Ngôi trường trăm năm đưa gốm Đồng Nai vươn tầm quốc tế

(PLVN) - Trường Dạy nghề Biên Hòa (tên sơ khai của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai ngày nay) được thành lập vào đầu thế kỷ 20 với mục đích đào tạo thợ có tay nghề truyền thống của địa phương.

Là một trong ba ngôi trường dạy nghề đầu tiên trên vùng đất Nam bộ, trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay trường đã trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống cho đất nước.

Khi Pháp đô hộ nước ta, đầu thế kỷ XX, Pháp lập ra các trường dạy nghề (người dân quen gọi là trường bá nghệ) với mục đích đào tại chỗ nhân lực phục vụ nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày 24/9/1902, Hội đồng hàng tỉnh Biên Hòa ra nghị quyết mở Trường Dạy nghề Biên Hòa theo đề nghị của ông Chusne – Quan Chánh tham biện tỉnh Biên Hòa.

Ngày 15/3/1903, Trường Dạy nghề Biên Hòa khai giảng lần đầu tiên trong khuôn viên Tòa bố với 4 ban gồm: Đan lát (dùng song, mây, tre), Gỗ (điều khắc, tiện, mộc xây dựng và mộc dân dụng), Đúc đồng (thiết kế theo phương pháp của Bắc Ninh) và Vẽ (đề tài bản xứ cho điêu khắc gỗ và đồng). Cơ sở vật chất ban đầu chỉ có một dãy nhà tọa lạc trên khu đất ngang 50 m, rộng 43 m ngay phía sau bên trái Tòa bố (nay là trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), sau này dần mở rộng ra với các công trình lớp học, lò nung… (Nguyễn Minh Anh sưu tầm)

Đến năm 1923, trường mới thực sự khởi sắc khi Chính phủ Pháp bổ nhiệm hai chuyên viên là ông Robert Balick (tốt nghiệp trường Mỹ thuật trang trí Paris) làm hiệu trưởng và bà Mariette Brallion (vợ ông Balick, tốt nghiệp trường Gốm Limoges) làm phụ tá. Giai đoạn này trường đổi tên thành Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa. Sau khi tiếp quản, ông bà Balick thổi một làn gió mới vào Trường mỹ nghệ, làm thức tỉnh sáng tạo và trí thông minh của học sinh. Dưới sự dẫn dắt của hai người, nhà trường đã gặt gái được nhiều thành công, tạo ra một dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa và đưa nó vươn ra khỏi biên giới quốc gia (Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Tiêu biểu như năm 1925, trường được mời tham dự Hội chợ quốc tế Paris. Tại đây các sản phẩm về đúc đồng và vẽ gốm được giới chuyên môn đánh giá cao, được Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự, ban tổ chức tặng thưởng huy chương vàng, qua đó trường kí được nhiều hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho học sinh. Nối tiếp thành công đó, đến năm 1932, nhà trường tiếp tục tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế Paris lần 2. Bên cạnh các sản phẩm đồng và gốm, ông bà Balick còn trình diễn phương pháp tạo dáng gốm do hai đốc công gốm bản xứ xoay tay khiến đông đảo du khách phải trầm trồ, khen ngợi. Ngoài các huy chương vàng và bằng danh dự, trường còn nhận được nhiều đơn hàng, thậm chí Bộ Thương mại Pháp đã đề nghị làm đại lý cho trường ở Paris. Qua các kì triển lãm trên đất Pháp, trường trở nên nổi tiếng và được nhiều nước trên thế giới mời tham dự triển lãm quốc tế như: tại Batavia (Indonesia) năm 1934, tại Nayoga (Nhật Bản) và Paris (Pháp) cùng năm 1937, tại Saint – Denis (Réunion – thuộc Pháp) năm 1938, tại Sài Gòn năm 1942, tại Phnompênh (Campuchia) năm 1956. Mỗi buổi triển lãm, trường đều được trao tặng huy chương vàng và bằng danh dự (Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Từ sau những năm 1950, khi ông bà Balick về hưu, dưới sự quản lý của người Việt, gốm Biên Hòa về chất lượng bớt “khắt khe” hơn, hàng bán được hơn với giá dễ chịu. Tuy nhiên chất lượng giảm dần nên thương hiệu gốm Biên Hòa sau đó mất dần thị trường. Vào năm 1971, nhà sưu tập và nghiên cứu đồ cổ Vương Hồng Sển đã có một nhận xét: “Hiện nay trong xứ có một trường làm đồ gốm ở Biên Hòa và kể luôn ở Đà Lạt và ở Lái Thiêu (Bình Dương), Thị Nghè và Biên Hòa có trên 40 lò sản xuất đồ gốm, đồ sành, có lò Thành Lễ (Bình Dương) từng gởi đồ chế tạo bán ra ngoại quốc, nhưng nói về phẩm chất thì đồ gốm, đồ sành ngày nay còn thua xa đồ thời Pháp của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa do Tây điều khiển” – Trích “Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa” tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1971.

