(PLVN) - Nhiều điểm du lịch lớn và sầm uất bậc nhất cả Bắc - Trung - Nam đều cũng vắng bóng du khách giữa dịch Covid - 19. Tiểu thương than ế ẩm, ngồi bấm điện thoại “giết” thời gian, thậm chí ngủ gật ngay tại quầy hàng.
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, các điểm du lịch bị giảm khoảng 50% lượng du khách so với ngày thường.
Chợ Đồng Xuân vốn là khu chợ đầu mối, là không gian mua bán của nhiều tiểu thương và là sự lựa chọn của nhiều người dân Hà Nội. Thời điểm ra Tết, các tiểu thương vốn chuẩn bị kỹ càng việc phân phối các mặt hàng ra thị trường. Đây là một trong những giai đoạn được mong chờ nhất trong năm. Tuy nhiên, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều tiểu thương tỏ ra ngán ngẩm, chán nản vì hàng bị “ứ đọng”.
|
Chợ Đồng Xuân - khu chợ lớn nhất Hà Nội vắng vẻ, đìu hiu khác thường trước diễn biến tình hình ngày càng phức tạp của dịch COVID - 19 |
|
Các tiểu thương buôn bán trong chợ thậm chí còn ngủ ngay tại quầy hàng vì vắng khách. |
|
Các gian hàng vắng bóng người mua, hàng hóa chất đầy thành từng đống. |
|
Thời gian có lượng khách đến đông thường ngày là từ 9h - 12h và 14h - 17h. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách ở tầng 2 rất ít. |
Chợ Bến Thành - một trong địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của TP. Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ, cảnh ế ẩm, hàng quán vắng ngắt khiến tiểu thương chỉ biết ngồi “tám” chuyện hoặc bấm điện thoại “giết” thời gian.
|
Tiểu thương ngồi bấm điện thoại "giết" thời gian vì không còn nhiều khách đến chợ như trước. |
Những ngày trong mùa dịch bệnh vì virus Corona này, chợ Bến Thành thưa thớt hẳn. Vẫn có khách du lịch đến từ các nước châu Á đeo khẩu trang và một số "khách Tây" dạo chợ. Nhưng khung cảnh trong chợ thì rất đìu hiu, ảm đạm.
Tại khu mua sắm đồ lưu niệm, du khách vội lướt qua. Còn tại khu ăn uống, những hàng ghế trống xếp dài nối đuôi nhau.
Chủ hàng Bún suông Cô Mai buồn bã nói: “Không riêng gì hàng tôi, hàng nào cũng vắng hết, ghế đó mà có ai ngồi ăn đâu. Ế ẩm lắm”. Chủ quầy hàng trái cây cũng chia sẻ: “Mong sao sớm hết dịch chứ làm ăn buôn bán kiểu này chán lắm. Cả ngày chỉ ngồi không “tám” chuyện nhìn vài người lác đác đi vào”.
Không chỉ chợ Bến Thành, Chợ Lớn - khu chợ có lịch sử lâu đời và sầm uất bậc nhất TP HCM chung cảnh ngộ.
Chợ Lớn là nơi tập trung buôn bán và sinh sống chủ yếu của người Hoa hoặc người Việt gốc Hoa. Chính vì vậy, có nhiều món ăn đặc sắc và có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng mà không một khu chợ nào có thể cung cấp cho bạn.
Tuy nhiên, những ngày này các tiểu thương tại Chợ Lớn đều than ế ẩm, có quầy hàng mất đến 9/10 lượng khách so với ngày thường. Điều này gây thiệt hại rất nhiều đặc biệt là các hàng quán ăn uống và đồ sử dụng ngắn hạn.
|
Một số gian hàng tại Chợ Lớn đóng cửa không mở bán trong mùa dịch. |
|
Các gian hàng không một bóng khách Việt lẫn khách du lịch nước ngoài ghé mua. |
Bà Nhung là một tiểu thương Chợ Lớn cho hay: “Tôi bán lâu rồi, mười mấy năm rồi. Từ ngày có dịch đến giờ chợ vắng lắm, chợ vắng đến nỗi bạn hàng 9 giờ mà họ còn chưa ra tới vì ra ngồi không à.
Mình chỉ nhờ có mối của mình ở tỉnh điện lên dặn hàng thì ra giao thôi chứ khách vãng lai cũng ít lắm. Doanh thu giảm nhiều, nhiều rõ rệt luôn. Chợ sỉ mà nguyên một ngày mà bán đâu có được nhiêu tiền đâu. Nhưng mình phải chịu thôi, tình hình chung mà”.
|
Trong lúc ngồi đợi khách đến mua, một tiểu thương bán thực phẩm đã chế biến không quên đeo khẩu trang bảo vệ mình trong mùa dịch. |