'Ngổn ngang' chương trình giáo dục phổ thông mới

(PLVN) - 9 tháng nữa, các trường tiểu học sẽ áp dụng sách giáo khoa (SGK) mới từ lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường vẫn thiếu giáo viên Tiếng Anh và các bộ môn khác, nhiều địa phương chưa đáp ứng cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày…
 Học sinh tiểu học Hà Nội trong giờ tự học.
Học sinh tiểu học Hà Nội trong giờ tự học.

Thiếu cơ sở vật chất 

Mục đích đổi mới chương trình GDPT lần này là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. 

Bên cạnh đó, học sinh được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng. 

Theo chương trình mới, học sinh sẽ học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. So với chương trình GDPT hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới, nhưng trong chương trình mới có thêm 2 môn là Ngoại ngữ - Tin học và Công nghệ.

Nhìn nhận về việc tổ chức 2 buổi/ngày trong chương trình GDPT mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) cho biết, đây là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp.

Thiếu phòng học cũng là thách thức đối với các thành phố lớn hoặc ở nơi tập trung quá nhiều khu công nghiệp. Đơn cử như Hưng Yên mới chỉ có 30% phòng học đáp ứng dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang 44,5%, Đồng Nai là 30%...

Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), để giải quyết bất cập về cơ sở vật chất, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. Ðối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có. 

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT mới giai đoạn 2017 - 2025. Trong đó giai đoạn 2017-2020 đối với tiểu học đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương đầu tư xây dựng 5.900 phòng học thay thế phòng tạm thời; xây dựng bổ sung 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện.

Thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, về cơ sở vật chất, trường đã đủ điều kiện để thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày, giáo viên đã đạt từ chuẩn trở lên. Một trong những điểm khác biệt khi triển khai chương trình GDPT mới đó là ở bậc THCS có dạy tích hợp liên môn, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Từ hai năm qua, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, trường đã cho giáo viên dạy những môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân xây dựng chương trình dạy học chung của nhà trường.

Cùng với đó, trường đưa vào hướng dẫn, tổ chức các hoạt động, tập huấn kỹ năng, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, âm nhạc, đưa học sinh đi tham gia các mô hình sản xuất của người dân. Đồng thời bỏ hình thức đọc trả bài như trước, thay vào đó chấm nhiều đầu điểm để đánh giá học sinh qua hoạt động trải nghiệm, bài tập về nhà...

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ sẽ kế thừa những giá trị đã triển khai, thử nghiệm, nhằm hướng đến mục tiêu mới phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình mới. Nội dung các môn học sẽ hướng tới việc vận dụng, gần gũi với thực tiễn đời sống. Vì thế các mô hình, phương pháp dạy học tạo cơ hội cho học sinh học chủ động, tích cực, học qua trải nghiệm, thực nghiệm sẽ tiếp tục được phát huy. 

Trả lời câu hỏi của báo chí trước đó khi cho rằng: “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chuẩn bị ra sao để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới? Bộ GD&ĐT có kế hoạch khảo sát các thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cũng thừa nhận: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn.

Theo GS Thuyết, chương trình này vừa là văn bản quy định nhưng cũng là cam kết của Nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà còn là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.

Khan hiếm giáo viên

Toàn quốc dự kiến năm học 2020 - 2021 sẽ có khoảng 63.500 lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này phần lớn giáo viên vẫn đang lúng túng vì thời gian triển khai đã cận kề nhưng chưa biết sẽ dạy bộ SGK mới nào? Trong khi đó, khi áp dụng chương trình GDPT mới, các môn như Tin học ở cấp tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm giáo viên.

Theo đó, môn Tin học sẽ được đưa vào dạy cho học sinh lớp 3 (mỗi tuần 2 tiết/lớp). Với hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước, ngành Giáo dục phải cần đến hàng chục nghìn giáo viên để đáp ứng chương trình. 

Ở cấp THPT sẽ dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, mỗi môn có 2 tiết/lớp nhưng hiện chưa có giáo viên dạy các môn học này. Trong khi cả nước có tới 2.834 trường THPT, nếu tính đơn giản mỗi trường cần 1 giáo viên/môn thì số lượng tuyển mới sẽ cần đến gần 6.000 giáo viên.

Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp tại hầu hết các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Đó là chưa kể việc bổ sung giáo viên Tin học, tiếng Anh là thách thức không nhỏ cho các địa phương, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho hay, cả nước còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên Tiếng Anh để thực hiện theo chương trình GDPT mới.

Về giải pháp trước mắt, ông Thái Văn Tài cho rằng, nếu các trường liên cấp (tiểu học, THCS) thiếu giáo viên thì có thể sử dụng giáo viên môn Tin học ở cấp THCS để dạy tiểu học nhưng phải bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học tiểu học cho đội ngũ này.

Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng thiếu cơ sở vật chất, phòng học tạm còn nhiều.
 Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng thiếu cơ sở vật chất,  phòng học tạm còn nhiều.

Trong khi đó, tại khu vực miền núi phía Bắc, do những đặc thù riêng nên việc triển khai thực hiện chương trình GDPT khó khăn hơn rất nhiều. Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, thách thức đầu tiên đối với các tỉnh miền núi đó là địa hình trường lớp chia cắt, quy mô trường lớp đều rất nhỏ. Môn học bắt buộc tăng (môn tin học, ngoại ngữ) nhưng định biên giáo viên không tăng.

Ở góc độ người trong cuộc, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp. Chưa kể nhiều thầy cô còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống.

Đồng thời, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai chương trình, SGK mới, vẫn còn không ít giáo viên chưa thực hiện thì vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ” mà thôi. Nguyên nhân chính bởi coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức.

Cùng quan điểm, thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu (Lào Cai) cho biết: Để thực hiện chương trình GDPT mới, việc tập huấn cho đội ngũ từ quản lý đến giáo viên là tất yếu và không thể xem nhẹ.

Hơn thế, trình độ năng lực của giáo viên vùng sâu đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên đã vào nghề 15 - 20 năm, sự tiếp nhận có hạn, đã quen với kiểu giảng dạy cũ. Nếu việc tập huấn không cụ thể sẽ khó để thay đổi được tư duy và phương pháp dạy học truyền thống.

Cụ thể, theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện nay thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên THCS và thừa 4.260 giáo viên THPT. Một số môn học như: Tin học, Ngoại ngữ ở bậc THCS và tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày nên đang thiếu giáo viên. Trong khi đó, giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học lại thừa ở một số nơi.

Hơn nữa, Dự thảo chương trình GDPT tổng thể, xuất hiện nhiều môn học mang tính tích hợp, đặc biệt là ở các lớp học cấp dưới. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu đội ngũ giáo viên hiện tại của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới không?

Trả lời câu hỏi trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy môn đấy. Những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng dạy các môn tích hợp sẽ tham gia giảng dạy các môn, các chuyên đề tích hợp. Còn về căn bản và lâu dài, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo đổi mới chương trình, có chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP).

Nói về nguyên nhân thiếu giáo viên Tiếng Anh, TS. Thái Văn Tài lý giải, trong chương trình hiện hành, Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển. Trong khi đó, chương trình GDPT mới, cùng với Tin học, Tiếng Anh là môn học bắt buộc, vì vậy, đây sẽ là căn cứ để các địa phương tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm.

Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các địa phương có lộ trình, chuẩn bị giáo viên cho môn học, giai đoạn 2020-2026 phải đảm bảo đủ số lượng theo định mức số tiết quy định trong chương trình.

Chất lượng giáo viên quyết định thành bại

Để triển khai chương trình GDPT mới, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tuyển nhiều giáo viên dạy chương trình mới. Lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị đội ngũ để thực hiện theo lộ trình đặt ra. Tháng 11/2019, UBND thành phố đã ban hành quyết định tuyển nhiều giáo viên dạy chương trình mới. 

