Ngư dân 8X nhận tàu vỏ sắt 12 tỉ từ nguồn vay Chính phủ

(PLO) - Ngư dân 8X, chủ nhân tàu cá vỏ sắt đầu tiên của Đà Nẵng mang tên Sang Fish 01 đang là tâm điểm để các ngư dân trong khu vực trầm trồ. Pháp luật & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với chủ tàu Lê Sang (SN 1985, ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Tàu vỏ sắt với nhiều thiết bị hiện đại đầu tiên của ngư dân ở Đà Nẵng
Tàu vỏ sắt với nhiều thiết bị hiện đại đầu tiên của ngư dân ở Đà Nẵng
Giấc mơ của ngư dân đã thành sự thật
Những ngày vào vụ cá nam, cảng cá Thọ Quang luôn tấp nập tàu thuyền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định, Đà Nẵng ra vào… Khi lá cờ Tổ quốc tung bay “khoe” cùng thiết bị rada, hàng hải của chiếc tàu vỏ sắt màu xanh mang tên Sang Fish 01, không khí nơi đây càng nhộn nhịp. Các chủ tàu, ngư dân tìm đến chiêm ngưỡng, trầm trồ: “To như ri, hiện đại như ri mới yên tâm bám biển được chớ”. 
Ngư dân Phan Biền (SN 1959, chủ tàu cá ĐNA 90129, ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sau một hồi tham quan tàu, bộc bạch: “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống 5 đời đi biển. Trước đây, cha ông cũng như rất nhiều ngư dân Đà Nẵng từng mơ có chiếc tàu to, nhưng làm ăn khó khăn nên ước mơ cũng phải neo lại. Những năm gần đây, cơm gạo cho cả nhà không còn phải lo hằng ngày, mà bắt đầu tính chuyện làm giàu. 
Chủ tàu Lê Sang chia sẻ kinh nghiệm
  Chủ tàu Lê Sang chia sẻ kinh nghiệm
Đặc biệt, từ khi tàu cá Việt Nam bị các tàu Trung Quốc đâm va, ngư dân càng ao ước có con tàu sắt để yên tâm khai thác. Nghe nói, Chính phủ đã có gói hỗ trợ ngư dân, chúng tôi rất phấn khởi nhưng vì đi mãi ngoài khơi nên chưa biết tiếp cận cũng như hiểu rõ về tàu vỏ sắt ra sao. Nay có ngư dân ở Đà Nẵng tiên phong, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến, kiểm nghiệm và có thể giúp đưa ra những tính toán cho mình”.
Đứng dựa lưng vào mạn thuyền, nghe mọi người bàn tán xôm tụ, anh Lê Sang chủ tàu Sang Fish 01 không giấu được niềm vui: “Tàu mới chạy đã lắm. Nhanh, mạnh, linh hoạt. Từ Cam Ranh về đến âu thuyền Thọ Quang mà chỉ có 31 giờ, rút ngắn thời gian hơn so với tàu gỗ cùng công suất hơn 10 giờ. Nhiên liệu cũng tiết kiệm được hơn 25%. Có con tàu này để vươn khơi, chắc chắn thành công”. 
Theo anh Sang, tàu này do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) đóng, thân, vỏ tàu hơn 7 tỷ đồng, số tiền này được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng vốn theo chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Chính phủ.
Phần còn lại, anh Sang và người anh vợ Phan Bé (SN 1973, ngụ Quảng Ngãi) góp hơn 4 tỷ đồng để mua ngư lưới cụ, máy tầm cá hiện đại, có thể dò cá trong phạm vi rộng, sâu nhằm hoàn thiện con tàu, nâng tổng giá trị lên gần 12 tỷ đồng. Chú tàu sẽ trả vốn cho SBIC trong khoảng 6 - 7 năm với lãi suất 0%.
Anh Sang kể, từ khi tàu cập âu thuyền, anh và anh vợ tất bật lắp đặt thiết bị, ngư lưới cụ để chuẩn bị đầu tháng 8 tàu vươn khơi hành nghề lưới vây ở ngư trường truyền thống tại vịnh Bắc bộ và biển Hoàng Sa. Gia đình anh vốn nhiều đời theo nghề biển nên ngoài chiếc Sang Fish 01, còn có 3 chiếc tàu gỗ loại 502VC, 1295 CV và 1 chiếc 90 CV. 
Thuyền trưởng Phan Bé
 Thuyền trưởng Phan Bé
“Cơ duyên” để sở hữu chiếc tàu vỏ sắt này, theo anh Sang, vào năm 2012, gia đình anh được chọn tham gia gói hỗ trợ nâng cấp 22.000 chiếc tàu cho ngư dân Quảng Ngãi (anh Bé đại diện). Sau khi thấy đội tàu gia đình anh Sang liên tục làm ăn có lãi, nguồn lực mạnh nên tháng 11/2013, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh giới thiệu làm dự toán để tham gia đóng tàu vỏ sắt. 
Vì từng nuôi ước mơ được sở hữu con tàu cá vỏ sắt hiện đại, tốc độ cao và được trang bị máy tầm ngư có bán kính rộng, giúp việc vươn khơi bám biển an toàn, dễ dàng hơn nên gia đình nhanh chóng đồng ý. Tàu khởi công vào tháng 2/2014, đến tháng 6 vừa qua đã hạ thủy, chạy thử thành công về đến Đà Nẵng. 
Một ưu điểm nổi bật ở tàu vỏ sắt là ngư dân có thể đem chính con tàu của mình đi thuế chấp ngân hàng thay vì phải mang giấy tờ nhà đi “gán” mới vay được tiền như tàu vỏ gỗ. 
Những chú ý khi định vay vốn đóng tàu vỏ sắt
Tiếp lời anh Sang, không kém phần tự hào, người anh Phan Bé với vai trò thuyền trưởng cho biết, việc ra khơi trên con tàu này sẽ an toàn hơn. Dù có thể bị đâm va nhưng vỏ sắt thường bị móp chứ không dễ bị chìm. Trên tàu vỏ thép trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS nên ngư dân sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa. 
Ngoài ra, tàu thiết kế cho 18 thuyền viên, nhiên liệu dự trữ đảm bảo hoạt động liên tục 2.000 hải lý, lương thực thực phẩm cho kíp tàu sử dụng trong 30 ngày đêm. Đặc biệt với vận tốc cao (9 - 11 hải lý/giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ thép ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn so với tàu gỗ.
“Nếu tuổi thọ trung bình của tàu gỗ 10 năm thì tuổi thọ của tàu vỏ thép lên đến 20 năm. Một năm tàu gỗ phải bảo dưỡng, bảo trì ít nhất hai lần, còn tàu vỏ thép thời gian bảo dưỡng định kỳ ba năm một lần, nên sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể”, anh Bé nói.
Con tàu là niềm mơ ước của nhiều ngư dân bám biển
 Con tàu là niềm mơ ước của nhiều ngư dân bám biển
Sang Fish 01 ngoài đánh bắt còn đảm nhận nhiệm vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung ở Hoàng Sa. Tàu vỏ sắt được thiết kế 6 khoang hầm có khả năng chứa đến 220 tấn hải sản và bảo quản an toàn. Những khoang chứa dầu trên tàu được thiết kế độc lập. Vì thế, những chuyến ra khơi được dài ngày, thời gian đi lại giữa bờ và Hoàng Sa được rút ngắn để hải sản được tươi sống, bán giá cao hơn…
Ở phần mạn tàu còn có hệ thống cứu hỏa, phao cứu sinh; phòng ngủ của các thuyền viên được thiết kế đèn chiếu sáng, tủ thuốc y tế, lát vỏ gỗ khang trang; có khoang chứa nước sạch, phòng vệ sinh, phòng tắm… nhằm đảm bảo sinh hoạt cho các thuyền viên bám biển dài ngày. 
Nói về tên của chiếc tàu Sang Fish 01, anh Sang lý giải, do anh muốn hướng đến việc thành lập một tập đoàn khai thác, hậu cần nghề cá chuyên nghiệp trong tương lai nên từ bây giờ tạo dần thương hiệu. 
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, anh Sang cũng như bao bạn bè đồng trang lứa đi xin việc ở các Công ty, đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, anh Sang ám ảnh về những người thân trong gia đình, khi làm việc luôn cật lực nhưng đến lúc đau ốm lại phải chạy quanh mượn tiền, không biết đến bảo hiểm hay được hưởng chế độ như một công nhân bình thường bên ngoài xã hội. Còn với ông bà, cha mẹ già yếu, muốn nghỉ ngơi cũng không dám vì hoàn toàn không có lương hưu nên đành “cày” hết mức có thể. 
Từ đó, Sang quyết định lấy kiến thức đã học, vận dụng công nghệ thông tin để quay về áp dụng vào nghề truyền thống cha ông, hướng đến hình thành tầng lớp ngư dân trí thức ở hiện tại và tương lai mỗi khi vươn khơi bám biển. 
 
