Người chạy đua thời gian để tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gọi nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã thực hiện hơn 3.000 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp cả nước là “người chạy đua với thời gian” cũng không hề sai. Bởi trong những câu chuyện của bà về hành trình đi và vẽ kéo dài hơn một thập kỷ bền bỉ, đã có những nốt lặng buồn khi Mẹ đã không đợi được...
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội chiếc xe máy đã đồng hành cùng bà trong nhiều năm đi và vẽ Mẹ VNAH. (Ảnh: PV)
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội chiếc xe máy đã đồng hành cùng bà trong nhiều năm đi và vẽ Mẹ VNAH. (Ảnh: PV)

Những ký họa đi cùng dặm dài đất nước

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh ngày 16/11/1948, quê xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bà trở thành diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho khi mới 15 tuổi. Tháng 7/1964 bà là họa sĩ, phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng. Là một chiến sĩ, nghệ sĩ, bà thấu hiểu sự mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra.

“Khi ở chiến khu, tôi và đồng đội đã hẹn với nhau rằng sau này hòa bình sẽ đi khắp đất nước Việt Nam và cố gắng làm tất cả những gì có thể để đóng góp cho đất nước” - tại sự kiện “Tâm họa tri ân” giới thiệu tâm huyết, nghĩa cử cao đẹp của nữ hoạ sĩ Đặng Ái Việt thông qua hành trình hơn một thập kỷ để ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức “Trái tim người lính”, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Ban Di sản ký ức (Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản) vừa tổ chức bà cho biết.

Năm 2010, 2011 và 2014, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung các Mẹ VNAH và là người vẽ chân dung Mẹ VNAH nhiều nhất. Ngày 13/11/2020, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thực hiện hành trình đi và vẽ khắp đất nước để vẽ Mẹ VNAH, nữ họa sĩ đã thực hiện lời hứa năm xưa. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đất nước Việt Nam mình có được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của rất nhiều máu xương các anh hùng, liệt sĩ và họ là con của những người Mẹ VNAH. Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các Mẹ VNAH, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Tôi vẽ bằng tất cả trái tim của mình để tri ân các mẹ, để các mẹ mãi trường tồn cùng đất nước” - bà nói.

Khởi đầu khi đã 62 tuổi, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã có cuộc hành trình hơn 14 năm từ 19/2/2010 trên những chiếc xe máy như Chaly, Cup 50 (ước tính nữ họa sĩ đã đi hơn 140 nghìn kilomet đến các tỉnh, thành) và hành trang tối giản với một thùng đồ nghề đựng giấy, màu và bút vẽ, cùng chút ít tư trang cá nhân. Hành trình ấy đã đưa nữ họa sĩ đến 63 tỉnh, thành, vẽ được 3.157 bức chân dung các Mẹ VNAH.

Trong khuôn khổ sự kiện “Tâm họa tri ân”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt trao tặng gần 3.000 tranh vẽ chân dung Mẹ VNAH của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Trong lễ trao tặng, đọc 2 câu thơ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ có câu: “Từ thuở mang gươm đi mở nước/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt rưng rưng xúc động: “Cả cuộc đời tôi đã gắn bó với Hội Phụ nữ và trong những ngày tháng chiến tranh cũng như thời bình tôi luôn hướng về Thủ đô. Vì thế, tôi rất yên tâm khi giao những bức vẽ này cho bảo tàng gìn giữ và mong rằng góp được phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những đóng góp hy sinh của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, các bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

“Động lực để tôi có thể đi vẽ ở cái tuổi này đó là tình yêu. Hành trình đến với các Mẹ VNAH là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Tính đến nay tôi đã vẽ được chân dung của 3.157 Mẹ VNAH. Người Mẹ VNAH thứ 3.157 sinh năm 1916, 108 tuổi tôi vẽ ở tỉnh Hà Tĩnh và ở địa phương này tôi đã có kỷ niệm khó quên. Khi có kế hoạch vẽ ở Hà Tĩnh, tôi đã liên hệ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) địa phương và được báo con số là toàn tỉnh có 21 Mẹ VNAH. Nhưng khi tôi đến nơi, con số đã tụt xuống còn 20. Một Mẹ đã ra đi mãi mãi cùng thời gian. Tôi như chết lặng, chỉ ước ao sao mình có thể chạy đua thắng được thời gian”, bà kể.

Biết ơn những sự giúp đỡ thầm lặng

Ở Việt Nam, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, các Mẹ VNAH đã trở thành những người chiến sĩ thầm lặng, góp phần làm nên những trang sử hùng tráng của dân tộc, tạc vào dáng hình của đất nước Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Mẹ VNAH. Tuy nhiên, đến nay theo số liệu hiện tại, chỉ còn 2.988 mẹ VNAH còn sống. Từ con số này có thể hiểu sự hối hả của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt quên đi tuổi tác để chạy đua cùng thời gian trên dặm dài đất nước ghi lại hình ảnh của các Mẹ VNAH. 3.157 bức ký họa chân dung của Mẹ VNAH thực sự là thành quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và đầy hiệu quả, đáng kính nể của họa sĩ Đặng Ái Việt. Và bà cũng cho biết, để có được thành quả đó, đã có rất nhiều sự giúp đỡ thầm lặng phía sau.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã thực hiện hơn 3.000 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp cả nước. (Nguồn: BTPN)

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã thực hiện hơn 3.000 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp cả nước. (Nguồn: BTPN)

Theo lời bà, khi bà bắt đầu chuyến hành trình vào tháng 2/2010, thời điểm đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội đang là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Biết nghĩa cử của nữ họa sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân rất ủng hộ và đã giúp nữ họa sĩ hóa giải rất nhiều khó khăn về khâu thủ tục, giấy tờ trong hành trình đi, vẽ khắp đất nước cũng như luôn quan tâm tiếp thêm động lực cho nữ họa sĩ.

“Tại tất cả các địa phương tôi đã đến, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền, của ngành LĐ-TB&XH. Nhận được những sự giúp đỡ này tôi càng mong muốn được vẽ nhiều hơn nữa để tri ân các Mẹ VNAH và trả “nợ đời, nợ nghiệp, nợ người cố nhân”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết. Cũng theo nữ họa sĩ, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, ngay sau khi đất nước hết phong tỏa, bước vào thời kỳ bình thường mới, bà đã xin phép ngành LĐ-TB&XH được tiếp tục vẽ và để bảo đảm an toàn cho các Mẹ, bà nêu phương án ngồi vẽ từ xa thay vì tiếp cận gần như trước. Được sự đồng ý, nữ họa sĩ lại tiếp tục hành trình vẽ của mình chạy đua cùng thời gian.

“Trên con đường hành trình đến với các mẹ VNAH đất Quảng Nam, tôi ghé một trạm xăng ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Chàng trai trẻ bán xăng đã nhất quyết không nhận tiền đổ xăng cùng một câu nói giản dị: “Bác cho con gửi một ít xăng để bác đi vẽ tiếp chân dung Mẹ VNAH. Khi đó, nước mắt tôi đã rơi...”, bà kể lại với phóng viên.

Đọc thêm