Theo đó, ở thời điểm này, phải tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, lớp học, cấp học theo các giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 11/2019: Tuyển dụng bổ sung giáo viên chuẩn bị phục vụ giảng dạy chương trình mới ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; Giai đoạn 2 từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020: Hoàn thành việc tuyển dụng bổ sung giáo viên phục vụ giảng dạy chương trình GDPT năm 2018 ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1; Giai đoạn 3 từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021: Triển khai áp dụng đại trà toàn thành phố chương trình mới, SGK mới cho lớp 1… 

Trao đổi với 1.024 giáo viên phổ thông cốt cán tham gia lớp bồi dưỡng tại cơ sở chính của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ này trong sự thành bại của sự nghiệp đổi mới GD&ĐT:

“Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục nên nếu tinh thần đổi mới chỉ đi từ Bộ GD&ĐT đến các sở/phòng GD&ĐT, các hiệu trưởng trường phổ thông mà không tới được các giáo viên thì sự đổi mới sẽ không thể thành công. Nếu giáo viên không triển khai đổi mới thì tất cả ý tưởng và giải pháp mà Bộ, sở/phòng đề ra cho một nền giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học sẽ không hiệu quả”…

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Cần tránh tập huấn giáo viên hình thức

Bộ GD&ĐT đã tiến hành một khối lượng công việc tương đối lớn để chuẩn bị một đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán đạt chuẩn, có đủ phẩm chất và năng lực để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới”.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các Sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các nhà trường tập huấn, nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản. Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020 - 2021.

Cùng với đó, chương trình ETEP là một trong những giải pháp quan trọng trong đổi mới giáo dục do Bộ GD&ĐT chủ trì, tập trung vào việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý GDPT dựa trên nền tảng tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường với sự hỗ trợ của giảng viên các trường sư phạm, đội ngũ cốt cán trên cơ sở phát huy hệ thống học tập trực tuyến LMS - TEMIS (Hệ thống quản lý thông tin đào tạo bồi dưỡng giáo viên tích hợp với hệ thống quản lý học tập qua mạng).

Qua đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán có thể đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp mới, có thể chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục và nhu cầu đa dạng của học sinh phổ thông.

8 trường/học viện được lựa chọn tham gia chương trình ETEP, gồm: Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục).

Đến nay, đã có 800 giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt được lựa chọn từ 8 trường ĐH Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP và từ Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã được bồi dưỡng về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phát triển năng lực và chương trình GDPT 2018.

Dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán được tham gia tập huấn, bồi dưỡng 54 mô đun liên tục trong 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sau đó sẽ hỗ trợ cho việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán, thông qua mạng internet. Tuy nhiên, làm sao để tránh tập huấn hình thức, hoặc giáo viên không tiếp nhận được phương pháp dạy mới vẫn là nỗi lo hoàn toàn có cơ sở…

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên dạy mới… thi cũ?

Chương trình mới chú trọng đến kỹ năng của học sinh nhiều hơn, nhấn mạnh kỹ năng học và làm việc nhóm. Muốn dạy về kỹ năng thì điều kiện cơ sở vật chất phải đáp ứng. Thế nhưng hiện nay, một lớp học thông thường chỉ 45-50m2 nhưng lại “nhồi” đến 60 học sinh thì làm sao học nhóm. 

Chưa nói đến việc giáo viên, người trực tiếp triển khai chương trình và quyết định sự thành bại của chương trình liệu đã thấm nhuần cách dạy mới? Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ, đề ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu, kích thích năng lực của học sinh chứ không phải như một cái máy phát lại những kiến thức có trong sách giáo khoa và thầy nói, trò ghi.

Thế nhưng, đến lúc kiểm tra, thi cử lại thiên về thuộc nhớ, tái hiện, thông hiểu kiến thức nên giáo viên dạy theo kiểu truyền thống thì học trò đạt điểm cao còn dạy theo phương pháp tích cực thì học trò bị điểm thấp.

Tôi nghĩ rằng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cần đi liền với đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông và đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia cũng cần phải có sự thay đổi theo định hướng của chương trình mới. Hiện nay, khi ôn luyện cho học sinh thi THPT quốc gia, giáo viên vẫn dạy lối “học mẹo” để tìm ra đáp án nhanh nhất. 

Tiếp nữa, nhiều môn có thể dùng hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn để đánh giá khả năng của học sinh nhưng riêng môn Toán thì không nên. Với môn Toán, nên dùng hình thức nửa trắc nghiệm, nửa tự luận. Vì nếu thi trắc nghiệm hoàn toàn sẽ làm thất bại ý đồ của chương trình GDPT mới khi không luyện cho học sinh được cách tư duy, lập luận, sáng tạo.Uyên Na 

Đọc thêm