Vì sao Big C tạm dừng nhập hàng?
Trong thông báo gửi đến các đối tác mặt hàng may mặc, Central Group cho biết, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, Central Group quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019. Thông báo này khiến cộng đồng doanh nghiệp may mặc Việt Nam sững sờ và đã có các phản ứng như tụ tập phản đối chính sách của Central Group Việt Nam.
Ông Lê Tấn Trường - Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, đặc thù của ngành hàng này là tốn nhiều nhân công, để chạy một đơn hàng thường mất thời gian chuẩn bị từ khoảng 3 tháng, do đó việc dừng nhập hàng cần có một lộ trình nhất định, phải báo trước để nhà sản xuất có thể có kế hoạch chủ động với nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, thông báo tạm dừng nhập hàng của Central Group phát đi hôm 2/7, và cũng ngày này nó có hiệu lực ngay lập tức. Trong một thông cáo báo chí ngày 3/7, Central Group cho biết, Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới. Big C Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình và cách tiếp cận tương tự được áp dụng cho ngành hàng may mặc.
Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này. Tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó. Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa cũng như tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao phục vụ khách hàng.
Hiện tại, hệ thống siêu thị này có hơn 4.000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình và đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhằm thỏa mãn điều kiện cho cả thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
“Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”, Thông cáo báo chí của Big C viết.
Big C cam kết nhận hàng trở lại
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng 4/7, ông đã trực tiếp cùng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan của Bộ làm việc với Tập đoàn Central về vấn đề trên. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cũng tham gia cuộc họp.
Tại cuộc họp, Central Group cho biết đang có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc, đang xác lập lại hệ thống và kiểm lại modul trên toàn hệ thống nên tạm dừng nhập hàng trong 15 ngày và có thể lâu hơn. Ông Hải cung cấp thông tin, phía Central Group khẳng định, tất cả các đơn hàng đã ký kết sẽ vẫn tiếp tục thực hiện.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Hải nói, Big C Việt Nam đã đóng góp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng/năm và là một nhà đầu tư nước ngoài tạo công ăn việc làm cho khoảng 17.000 lao động gián tiếp và hơn 10.000 lao động trực tiếp; Rút ngắn các khâu phân phối khi tiến hành phương thức tiêu thụ hàng nông sản từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, với chiết khấu 0%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, Big C Việt Nam đã cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay sau khi cuộc họp kết thúc. Trong vòng 2 tuần tới, 100 nhà cung cấp lớn cũng sẽ tiếp tục được mở đơn hàng. Còn lại khoảng hơn 50 nhà cung cấp, Big C sẽ làm việc kỹ hơn về tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, phía Central Group khẳng định, tất cả những việc họ làm tuân thủ đúng nội dung hợp đồng đã ký kết và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như giới thạo luật. Theo đó, các ý kiến này đều cho rằng, Central Group là một tập đoàn lớn nên chắc chắn không có việc họ vi phạm hợp đồng đã ký kết với các nhà cung cấp phía Việt Nam. Do đó, nhiều khả năng doanh nghiệp Việt đã… hớ khi ký hợp đồng với đối tác này và không thể có biện pháp mạnh hơn để phản đối khi Central Group đơn phương ra thông báo tạm dừng nhập hàng.
Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc giải quyết giữa Big C đối với 200 doanh nghiệp Việt Nam là chuyện giữa doanh nghiệp với nhau và trên cơ sở hợp đồng đã ký, cũng như sự tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam. “Chúng tôi bảo vệ, tôn trọng lợi ích nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng”, ông Hải khẳng định.