Để tiếp cận được gói tín dụng 4.500 tỉ đồng đóng tàu vỏ sắt mới đây nhất của Chính phủ, anh Sang phải có những am hiểu nhất định trong kinh doanh, lập dự toán, giám sát quá trình thi công.... Nhờ có kiến thức, Sang đã giúp gia đình, người thân liên tục thu lợi trong làm ăn những năm qua, và cũng vì vậy, lần này anh tiên phong đóng tàu vỏ sắt.
Theo anh Sang, từ kinh nghiệm bản thân, anh nhân thấy, có vài yếu tố mà ngư dân muốn tham gia đóng tàu vỏ sắt cần chú ý. Thứ nhất, cần chặt chẽ trong các khâu lập dự toán; hiểu, biết về vật tư, giá thành, nguyên vật liệu.. để khỏi bị thất thoát hay tiêu tốn qua khâu trung gian; 
Thứ 2: nếu không có kinh nghiệm, nên thuê một đơn vị tư vấn giám sát trung lập (sẽ mất khoảng 2-3% chi phí tàu) để tham gia trực tiếp làm dự toán; 
Thứ 3: cần cân nhắc giữa đóng tàu sắt, tàu gỗ hay tàu vỏ composite cho phù hợp với nghề để khỏi tiêu tốn, lãng phí trong vấn đề bảo dưỡng, bảo trì, khấu hao. Quan trọng không kém, phải xác định, tính toán khả năng trả nợ đến đâu trước khi vay vốn đóng tàu./.

Đọc thêm