Nhiều vi phạm
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều tuyến phố của Thủ đô, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều quán hàng, thức ăn đường phố, những món ăn như: bánh cuốn, bún, phở, cháo, bánh mỳ pa tê… không được che đậy, nằm “phơi” trên hè phố, ngay cạnh cống rãnh, mặc cho bụi bẩn, khói bụi từ xe cộ qua lại.
Còn người bán hàng, nhân viên phục vụ vẫn vô tư dùng tay không bốc, chế biến món ăn. Cũng có những chủ quán tuy đã đeo găng tay nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vừa lấy tiền, trả lại cho khách. Thậm chí, họ vừa đeo găng tay, vừa cầm giẻ lau bàn…
Tại chợ La Khê (phường La Khê, quận Hà Đông), có nhiều hàng quán bán các đồ ăn chính như bún, phở, giò chả... Đa số người bán hàng đều dùng tay không để cắt, thái và bốc thức ăn cho khách. Tại chợ Vồ (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông), một người đàn ông bán bánh mỳ dạo một tay cầm chiếc bánh mỳ một tay dùng chiếc kẹp gắp bỏ thịt không cần găng tay đưa cho khách.
Bà N, một người phụ nữ bán hàng lòng, dồi chín trong chợ còn khẳng định không sử dụng đến găng tay vì bất tiện, trơn trượt và dẫn đến việc thường xuyên cắt vào tay nên không dùng. Bà N. còn khẳng định không hề biết đến quy định này và không thấy phổ biến trong khu chợ.
Trên địa bàn phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 35 hộ nhỏ lẻ kinh doanh thức ăn đường phố. Theo ông Lâm Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, trong 9 tháng năm nay, các đoàn kiểm tra ATTP của Phường đã xử lý 19 cơ sở vi phạm về lĩnh vực ATTP.
Các vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận vệ sinh, ATTP, không lưu mẫu thức ăn… Riêng với hành vi không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, cơ quan chức năng của phường mới chỉ xử phạt 8 trường hợp.
Muốn phạt được phải tăng cường kiểm tra
Khách quan nhìn nhận, hành động bán đồ ăn chín không đeo găng tay là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh ung thư với số lượng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 70% số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả,…
Trước thực trạng mất ATTP vốn vẫn đang tồn tại từ lâu nay, với mức xử phạt được quy định cụ thể tại Nghị định 115, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ quy định này. Họ mong muốn mức xử phạt sẽ được triển khai rộng khắp không chỉ ở các TP lớn mà hầu hết các vùng quê nông thôn.
Chị Trịnh Thị Thu (Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu thực hiện xử phạt đúng theo Nghị định thì chúng tôi rất vui, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Mong rằng các cấp chính quyền sẽ giám sát, kiểm tra để xử phạt nghiêm những người bán hàng còn vi phạm. Đặc biệt ở các vùng quê luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP lớn nhất.
Bởi ở TP vẫn được các đoàn kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm, giám sát... còn ở quê như chúng tôi cả năm cũng không có đoàn nào kiểm tra và dân muốn kêu cũng không biết phải phản ánh với ai”.
Ở góc độ pháp lý, theo Luật sư Phan Tiến Duy - Giám đốc Công ty luật DLS, thực tế đã có nhiều qui định được ban hành nhưng không thấy thực hiện, chỉ dừng lại ở quy định rồi để đó, như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rất nhiều người vẫn hút thuốc lá tại nơi công cộng, công sở nhưng rất ít người bị phạt.
“Nếu không thực hiện một cách công bằng, nghiêm túc sẽ dẫn đến tình trạng người dân không đồng tình trong việc xử phạt, ví dụ như nhiều người mắc cùng một lỗi mà có người bị phạt, có người lại không bị xử lý. Do đó dễ dẫn đến tâm lý nhiều người vi phạm không phục. Bên cạnh việc tăng mức phạt, cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền chứ không nên làm hình thức cho có rồi bỏ đấy” - Giám đốc Công ty Luật DLS chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, nhiều quán hàng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, nhưng vẫn có đất sống, theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chính quyền địa phương một số nơi chưa quyết liệt, còn nể nang trong xử phạt vi phạm. Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.