nhưng giá sắn năm được, năm mất, đất lại cằn đi thấy rõ. Anh Dũng tìm các nguồn vốn, từ vốn cho nông dân, đến vốn ngân hàng chính sách xã hội, vận động những gia đình đảng viên trồng rừng trước, rồi đến người dân. Sau vài năm, giờ Ngòi Cái đã có gần 200ha rừng.

Anh Dũng bảo, năm nay thôn có 2 hộ của Nguyễn Văn Cường, Tụ Kim Long thoát nghèo cũng đều nhờ rừng cả. Với những gia đình quá nghèo, anh Dũng tìm cách vận động, quyên góp của người dân ở xã, các tổ chức thiện nguyện... Chỉ ngôi nhà lợp proximăng trước mặt, anh Dũng bảo ngôi nhà của chị Tụ Thị Giỏn, chồng mất sớm, một nách 3 con cũng vừa được anh xin xã 40 tấm lợp lợp lại mái nhà, vận động đoàn viên trong thôn đến giúp chị đắp lại nền nhà. 

Bài toán cây trồng được giải, giờ đến vật nuôi. Theo Trưởng thôn Ngòi Cái - anh Thèn Văn Trương, sau một thời gian dài cùng cán bộ xã tìm hiểu, nghiên cứu, nhận thấy không có gì dễ nuôi dễ bán như con dê, nên con dê được đưa vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thôn. Giờ hộ nào trong thôn Ngòi Cái cũng có một chuồng dê cạnh nhà, nhà nào ít thì vài ba con, nhà nhiều cũng 15 - 20 con. Lụi cụi cho 7 con dê trong chuồng ăn, đảng viên 52 năm tuổi Đảng Tụ Sào Chỉ bảo, mình vốn là người uy tín của thôn bản, nên mình phải noi gương để con cháu nhìn vào học tập, không lười lao động, không tụ tập uống rượu nữa.

Người Nùng ở Ngòi Cái giờ vẫn giữ những phong tục tập quán xưa, như lễ cúng cơm mới, lễ cúng chúa sơn lâm. Lễ cúng cơm mới được người Nùng tổ chức vào tháng 10 âm lịch, với mong muốn vụ sau có một mùa màng bội thu. Còn lễ cúng chúa sơn lâm được tổ chức vào tháng 2 âm lịch là cách người Nùng giữ rừng. đến ngày lễ này, người Nùng ở Ngòi Cái chọn một cây to nhất trong bản, đặt lễ cúng, với mong muốn chúa sơn lâm chở che, bảo vệ người dân, không cho mưa lũ xói mòn, không cho thiên tai đổ xuống. Người trong thôn cũng không ai dám vào rừng chặt phá, nhờ thế mà dù sống trong khu vực rừng phòng hộ, nhưng rừng ở Ngòi Cái vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Chuyện học của con trẻ cũng được người dân quan tâm đầu tư nhiều hơn. Hiện tại Ngòi Cái đã có một phân hiệu trường, đảm bảo cho các cháu theo học từ mầm non đến lớp 5, các trẻ trong độ tuổi đều được cha mẹ cho đến trường. Ý thức được tầm quan trọng của con chữ nên cha mẹ các em ở đây cũng quý cô giáo lắm. Ngoài việc bắc máng dẫn nước về cho cô giáo thì cha mẹ các em còn góp củi, góp rau để giúp các cô yên tâm đến trường.

Cái khó của Ngòi Cái là giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Những hộ gần suối thì đầu tư lắp điện nước, nhưng cũng chỉ mùa mưa mới có điện, mùa khô, nước cạn, điện lập lòe như đốm lửa nhỏ, không đủ sức thắp sáng một gian nhà sàn, trong những ngôi nhà chúng tôi đến, vẫn có những chiếc ti vi đen trắng đắp màn ở góc nhà. Song mới đây, tin vui với những người dân Ngòi Cái, đó là dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm ngay tại thôn đã được UBND huyện Yên Sơn phê duyệt. Theo đó, khu định cư mới sẽ được đầu tư đường điện quốc gia, là điều kiện để người dân nơi đây nắm bắt và tiếp cận thông tin từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Đọc thêm