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 11/1976, UBND tỉnh Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai sau này) ra quyết định thành lập Trường phổ thông Công nghiệp cấp 3 và Trường Mỹ thuật công nghiệp, tuy nhiên không lâu sau đó, trường giải thể vì cả hai trường được chuyển về Bộ Văn hóa quản lý. Đến ngày 14/1/1978, UBND tỉnh và Ty Giáo dục Đồng Nai có văn bản chính thức bàn giao lại hai trường cho Bộ Văn hóa để thành lập Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Đầu năm 1978, theo quyết định của Bộ Văn hóa, Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai được thành lập do ông Nguyễn Cao Thương – một họa sĩ, giáo viên hội họa - làm hiệu trưởng. Nhằm thay đổi diện mạo của trường, ông Thương đã đặt lại tên trường, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đổi tên, bỏ bớt một số ban. Năm học này, trường chỉ còn có 5 ban gồm: Trang trí đồ họa công thương nghiệp; Gốm mỹ thuật; Điều khắc chất liệu; Thiết kế đồ gỗ, trang trí nội thất và Ban Giáo dục cơ bản. Thời bấy giờ, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều người phải sang làm nghề khác để kiếm sống.

Trong hình: Thầy trò Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai giai đoạn 1978-1998

Đến giai đoạn đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Nhà nước cho phép các trường đại học và chuyên nghiệp thực hiện chương trình “Học tập kết hợp với lao động sản xuất theo ngành nghề và thực nghiệm nghiên cứu khoa học”. Từ đây, số tiền thu được từ sản xuất dành phần lớn cho việc cải thiện đời sống cán bộ giáo viên, công nhân viên. Lúc này, Ban lãnh đạo trường mạnh dạn đi theo hướng mới, nhận hợp đồng sản xuất với các cơ quan, tổ chức như: Ký hợp đồng với Tổng Công ty xuất nhập khẩu sách báo (XUNHASABA) làm gốm cao độ xuất khẩu, làm bình gốm Trường Xuân Tửu cho Công ty CHOLIMEX…. Khu vực lò của trường trở nên nhộn nhịp như một xưởng sản xuất với sự tham gia hăng hái, nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, nhân viên vì bấy giờ, họ đã có thêm thu nhập giữa lúc khó khăn.

Trong hình: Gian hàng Gốm Biên Hoà tết Nhâm Tỵ 1972 (nguồn: Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai đã chín muồi cả về chất lượng giáo viên, cán bộ công chức lẫn cơ sở vật chất, đây cũng là lúc phương án nâng cấp trường được đưa ra. Chính vì vậy, đề án “Nâng cấp Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 119/1998/QĐ – TTg ngày 9/7/1998.

Hiện nay, vẫn còn nhiều công trình mang dấu ấn của trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, trong hình đài phun nước Quảng trường Sông Phố đặt tại vòng xoay trước tòa nhà UBND tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Ngô Vinh)